Thực thi chính sách giáo dục hiệu quả

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam (Trang 43)

Việc xây dựng và thực thi các chính sách giáo dục ở Singapore luôn được gắn kết chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục Singapore, Học viện Giáo dục Singapore (National Institute of Education) và các trường. Trong đó, việc phát triển các chính sách được Bộ Giáo dục phụ trách, Học viện Giáo dục Singapore đóng vai trò nghiên cứu và triển khai thử nghiệm để phản hồi cho Bộ Giáo dục. Với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, Học viện Giáo dục đã thành lập Trung tâm nghiên cứu về giáo dục học nhằm nghiên cứu phương pháp giảng dạy hiện hành trong các trường học Singapore, từ đó đề xuất các thay đổi cần thiết liên quan đến công tác giảng dạy đến Bộ Giáo dục, tạo ra môi trường học tập tích cực, chú trọng tính sáng tạo, tạo điều kiện để người học được phát huy tối đa khả năng của mình. Bên cạnh đó, các chính sách giáo dục còn được định hướng và nhất quán từ Bộ Giáo dục đến các trường thông qua các cuộc họp định kỳ với các lãnh đạo trường và tạo ra các cơ hội nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Sự liên kết chặt chẽ và đồng bộ giữa các bên đã giúp Singapore tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ từ mô hình đơn thuần truyền đạt kiến thức sang mô hình nhấn mạnh vai trò của người học, đề cao tính sáng tạo và sự phát triển cá nhân. Bài học cho việc xây dựng chính sách thành công đến từ việc xây dựng chính sách luôn được lên kế

hoạch cẩn thận trước để đảm bảo khả năng thực thi của nó. Trong đó, Bộ Giáo dục Singapore đóng vai trò chủ đạo, Học viện Giáo dục Singapore và các trường chia sẻ các trách nhiệm liên quan và cũng được giao nhiều quyền tự chủ hơn để phát huy tính sáng tạo.

3.2.3. Quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực chất lượng cao của Singapore là thành quả của các chính sách về nhân sự được xây dựng kỹ lưỡng. Trong đó, việc đào tạo, tuyển dụng và phát triển đội ngũ lãnh đạo và giáo viên đã đóng góp rất lớn vào chất lượng của nền giáo dục Singapore. Việc quản trị nhân lực trong lĩnh vực giáo dục được thể hiện rất rõ trong quá trình tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo và cơ hội thăng tiến. Đối với công tác tuyển dụng, đội ngũ giảng dạy luôn được tuyển chọn cẩn thận từ những sinh viên tốt nghiệp có tiềm năng, khả năng, được đánh giá cao thông qua thành tích học tập. Chính sách lương được xây dựng để đảm bảo các giáo viên tiềm năng sẽ nhận được thu nhập hàng tháng cạnh tranh hơn so với các ngành khác, cùng với cơ hội nhận được các khoản thưởng tùy theo năng lực. Đối với công tác đào tạo, tất cả giáo viên được tuyển đều trải qua tập sự một vài năm đầu và được huấn luyện ở Học viện Giáo dục Singapore. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của đội ngũ giáo viên luôn bắt kịp với sự thay đổi của thời đại, mỗi giáo viên phải tham gia các khóa nâng cao năng lực chuyên môn tương đương 100 giờ mỗi năm. Trong quá trình phát triển sự nghiệp, mỗi giáo viên đã giảng dạy ba năm được chọn một trong ba định hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp với mình nhất, để trở thành giáo viên, nhà nghiên cứu hoặc nhà quản lý của trường. Tóm lại, nỗ lực tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghiêm ngặt đã giúp Singapore phát triển đội ngũ nhân lực trong ngành giáo dục trở thành một sự nghiệp được quý trọng và mang tính cạnh tranh cao trong xã hội, đáp ứng được yêu của giáo dục Singapore, thông qua nghĩa vụ cụ thể với quyền lợi được đảm bảo.

3.2.4. Mô hình đại học tự chủ của Singapore

Năm 2005, Chính phủ chấp thuận NUS, NTU, SMU trở thành đại học tự chủ theo đề nghị của UAGF (University Autonomy, Governance and Funding (UAGF) Steering Committee). Đây là quyết định có tính chiến lược để nâng cao tính tự chủ trong trường đại học, thúc đẩy tạo ra sự khác biệt và định hướng chiến lược riêng về thế mạnh cho mỗi trường để đạt được thành tích xuất sắc về học thuật. Hiện nay, NUS và NTU là hai đại học nổi tiếng nhất Singapore, hoạt động theo mô hình đại học tự chủ với cơ chế doanh nghiệp phi lợi nhuận. Điều này đã giúp các trường linh hoạt hơn trong tự chủ quản trị và tự chủ tài chính, có khả năng tạo ra những bước đột phá trong giáo dục. Đối với công tác tổ chức, cơ chế hoạt động theo doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò của Hội đồng trường. Hội đồng trường được nâng cao vai trò, đưa ra các chiến lược thay đổi tích cực cho mỗi trường chủ động thực hiện. Hội đồng trường giám sát việc thực thi các mục tiêu theo chiến lược chung của Chính phủ và chịu trách nhiệm về mặt đảm bảo chất lượng. Các thành viên trong Hội đồng được tuyển chọn cẩn thận từ những người có năng lực, kinh nghiệm và khả năng đóng góp cho sự phát triển của trường. Trường được tự chủ quyết định các mức học phí khác nhau cho các khóa học khác nhau; có chế độ linh hoạt để đãi ngộ, tuyển dụng nhân tài dựa trên thành tích và năng lực; có chính sách để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra môi trường học thuật lý tưởng, đưa ra các tiêu chuẩn/tiêu chí tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo phù hợp để trang bị kiến thức và kỹ năng cho sinh viên,... Để đảm bảo hoạt động của các trường đại học với mức độ tự chủ cao và phát triển theo đúng mục tiêu của quốc gia, một hệ thống các văn bản có liên quan được xây dựng và thực hiện bao gồm: (1) Thỏa thuận về chính sách giữa trường đại học và Bộ Giáo dục (Policy Agreement) theo đó, các trường thống nhất phát triển theo định hướng và thế

mạnh riêng của mình nhưng vẫn thống nhất với tầm nhìn chiến lược và kế hoạch phát triển tổng thể của Bộ Giáo dục. Đây cũng là điều kiện để thỏa thuận đi tới việc hỗ trợ tài chính của Bộ Giáo dục cho các trường; (2) Thỏa thuận về kết quả hoạt động giữa trường đại học và Bộ Giáo dục (Performance Agreement), đề ra những mục tiêu cụ thể và các chỉ số để đo lường hiệu quả đạt được theo mục tiêu của các trường, kể cả số lượng sinh viên được đào tạo và kết quả sử dụng nguồn lực về tài chính được Bộ Giáo dục cung cấp cho trường. Những kết quả này được trình này trong các báo cáo hàng năm của trường đại học; và (3) Khung đảm bảo chất lượng đại học của Bộ Giáo dục (Quality Assurance Framework for Universities - QAFU). Về mặt tài chính, cơ chế đại học tự chủ cũng khuyến khích các trường tích cực đa dạng hóa các nguồn quỹ hiến tặng từ nhiều nguồn như cựu sinh viên, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, thu nhập từ sinh viên quốc tế,... Chẳng hạn, NUS vận động được nguồn quỹ hiến tặng lớn nhất châu Á và không ngừng tăng lên qua các năm: 1,8 tỷ năm 2011 lên 2,2 tỷ USD năm 2012 (National University of Singapore (2012).

Tuy nhiên, sự hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ vẫn là chủ yếu, là sự đầu tư để xây dựng lực lượng nhân sự chất lượng cao trong giáo dục và cho cơ sở hạ tầng. Từ đó tạo nên môi trường học tập tuyệt vời. Năm 2012, ngân sách đầu tư cho các trường đại học tự chủ lên đến 2,6 tỷ USD6 trên tổng số 10,6 tỷ USD dành cho giáo dục. Trong đó, gồm các khoản chi cho chương trình đại học và sau đại học, nghiên cứu và phát triển. Cụ thể, đối với bậc đại học, Chính phủ đưa ra mức hỗ trợ chung cho các trường đại học tự chủ tính trên số lượng sinh viên đầu ra nhưng có sự khác biệt ở từng khoa khác nhau. Đối với bậc sau đại học, Chính phủ không hỗ trợ tài chính cho bậc học này vì đối tượng theo học có khả năng để chi trả chi phí học tập của mình. Do đó, các trường được hoàn toàn quyết định mức học phí cho các khóa học sau đại học.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, Chính phủ tài trợ cho sinh viên tham gia các khóa học nghiên cứu sau đại học. Riêng mức học phí của các khóa này sẽ do các trường quyết định. Ngoài ra, các trường đại học cũng được trợ cấp của Chính phủ để phục vụ cho nghiên cứu tùy theo kết quả đầu ra của hoạt động này. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng nghiên cứu của các trường đại học luôn là vấn đề trọng tâm để được tiếp tục nhận nguồn tài trợ từ Chính phủ cho nghiên cứu. Điều này được đánh giá mỗi giai đoạn 5 năm thông qua đánh giá chất lượng nghiên cứu của các trường (Research Quality Review (RQR) Panel). Về mặt học thuật, tính tự chủ cao đã giúp các trường đại học tự chủ xây dựng mối quan hệ và hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, từ đó tạo nên mạng lưới học thuật toàn cầu, mở rộng cơ hội giao lưu học thuật, nghiên cứu cho nhà trường lẫn sinh viên. Các trường có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các đại học tự chủ Singapore bao gồm Cornell University, Duke University, Georgia Institute of Technology, Imperial College, MIT, Stanford University, University of Adelaide, University of Califonia, Berkeley,…

Đối với Singapore, nhà nước trao cho tất cả các trường quyền tự chủ để tăng khả năng cạnh tranh với quốc tế. Giáo dục không đặt nặng việc truyền thụ kiến thức mà chú trọng vào việc giúp người học định hướng được nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, tạo điều kiện tìm được công việc thực sự phù hợp sau khi ra trường. Do được tự quyết định, các trường thu hút chất xám bằng cách thuê giáo sư, chuyên gia nước ngoài làm việc tại trường, đào tạo cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước để tăng tính cạnh tranh.

3.3. Hàn Quốc

Đến năm 2005, Hàn Quốc đã có khoảng 80% dân số trong độ tuổi từ 18-21 theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Năm 2000, trong 10 ngàn người Hàn Quốc đã có 390 có trình độ đại học, cao hơn mức trung bình của 15 nước có nền công nghiệp phát triển nhất là 340 (Việt Nam tính đến năm 2010, có tỉ lệ là 195 sinh viên/vạn dân, MOET).

Tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học của Hàn Quốc đạt 2.6 % GDP, chỉ đứng sau Hoa kỳ (2.9 %) trong số các nước thuộc OECD vào năm 2003. Đặc biệt từ năm 1999 đến 2012, Chính phủ Hàn Quốc đã chi riêng 3.4 tỉ USD cho chương trình quốc gia “Trí tuệ Hàn Quốc thế kỷ 21 – Brain Korea 21) nhằm thúc đẩy đào tạo sau đại học và nghiên cứu trong các trường đại học. Do đó, năm 2008, số lượng các bài nghiên cứu của Hàn Quốc được đăng trên các tạp chí quốc tế đạt 700/triệu dân, gấp gần một trăm lần Việt Nam, chỉ có 9/triệu dân.

Năng lực nghiên cứu của Hàn Quốc được giải thích một phần do đội ngũ ngảng viên, khi năm 2006, nước này đã có 83.6% giảng viên đại học có bằng tiến sỹ, trong khi năm 1970 chỉ có 18.1% và năm 1983 là 40% (Tính đến năm 2010, Việt Nam chỉ có 10%, MOET).

Có một sự khác biệt lớn nữa giữa hai hệ thống giáo dục đó là trong số 419 trường đại học, cao đẳng của Hàn Quốc tính đến năm 2005, thì chỉ có 20% sinh viên đại học và 4% cao đẳng học tại các trường công lập, trong khi hiện nay, Việt Nam chỉ có 14.4 % sinh viên đại học và cao đẳng học tại các trường ngoài công lập (MOET). Từ năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức chi ngân sách hỗ trợ các trường tư thục của Hàn Quốc.

Mặc dù có được thành tựu đáng ghi nhận như hiện nay, Hàn Quốc đã có nhiều thập kỷ hạn chế quyền tự chủ của các trường đại học. Thực vậy, cho đến trước thời điểm đổi mới và giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường đại học của Hàn Quốc vào năm 1995, chính sách giáo dục đại học của Hàn Quốc được cho là rất tập trung. Bộ Giáo dục Hàn Quốc giữ quyền kiểm soát:

- Việc thành lập các trường đại học.

- Đặt ra các quy định về thời lượng chương trình, năm học, chỉ tiêu tuyển sinh, tiêu chuẩn thi cử, chuẩn hoàn thành khóa học, kiểm định chất lượng.

- Việc bổ nhiệm, khen thưởng hiệu trưởng; đề ra các chuẩn chất lượng giáo viên.

- Duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, và quy định hình thức thi tuyển đầu vào đại học. - Xác định chương trình khung, yêu cầu đăng ký tốt nghiệp để kiểm soát số lượng sinh viên.

- Duyệt chi ngân sách, xác định chuẩn cơ sở vật chất, thư viện, v.v. - Quy định trình tự báo cáo của các trường về tài chính, nhân sự, sinh viên lên Bộ Giáo dục.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã loay hoay trong hai thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước để tìm ra mô hình cho đổi mới giáo dục đại học. Cụ thể là, trong thời gian này, Hàn Quốc đã có ít nhất là 6 lần thay đổi lại quy định tuyển sinh đại học: lúc thì Bộ Giáo dục quy định đề chung, lúc thì trường được phép ra đề, lúc thì kết hợp cả hai hình thức tùy theo từng đối tượng.

Tuy vậy, đến năm 1995, Hàn Quốc đã chính thức cải cách hoàn toàn cơ chế quản lý xin cho và tập quyền để dứt khoát trao quyền tự chủ cho các trường với những nội dung cơ bản như sau:

- Đa dạng hóa và chuyên sâu hóa hệ thống giáo dục đại học

- Đa dạng hóa các tiêu chí cho phép thành lập các trường đại học tư thục - Trao quyền tự chủ cho các trường quyết định chỉ tiêu tuyển sinh và quản lý trường

- Tạo hệ thống hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu khoa học

- Gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá chất lượng của trường đại học với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là để có được sự dứt khoát đoạn tuyệt với chính sách quản lý cũ, Hàn Quốc đã phải trải qua những dấu mốc cải tổ nào, và làm cách nào để Chính phủ Hàn Quốc giám sát chất lượng giáo dục của các trường khi giao toàn quyền tự chủ cho các trường đại học.

Thứ nhất, từ năm 1982, Hiệp hội các trường đại học Hàn Quốc được thành lập (Korean Council for University Education – KCUE). Hiệp hội này

nhằm thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác giữa các trường, và đánh giá, kiểm định chất lượng. Nó đóng vài trò cầu nối giữa Bộ Giáo dục và các trường đại học. Sau 10 năm thử nghiệm, năm 1992, Hiệp hội chính thức được Chính phủ và Bộ Giáo dục Hàn Quốc công nhận là cơ quan độc lập phi chính phủ, có vai trò chủ chốt trong việc đánh giá, kiểm định các chương trình giáo dục của các trường thành viên.

Thứ hai, sau hai thập kỷ loay hoay với đổi mới giáo dục, năm 1987, cùng mới quá trình dân chủ hóa nền chính trị Hàn Quốc, Bộ Giáo dục đã đề ra Kế hoạch Tự chủ hóa các trường đại học (University Autonomization Plan). Thực chất đây là quá trình đổi mới về tư duy phát triển giáo dục đại học bắt nguồn từ việc nhận thức rõ được những bất cập của chính sách quản lý tập trung. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Những bất cập đó là: (1) kìm kẹp sáng tạo và đổi mới trong mỗi cơ sở giáo dục; (2) không phù hợp với tình hình mới khi bản sắc của từng trường cần được phát huy; (3) thiếu tính linh hoạt và thích ứng; (4) làm tăng sự quan liêu trong quản lý của các trường, trái ngược với bản chất và chức năng của giáo dục đại học.

Do đó, bản kế hoạch cải cách năm 1987 thực chất là tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quản lý của các trường; mở rộng sự tham gia của đội ngũ giáo viên trong quản lý của nhà trường; tăng cường chất lượng giáo dục thông qua mở rộng quyền của giáo viên; tăng cường quyền tự quyết của các trường; và bảo vệ và phát huy quyền tự chủ của các trường đại học và cao đẳng.

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam (Trang 43)