Trong thần thoại Việt Nam và Trung Quốc ta đã rất quen thuộc với hình tượng bà Nữ Oa “đội đá vá trời”. Theo thần thoại kể lại sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, thế giới trần gian đã có sông nước, cây cỏ và muôn thú,
mưa nắng thuận hòa. Nữ Oa tuy thấy nơi đây có chất của sự sống, như dường như sự sống còn chưa hoạt bát, bà cảm thấy cần phải tạo ra một loài động vật mới nên bà đã tạo ra loài người - là động vật thông minh nhất. Bà còn dạy cho họ về lễ hôn nhân, tạo ra các nhạc cụ khiến họ vui vẻ. Khi trụ trời bị gãy sụp, Nữ Oa đã đội đá ngũ sắc để vá trời, diệt trừ yêu quái cho loài người được sống bình yên…Nữ Oa trong tâm trí người dân là người mẹ vĩ đại đã tạo ra sự sống, che chở, bảo vệ cho họ tồn tại trên trái đất này.
Thần thoại Việt, cũng có truyện Thần Trụ Trời phản ánh khá rõ quan niệm của người Việt cổ về nguồn gốc và quá trình hình thành thế giới. Truyện kể rằng: Ban đầu vũ trụ là một cõi hỗn độn, mờ mịt, tối tăm, lạnh lẽo. Từ cõi hỗn độn ấy, thần Trụ Trời đã xuất hiện, ông lấy đầu đội trời lên cao và dùng chân đạp đất xuống thấp. Đất, trời đã phân cách nhưng chưa xa nhau, ông lại đào đất đá, xây trụ chống trời lên cao mãi. Khi trời đã thật cao, đất đã thật rộng, ông mới phá cột trụ đi “Trời tròn như bát úp, đất phẳng như cái mâm vuông”. Thần ném vung đất đá đi khắp chốn. Mỗi hòn đá văng ra bấy giờ thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung toé mọi nơi thành cồn, thành đồi, thành cao nguyên. Vì thế mà bây giờ mặt đất có chỗ cao, chỗ thấp. Những nơi thần đào đất xây trụ thì mặt đất lõm xuống thành đầm hồ, sông biển. Những nơi đất đá văng ra khi cột trụ bị phá thì mặt đất nhấp nhô thành núi, thành gò, chỗ ráp quanh giữa trời và đất được gọi là chân trời.
Qua đây ta thấy, thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và tự nhiên phản ánh cách giải thích, nhìn nhận hết sức hồn nhiên của con người thời cổ về vũ trụ, núi sông, biển cả, đất trời và muôn vàn các hiện tượng tự nhiên khác, đã chứa đựng cả khoa học và triết học duy vật sơ khai. Có thể tìm thấy trong đó cái logic biện chứng của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và môi trường sinh tụ thuở ban đầu, khi con người mới định cư trên những vùng đất hoang sơ còn nhiều lạ lẫm.
Coi vũ trụ do một vị thần tạo ra, và vị thần ấy cũng phải vất vả đào đắp giống như con người lao động vậy. Con người đã nêu lên được vấn đề lao động sáng tạo và cải tạo vũ trụ. Các thần cũng phải lao động cật lực mới biến cải được thế giới tự nhiên cũng như mới kiến tạo được vũ trụ.
Theo dòng thời gian, những mô típ ấy vẫn còn lặp lại trong các sáng tác của các thế hệ nhà văn, nhưng không còn nguyên vẹn nữa. Nó đã được “đọc lại” và mang những ý nghĩa tượng trưng riêng. Thời đại ngày nay, thế giới không còn ở dạng hỗn mang, vì thế đấng sáng tạo không còn phải tạo ra muôn loài như Nữ Oa hay Thần Trụ Trời. “Đấng sáng tạo” sẽ mang nhiệm vụ “tái sinh” muôn loài khi đã qua một thời bị tàn phá! Trong trường ca “Người vắt
sữa bầu trời” mở đầu trường ca, Thu Bồn đưa ta về thủa “hồng hoang” khi đất nước còn tiêu điều, xơ xác bằng một cuộc “hành quân theo ký ức”:
Ta lấy con ốc đại dương làm tù-và rúc Triệu hồng cầu như bọt biển đang sôi Ta lấy tay nhổ sạch những gốc sồi Trên lối ta đi săn vào huyền thoại
Bên ngọn lửa bập bùng, những ché rượu cần được bưng trên cánh tay của “nữ thần ánh sáng”, sự quây quần của cả “những người có mặt trong chiến tranh”, “những người nằm yên dưới mộ” trong lời kể của Sư trưởng ta như đang lạc vào thế giới của huyền thoại, nơi có những già làng Tây Nguyên đang kể cho con cháu nghe về cội nguồn của dân tộc mình. Thửa ấy, bầu trời, mặt đất còn hoang sơ lắm:
Mây nguyên thủy vẫn trôi cuồn cuộn Bế bồng nhau dắt díu nhau đi
Ngực mênh mông những đỉnh núi dậy thì Đã phun lửa hàng triệu năm rồi lụi tắt Hỡi những đồi cỏ tranh hiu hắt
Đó là một khung cảnh lụi tàn, do tập tục sống lạc hậu, do chiến tranh tàn phá. Những cảnh đói nghèo còn ám ảnh trên vùng đất Tây Nguyên:
Hỡi những đứa con bụng ỏng đít teo Hỡi những mẹ cha truyền kiếp đói nghèo Mây cũng rách như áo quần sau trận mạc…
Và những mảnh đất bạc màu, hoang vu thiếu dấu chân con người:
Xưa kia ai biết chốn này
Nơi nơi sỏi đá bãi lầy chen nhau Đất chưa vỡ đã bạc màu
Hoa chưa nở đã héo xàu nụ hoa
Một mảnh đất thiếu hơi người nên thiếu sức sống. Giờ đây khi con người đã thoát ra khỏi những mộng ước về những vị thần ban phép màu kì diệu, cũng như “cô Tấm thủa nào không còn khóc để chờ Bụt hiện lên”, họ không thể chờ đợi vào một thế lực nào khác, phải tự biến mình thành “những con người khổng lồ, vĩ đại” bằng bàn tay và khối óc của chính mình, làm cho non nước hồi sinh. Bản trường ca này không có cốt truyện cụ thể, nhưng những nhân vật hiện lên lại mang dáng dấp những con người vĩ đại đã tái tạo và hồi sinh đất nước.
Người vắt sữa bầu trời là ai? Không ai khác “chính là mặt đất”, “chính là anh là chị là em”. Để làm nên cuộc sống hòa bình của ngày hôm nay, họ đã trải qua biết bao gian khổ, hi sinh. Họ lấy máu và nước mắt của mình để dập tắt lửa chiến tranh. Đó là những người lính bộ đội cụ Hồ:
Hồi ấy chúng tôi còn rất trẻ
Đầu môi cao hơn khẩu súng trường Thiếu dép thiếu cơm hành quân chân đất Rừng nghiêng mình làm chiếc võng êm
Ở họ ta thấy có chút gì lãng mạn của tuổi trẻ, pha chút ngang tàng, ngạo nghễ của người tráng sĩ thủa xưa. Họ đã được chiến tranh tàn khốc tôi luyện nên khí phách kiên cường:
Tuổi trẻ chúng tôi không kịp khóc
Chôn bạn lạnh lùng trần trụi dưới đồi sim
Và:
Tuổi trẻ biến trăm sông thành thác
Dập tắt lửa chiến tranh bằng máu đời mình
Trong cuộc hành quân gian khổ để giành lại tự do, độc lập cho tổ quốc, những người lính không chỉ ngã xuống trước mưa bom bão đạn của kẻ thù, mà còn bị đe dọa tính mạng bởi thiên nhiên khắc nghiệt. Đó là những con thú rừng nanh ác tựa như những bóng ma quân thù xâm lược:
Những nấm mồ chôn vội cọp đào lên Người bị thương không dám kêu rên Sợ cọp đến chữa vết thương tàn bạo
Và:
Thiếu thịt người cọp nhảy lưng voi Móc thịt để ăn voi gầm quật ngã Voi lao vào rừng cho cây gạt ngã
Cọp văng xuống rồi trái rụng xuống lưng Trên lưng voi bỗng mọc đám rừng
Con quạ khoang ăn hôi làm tổ
Cùng với những người lính, còn có những người mẹ tần tảo đã hi sinh trọn đời cho đất nước:
Con đem hết tài nguyên châu báu Chắt lọc tự trái tim con
Tất cả nguồn năng lượng đỏ tươi Mẹ đã nghiệm thu qua một thời vất vả
Và những cô gái tuổi trăng tròn cất đi những khao khát tuổi trẻ để ra chiến trường:
Một thời con mắt lá răm
Một thời con gái đăm đăm hẹn thề
Để cho đất nước được sống, những đôi trai gái cũng phải hi sinh tình yêu để ra trận mạc. Trong câu chuyện tình yêu đầy nước mắt của nhân vật “Tôi”, tình yêu tha thiết sâu kín trong lồng ngực cô gái, đã bị những bom mìn của chiến tranh hủy diệt. Đôi mắt cô gái như ngàn sao trên bầu trời đêm, đã trốn biệt vào tăm tối khi một viên đạn đã xuyên vào mắt cô: “Tên giặc trong xó xỉnh nào độc địa đã lén bắn vào mắt em…em khóc bằng một con mắt trái…phong thư em đề E – Ka – Nốp A- Mơ – Doong chưa kịp đọc anh đã biết tin em từ nay không còn nữa. Vết thương xưa chấn động đã giết chết em rồi”.[Người vắt sữa bầu trời, 43].Tác giả tiễn đưa cô gái về đất mẹ trong sự nuối tiếc và đau đớn. Em sẽ hóa thân mình vào quê hương xứ sở. Đôi mắt em hóa những vì sao sáng bừng trong đêm. Đất nước được được hồi sinh bởi có những chàng trai, cô gái dũng cảm quên mình vì đất nước như thế. Từ nay, đất nước như những con chữ xưa kia đã chết trên hàng rào trận địa, hay mang trên mình những thương tích chiến tranh nay đã hóa những bài thơ giản dị và lắng đọng, có sức vóc hơn xưa gấp vạn lần.
Tiếp đến trường ca “Người gánh gồng phương Đông”, tác giả có nhắc đến mô típ huyền thoại về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của người Việt. Truyền thuyết của người Việt xưa kể rằng: Lạc Long Quân là con trai của Kinh Dương Vương, có tài đi dưới nước như đi ở trên cạn. Còn Âu Cơ là con gái yêu của Đế Lai, đem quân tràn từ phương Bắc xuống phương Nam, thấy
Lạc Long Quân gặp nhau và trở thành vợ chồng. Họ sinh được một bọc trứng gồm một trăm quả, mỗi quả nở ra một người con trai. Tuy sống với nhau hạnh phúc nhưng giống Rồng và Tiên khó ở với nhau lâu dài, nên họ quyết định chia nửa số con xuống biển, một nửa lên non. Khi gặp khó khăn hoạn nạn sẽ báo cho nhau biết để giúp đỡ. Một trăm người con tỏa đi khắp nơi. Họ là tổ tiên của người Bách Việt, đã mở mang bờ cõi, đem lại sự no ấm, phồn thịnh cho nhân dân.
Vẫn sử dụng mô típ huyền thoại này, Thu Bồn đã vận dụng sáng tạo thêm nhiều chi tiết sinh động về sự tích của muôn loài và thổi vào đó không khí của thời đại.
Cuộc gặp gỡ giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân được thi vị hóa bằng những hình ảnh kì vĩ và nên thơ. Ngoại hình của Âu Cơ hòa lẫn với vẻ đẹp của thiên nhiên:
Tóc em dài con sông chảy xiết
Tỏa xuống nghìn năm xanh biếc tóc em Ở giữa đường ngôi rẽ bằng tia sáng Một vệt ngân hà chia đôi trời đêm Giọt nước chắt từ viên ngọc
Hòa ánh trời tia sáng lọc nên Là đôi mắt em.
Còn Lạc Long Quân lại mang một vẻ đẹp phong trần, kiêu hãnh:
Anh lấy mũi xà đinh chải tóc
Đầu tóc anh như con ngựa tung bờm Ngọn gió từ bốn phương đến đánh Những bụi cát trong tóc anh kiêu hãnh
Sự kết hợp tuyệt vời giữa hai giống Rồng – Tiên đã tạo nên một sức mạnh cho thủa khai thiên lập quốc:
Trước mắt ta là biển cả? Ta sẽ lấp
Ta sẽ gọi mặt trời đến ở cùng ta Ta sẽ tạo nên xứ sở loài hoa
Nơi sinh trưởng những tấm lòng dũng mãnh Mà nhân nghĩa cao hơn thần thánh
Câu chuyện tình của họ còn tạo nên những logic của cuộc sống như ngày hôm nay. Những câu chuyện này tác giả mô phỏng sự tích về vũ trụ, muôn loài trong các thần thoại xưa. Đó là những sự tích về sự xuất hiện của
hình dáng non sông, đảo, mặt trời, những dòng sông, mây ngũ sắc… “Trọn đời mẹ đau khổ lam lũ
Để tạc ra hình dáng non sông”
“Nơi ngọn sóng bạc đầu vì sương gió Khi đau thương biến con thành đảo nhỏ” “Sóng vẫn hát những lời say đắm
Mặt trời dừng chân trên xích đạo lắng nghe” “Đến thảo nguyên anh cởi trói những dòng sông Chúng réo ầm vang sùi bọt trắng
Rồi nhìn anh với tấm lòng sâu lắng
Bè giọng trầm chúng ca mãi tới biển Đông Vào U Minh anh bẻ gẫy chấn song lồng Mở xích cho nàng mây ngũ sắc”
huyền thoại ở đây được mang hình thù là một lão già có cả một gia đình và cộng đồng gớm ghiếc, là nỗi đe dọa, khiếp sợ của người dân:
Một đêm mưa rơi xuống lão già Cả đói nghèo khổ nhục gọi bằng cha …
Vợ lão là hoang vu Con đầu là cơ cực Cháu trai là nóng nực Cháu gái là lạnh lùng
Bè bạn lão ta khổ độc cứ từng vùng
Khi mảnh đất chưa được khai phá thì sự hoang vu “ma thiêng nước độc” thật đáng sợ. Thời tiết khắc nghiệt “nóng nực”, “lạnh lùng” khiến con người trở nên cơ cực, đói nghèo. Tất cả những kẻ thù đó đã có bàn tay dũng mãnh nhưng đầy nhân ái của chim Lạc xua tan đi, đem lại nguồn sống và sự vui tươi cho thế giới loài người. Kể về sự tích sông Cửu Long có chín nhánh, tác giả kể một chi tiết thú vị. Trong lúc diệt trừ yêu quái, chim Lạc đã bị cắn đứt một ngón tay, chín ngón tay còn lại trở thành chín nhánh Cửu Long rộng lớn:
Từ ngón tay chàng máu ứa những dòng kinh Còn lại chín ngón tay xòe ra vô tận
Thành chín nhánh Cửu Long sờ vào ngực biển Đông.
Những câu chuyện Thu Bồn hư cấu mang dáng dấp của huyền thoại xa xưa về sự tích muôn loài, nhưng tác giả đã thổi vào đó nguồn sinh khí của thời đại, với những tư tưởng mang ý nghĩa triết lí sâu xa.
Trên đất nước Việt Nam một dải chữ S, qua con mắt của nghệ sĩ Thu Bồn bỗng chốc nó hóa thành “chiếc đòn gánh” gánh hai chiếc sọt đựng đầy khoai lúa của Bắc Bộ và Tháp Mười:
“Đất nước cong như đòn gánh”
“Bắc Bộ Tháp Mười hai chiếc sọt đựng đầy khoai lúa”
Đất nước trù phú không chỉ có nông sản mà trên rừng dưới biển nhiều tài nguyên quý giá. Niềm tự hào không giấu nổi khi tác giả kể về những ngọc trai, đồi mồi, nghêu sò ốc hến, cua cá…dưới biển. Trên rừng là hàng ngàn chim chóc tưng bừng hót vang: Cu cườm, bìm bịp, bồ chao, cà cưỡng, chim công…
Theo dòng thời gian, dân tộc Rồng Tiên bất khuất ấy đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đã chịu nhiều thương tích và những lần thay da đổi thịt, về đây gặp thế kỉ XX – thế kỉ của những anh hùng viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Những trận đánh, những vết đạn của quân thù còn găm vào trang giấy:
Sài Gòn Tây Nguyên thành Huế Trong chân thành cố đô tàn phế Đạn quân thù lật sấp thời gian
Ngòi bom kẻ lên thành xưa hai chữ điêu tàn
Nhưng kẻ thù phải khiếp sợ sức mạnh của những con người Việt Nam, sức mạnh được hun đúc và tiếp sức từ cha ông ta bốn nghìn năm dựng và giữ nước:
Chúng sợ An Dương Vương, Thánh Gióng Sợ trăm dòng sông đều nổi sóng Bạch Đằng
Những súng thần công cổ sơ không bao giờ bắn nữa Nhưng chúng sợ lửa bắn về từ phía bốn nghìn năm
Những lời tuyên bố chắc nịch về chủ quyền và chiến thắng, như vẫn còn vang vọng từ Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo…lãnh thổ Việt Nam đã có tên ở “sách trời”, phân định rõ ràng cũng như “mặt trời phải đặt đúng chỗ mọc phương Đông” hợp với quy luật của trời đất.
Khái quát lại, ta thấy nếu như mô típ về đấng sáng tạo của các câu chuyện thần thoại xưa xuất phát điểm từ thời kỳ hỗn mang, với cách giải thích giản đơn, ngây thơ về vũ trụ, thiên nhiên, nhân vật chính là các vị thần mang sức mạnh vô biên, kì vĩ…Còn trong trường ca Thu Bồn không phải là thời kỳ hỗn mang nữa mà là sự hồi sinh, tái tạo lại của một thế giới bị tàn phá. Những con người khổng lồ, vĩ đại không ai khác chính là con người của thời đại Hồ Chí Minh! Cách giải thích về vũ trụ của tác giả đã mang triết lý sâu sắc về đạo đức, lý tưởng của thời đại.