* Tài nguyên đất:
Về mặt thổ nhưỡng đất đai của phường chủ yếu là đất phù sa được hình thành do quá trình bồi đắp của Sông Cầu. Loại đất này có thành phần cơ giới trung bình, đất ít bị chua, hàm lượng dinh dưỡng khá thích hợp cho phát triển các loại cây trồng. Tuy nhiên thực tế hiện nay và tiếp tục trong những năm tới đất đai của phường chủ yếu dành cho các mục đich phi nông nghiệp.
* Tài nguyên nước:
Nguồn nước của phường Phan Đình Phùng được cung cấp từ hai nguồn chính đó là: - Nguồn nước mặt: Phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa tự nhiên (lượng mưa hàng năm khoảng 1.700 – 1.800mm) và nước suối Xuân Hòa cùng với nhiều hệ thống ao đầm. Tuy nhiên lương nước mặt chịu ảnh hưởng theo mùa, vào mùa khô lượng nước thường thấp hơn nhất là vào các tháng 1, 2, 3 hàng năm.
- Nguồn nước ngầm: Đến nay chưa có khảo sát, nghiên cứu đầy đủ về trữ lượng và chất lượng nước ngầm, tuy nhiên qua đánh giá sơ bộ của các hộ gia
đình hiện đang khai thác sử dụng thông qua hình thức giếng khơi cho thấy mực nước ngầm có độ sâu 4 – 5m.
* Tài nguyên rừng:
Đất lâm nghiệp của phường chỉ có một diện tích nhỏ: 0,95ha đất trồng rừng sản xuất, chiếm 0,35% diện tích tự nhiên của phường.
* Tài nguyên nhân văn:
Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người Phan Đình Phùng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Thái Nguyên. Trong lịch sử người dân phường Phan Đình Phùng luôn năng động, sáng tạo, có ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn trong lao động sản xuất và cải tạo thiên nhiên, phát triển nền văn hóa, kinh tế, xã hội.
Trên địa bàn Phan Đình Phùng hiện có 6 dân tộc anh em sinh sống. Các sinh hoạt, lễ hội, phong tục tập quán lành mạnh vẫn được các dân tộc trong phường giữ gìn và phát triển đã tạo cho phường có nền văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng.
(Nguồn: Báo cáo Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ phường Phan Đình Phùng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 – 2015)