Trước đổi mới, trong lĩnh vực Dệt May cũng như các lĩnh vực ngành nghề kinh tế khác hầu như không có tranh chấp lao động dẫn tới đình công, bãi công. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế thì do tính chất ngành nghề, tranh chấp xảy ra trong quan hệ lao động của ngành Dệt May đã nhanh chóng hình thành, phát triển. Tranh chấp dẫn tới đình công đã xảy ra ở một số doanh nghiệp ngành Dệt May. Điển hình là trong các năm 2006 - 2007, ngành Dệt May trở thành điểm nóng, dẫn đầu số lượng các cuộc đình công trong cả nước. Hiện tượng công nhân đình công, lãn công, tự ý bỏ việc và diễn ra ngày càng nhiều. Đình công xảy ra trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, thành phần, khu vực tinh tế. Trong đó đáng chú ý là hiện tượng đình công ở các công ty liên doanh với nước ngoài. Trong khi một số công ty liên doanh với nước ngoài người sử dụng lao động đã hỗ trợ tiền thuê nhà trọ hoặc tiền xăng xe cho lao động mới vào làm việc, có quan hệ lao động hài hòa, thân tình với người lao động. Nhưng ngược lại, có nhiều doanh nghiệp người sử dụng lao động thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử với người lao động (trả lương cho khối quản lý, người phiên dịch rất cao, lương công nhân rất thấp) không quan tâm đến điều kiện làm việc của người lao động và chưa bao giờ tiếp xúc làm việc với Công đoàn cấp trên cơ sở.
Về nguyên nhân thì có thể nói đến rất nhiều, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân kinh tế, thuộc phạm vi quan hệ lao động và xuất phát từ cả hai phía, người sử dụng lao động (giới chủ) và người lao động.
Người sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật lao động và những cam kết đã ký kết trong Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể với những hành vi như không ký Hợp đồng lao động theo đúng tính chất công việc, chậm trả lương, bớt xén lương, phạt lương vô cớ, sa thải hoặc đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái với quy định của pháp luật v.v. thậm chí một số doanh nghiệp còn xúc phạm tới nhân phẩm và danh dự của công nhân điển hình như trong thời gian gần đây có trường hợp chủ doanh nghiệp phạt công nhân bằng
cách đổ keo 502 vào hai bàn tay công nhân...
Về phía người lao động: Do cường độ lao động cao, lại phải làm thêm giờ nhưng thu nhập thấp không đủ trang trải cho cuộc sống cá nhân và gia đình, chịu nhiều áp lực... Mặt khác nhận thức, hiểu biết của người lao động về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ còn hạn chế dẫn đến hiện tượng không tuân thủ nội quy, quy định của công ty và những thỏa thuận đã ký kết trong Hợp đồng lao động. Phần đông, lao động ngành Dệt May xuất thân từ nông thôn nên trình độ tay nghề, cũng như ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế v.v. cũng đã làm hạn chế đến việc giải quyết tranh chấp lao động, gia tăng bãi công không theo đúng luật.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho đến nay hầu hết các cuộc đình công, (trong lĩnh vực Dệt May chiếm số lượng lớn) diễn ra bất hợp pháp và không do Công đoàn lãnh đạo. Trong thực tế, vai trò của Công đoàn trong việc đại diện người lao động tổ chức, lãnh đạo đình công là rất hạn chế, chủ yếu là thực hiện việc hòa giải theo luật định, giải quyết theo kiểu hành chính sự vụ là chính, thậm chí có nơi Công đoàn còn đứng về phía giới chủ, bênh vực quyền lợi cho họ...
Những yêu cầu của người lao động trong các cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc tập thể chủ yếu là đòi người sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi của người lao động như đòi tăng lương hoặc trả đúng lương, nhất là lương làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền ăn ca. Đơn cử như vụ đình công của công nhân tại Công ty TNHH MTV C&M ViNa vào 22/4/2011. Nhìn chung tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân quá thấp (chỉ bằng khoảng 60% so với các doanh nghiệp Nhà nước), trong khi đó điều kiện lao động và cường độ làm việc lại quá hà khắc... Tiền lương thấp trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của người lao động, tác động tiêu cực đến quan hệ lao động. Để hỗ trợ người lao động, Chính phủ đã liên tục điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu nhưng vẫn không bù đắp được mức tăng giá các tư liệu sinh hoạt khiến cho đời sống công nhân, lao động nói chung và đặc biệt là công nhân, lao động
ngành Dệt May nói riêng vốn đã khó khăn, thì nay lại càng khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn tới tranh chấp lao động căng thẳng dẫn tới các cuộc đình công, ngừng việc tập thể có số lượng ngày càng nhiều.
Những yêu cầu của người lao động trong nhiều cuộc tranh chấp lao động, đình công lẽ ra có thể giải quyết được bằng thương lượng nếu cả hai bên hiểu biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật và vai trò của Công đoàn, của cơ quan quản lý nhà nước được thể hiện đầy đủ, kịp thời. Thực tế cho thấy, hầu như các yêu cầu, đòi hỏi của người lao động đều chỉ được thông tin, trao đổi và thương lượng khi đình công đã xảy ra, cho nên thời gian giải quyết kéo dài và khó khăn.
Gần đây, trong các doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt May, với vai trò tích cực của Công đoàn, từ khi ký kết và đưa vào thực hiện TƯLĐTT thì việc giải quyết tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có những chuyển biến tích cực, hầu như không có bãi công, đình công xảy ra, trong khi đó ở các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn thì tranh chấp lao động dẫn tới đình công, ngừng việc tập thể diễn ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp.
Chương 3
MỤC TIÊU VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN DỆT MAY TRONG VIỆC
BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra nhiều thời cơ, vận hội phát triển mới cho nền kinh tế đất nước trong đó có ngành Dệt May. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình này là kinh tế thế giới có chuyển biến nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta nói chung và ngành Dệt May Việt Nam nói riêng nhất là sau thảm họa thiên tai nặng nề, khủng hoảng tài chính mang tính toàn cầu, cũng như những diễn biến phức tạp về chính trị ở các khu vực trên thế giới v.v. thêm vào đó là những khó khăn không nhỏ của nội bộ nền kinh tế hiện nay của đất nước đang gặp phải như giá nguyên vật liệu, điện, than, xăng, dầu dự báo vẫn có nhiều biến động tăng, lãi suất vay ngân hàng cao... đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người lao động. Quá trình đổi mới doanh nghiệp tiếp tục triển khai đến hết năm 2013 đối với Tập đoàn và các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, một số doanh nghiệp triển khai dự án di dời dễ làm nảy sinh những vấn đề mới trong quan hệ lao động v.v. đã làm tăng thêm rất nhiều những thách thức cho hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, hoạt động Công đoàn có nhiều thuận lợi cơ bản như: Sự hồi phục kinh tế của một số thị trường nhập khẩu Dệt May lớn như Mỹ, EU... khả năng sẽ ảnh hưởng tích cực đến sản xuất và đời sống người lao động. Có sự đồng thuận cao giữa các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hoạt động của các tổ chức Công đoàn các cấp trong Công đoàn ngành Dệt May đã dần đi vào nề nếp. Sự phối hợp giữa Công đoàn Dệt May Việt Nam với các Công đoàn cơ sở, giữa các công đoàn cơ sở với nhau đã có chuyển biến tích cực hơn v.v… là những tiền đề rất quan trọng để Công đoàn Dệt May việc thực hiện vai trò đại diện trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.