Đối với một doanh nghiệp yếu tố khách quan hay yếu tố vĩ mô bên ngoài doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính. Có thể kể đến các yếu tố như: chế độ chính trị, chính sách ban hành của Nhà nước, ngành nghề của doanh nghiệp, sự tăng trưởng của nền kinh tế,…
- Các chính sách quy định của Nhà nước:
Đây là nhân tố có sức ảnh hưởng khá lớn tới việc tình hình tài chính doanh nghiệp. Bất cứ doanh nghiệp nào khi hoạt động cũng phải tuân thủ và làm đúng với những quy định mà pháp luật và Nhà nước đặt ra. Vì vậy nếu doanh nghiệp được may mắn hoạt động trong một môi trường pháp luật, chính trị phù hợp và có nhiều chính sách hỗ trợ thì sẽ giúp định hướng phát triển của doanh nghiệp đó tốt hơn. Ví dụ như nếu mức thuế của Nhà nước đối với các doanh nghiệp được nới lỏng thì lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp hàng năm sẽ gia tăng. Từ đó có thể bổ sung thêm nguồn vốn tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển hơn nữa.
- Chế độ chính trị:
Nền kinh tế muốn phát triển ổn định và bền vững thì trước hết phải có một nền chính trị ổn định. Có như thế các doanh nghiệp mới có được điều kiện cơ sở để yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận. Ngay cả những doanh nghiệp quốc tế khi đầu tư vào một nước nào đó thì điều đầu tiên học quan tâm chính là nền kinh tế - chính trị ổn định và có tiềm năng phát triển. Vì vậy, được hoạt động và phát triển trong một môi trường chính trị tốt sẽ giúp cho doanh nghiệp có doanh thu ổn định và được hưởng các chế độ chính sách tài chính hỗ trợ từ Nhà nước.
- Tình hình kinh tế - xã hội:
Có thể nói, thu nhập bình quân trên đầu người, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế quốc dân, tốc độ lạm phát... là các yếu tố tác động trực tiếp tới tình hình tài chính của từng doanh nghiệp. Khi tốc độ tăng trưởng nền kinh tế cao, kèm theo đó là các chính sách của Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, thu nhập bình quân đầu người ổn định... sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và ngược lại.
Tình trạng môi trường, các vấn đề quy định liên quan đến việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường,… đều có tác động nhất định đến chi phí kinh doanh, năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt ở những doanh nghiệp sản xuất.
Cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố để đánh giá thực trạng kinh tế chung của một quốc gia cũng như là cơ sở cho sự phát triển của các doanh nghiệp ở nước đó. Hệ thống đường xá, giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống ngân hàng tín dụng, mạng lưới điện quốc gia,... có ảnh hưởng tới chi phí kinh doanh. Từ đó quyết đinh tới khả năng thu thập và sử dụng thông tin, khả năng huy động và sử dụng vốn, khả năng giao dịch thanh toán,... của các doanh nghiệp do đó ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đối thủ cạnh tranh
Đối với mỗi doanh nghiệp cùng hoạt động trong cùng lĩnh vực thì việc tranh giành thị phần là vô cùng khốc liệt. Muốn doanh nghiệp của mình có thể đứng vững và phát triển vượt trội so với các đối thủ khác thì không những phải có một nguồn tài chính tốt mà còn phải có chiến lược sử dụng nguồn tài chính đó hiệu quả. Nhà quản trị luôn phải nắm được tình hình tài chính, tỷ lệ tăng trưởng so sánh với tỷ lệ trung bình ngành của mỗi đối thủ cạnh tranh và so sánh với chính bản thân doanh nghiệp để thấy được thế mạnh và những hạn chế còn tồn tại.
Nếu như cùng với một nguồn vốn hay giá trị tài sản tương đương nhau mà đối thủ cạnh tranh hoạt động tốt hơn (thông qua các chỉ số doanh thu – chi phí – lợi nhuận; các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu sử dụng nguồn vốn – tài sản hay chỉ tiêu đánh giá năng lực hoạt động,…) thì đó chính do năng lực quản lý của bản thân doanh nghiệp không được tốt. Trước hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu hàng năm và sau đó là cả tình hình tài chính của doanh nghiệp.