Trong công tác tổ chức thực hiện

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về cứu trợ xã hội Luận văn ThS. Luật (Trang 78)

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia công tác CTXH, trong đó nghiên cứu và đưa vào áp dụng rộng rãi hơn mô hình “chăm sóc thay thế”. Mô hình “chăm sóc thay thế” được hiểu là hộ gia đình, cá nhân có điều kiện tự nguyện nhận chăm sóc các đối tượng CTXH. Ở nước ta mô hình này cũng bắt đầu xuất hiện quy định chế độ đối với cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi dưới 18 tháng tuổi và trên 18 tháng tuổi bị tàn tật hoặc nhiễm HIV (Thông tư số 09/2007/TT- BLĐTBXH ngày 13/07/2007).

Khi xây dựng mô hình chăm sóc thay thể, chúng ta cần lưu ý: (i) điều kiện tiêu chuẩn của cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi đối tượng CTXH để tránh trường hợp trục lợi, lợi dụng không vì mục đích nhân đạo; (ii) đối tượng CTXH của mô hình này ngoài đối tượng là trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi thì cần mở rộng thêm đối tượng là người già không nơi nương tựa.

Thứ hai, cần nhân rộng hơn nữa mô hình “nhà xã hội” và khuyến khích phát triển các cơ sở bảo trợ xã hội của tư nhân để khắc phục hiện tượng quá tải của các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Về quy mô, mô hình “nhà xã hội” gần giống với các cơ sở bảo trợ xã hội hiện nay nhưng nhỏ hơn, được thành lập tại các địa phương và do địa phương quản lý; kinh phí thành lập “Nhà xã hội” do ngân sách địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ…sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân. Trường hợp kinh phí địa phương không đủ thực hiện thì Nhà nước xem xét để tạo điều kiện vật chất cho hoạt động ban đầu.

Đối tượng được đưa vào sinh sống tại “nhà xã hội” phải là những đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp CTXH. Hy vọng, trong thời gian gần nhất mô hình nhà xã hội sẽ được được thành lập rộng rãi trong cả nước để giảm hiện tượng quá tải tại các cơ sở bảo trợ xã hội và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng CTXH hiện nay.

Thứ ba, phát triển mạng lưới nhân viên xã hội

Hiện nay, số lượng nhân viên làm công tác này còn rất thiếu hoặc đã có nhưng yếu về chuyên môn. Vì vậy, việc bổ sung đội ngũ nhân sự làm nghề xã hội đã được nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Bằng việc ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội chúng ta phấn đấu trong giai đoạn 2010-2015 đội ngũ làm nghề công tác xã hội tăng khoảng 10%; giai đoạn 2010-2015 tăng 50% mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay của các đối tượng CTXH. Nhân viên xã hội chủ yếu làm các công việc liên quan đến tham vấn, hỗ trợ các đối tượng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ CTXH, ngoài ra cũng có thể quy định cho họ một số công việc khác nhằm thực hiện tốt pháp luật CTXH như kiểm tra, giám sát việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng tại gia đình…

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách thu nhập hợp lý cho những cán bộ làm công tác này. Có như vậy, người lao động mới thấy tầm quan trọng của công việc và xác định đó là một nghề.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về cứu trợ xã hội Luận văn ThS. Luật (Trang 78)