7. Cấu trúc của đề tài
2.1.2. Tài nguyên du lịch
2.1.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên a. Địa hình
Địa hình của đảo nhìn chung tương đối bằng phẳng, không có sông ngòi lớn, chỉ có một số suối nhỏ được hình thành vào mùa mưa, và có độ cao trung bình từ 20 – 30m so với mực nước biển. Trên địa bàn huyện có 5 ngọn núi dạng bát úp (Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Tai, Hòn Vung), được hình thành do hoạt động của núi lửa, trong đó cao nhất là núi Thới Lới (189m). Xung quanh các chân núi, địa hình có dạng bậc thang, độ dốc từ 80 – 150. Phần lớn diện tích đất của đảo có độ dốc dưới 80, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và bố trí khu dân cư.
Địa hình bờ biển của huyện phần lớn là các vách đá và hốc sóng. Chính những địa hình vách dốc này đã tạo cho đảo nét hùng vĩ có giá trị về cảnh quan.
Địa hình theo dạng tích tụ - mài mòn, nghiên thoải bị chia cắt bởi các máng trũng với độ sâu khác nhau. Đảo nằm trên thềm lục địa có độ sâu trung bình dao động
50-60m. Điểm sâu nhất là 120m nằm phía Đông của đảo. Địa hình đáy biển phân bậc rõ ràng, do vậy có thể sử dụng làm cầu cảng và tổ chức các hoạt động thể thao trên biển.
b. Khí hậu
Lý Sơn chịu tác động chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, song cũng có một vài đặc điểm của khí hậu hải đảo. Điều kiện khí hậu, thời tiết của huyện được xác định như sau:
- Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng, song có năm đột xuất do sự chèn ép của khối không khí lạnh phía Bắc nên có gió bão vào tháng 4, tháng 5.
- Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Thời gian này tập trung khoảng 75% lượng mưa của cả năm, có năm lượng mưa lên đến 2.600mm, gây ngập úng phần lớn diện tích trồng tỏi.
- Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26.50C. Các tháng có nhiệt độ cao nhất là 6,7,8, nhiệt độ lên đến 360C. Tháng có nhiệt độ thấp nhất là 12, 1, 2, nhiệt độ khoảng 22 – 230C. Song có năm chênh lệch nhiệt độ khá cao (thấp nhất 170C và cao nhất 350C). Tổng luợng bức xạ hằng năm trên 2.000cal.
- Độ ẩm không khí trung bình hằng năm 85%. Độ ẩm cao nhất vào tháng 3,4 khoảng 90 – 91%. Độ ẩm thấp nhất vào tháng 8 khoảng 78 – 80 %.
- Vào mùa Đông có hướng gió thịnh hành là Bắc và Đông Bắc với tốc độ gió trung bình 2,4 – 3,3 m/s, mùa hè hướng gió thịnh hành là Đông và Đông Nam. Hằng năm ở huyện có 130 ngày gió cấp 6 trở lên.
Tính thời vụ của hoạt động du lịch
Khí hậu trên đảo Lý Sơn chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền Trung lắm mưa nhiều bão, và cũng mang đặc điểm riêng của khí hậu hải đảo ở độ nóng của nhiệt độ và sự khắc nghiệt, tác động trực tiếp của mưa bão. Khí hậu nơi đây đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch, vì cách duy nhất để đến đảo là bằng đường biển. Cụ thể, các mùa du lịch tại Lý Sơn được xác định như sau:
- Mùa cao điểm: Từ đầu tháng 02 đến cuối tháng 8. Vì đây là mùa của các lễ hội đặc trưng chỉ riêng có ở Lý Sơn (lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, hội Dồi bòng…), là mùa thu hoạch tỏi, hành và các hải sản... Đây cũng là mùa biển lặng,
- Mùa thấp điểm: Bắt đầu từ đầu tháng 9 kéo dài đến cuối tháng 01 năm sau. Đây là mùa mưa bão với các diễn biến rất phức tạp của thời tiết, khó khăn cho việc di chuyển từ đất liền ra đảo và ngược lại.
c. Thủy văn
Vùng biển Lý Sơn có chế độ nhật triều không đều, hàng tháng có từ 18 – 20 ngày thủy triều lên cao, độ lớn trung bình kỳ nước cao nhất là 1,2 – 2,0m; độ lớn trung bình kỳ nước kém là 0,5m. Thủy triều thay đổi trong ngày, nước rút ra xa khỏi bờ khoảng 500m từ 06 giờ sáng đến 17 giờ chiều, sau đó nước biển dâng lên vào ban đêm.
Nằm giữa vùng biển miền Trung nên đảo Lý Sơn có đặc điểm khí tượng thủy văn, hải văn rất điển hình của vùng nhiệt đới gió mùa, có độ mặn cao và ổn định; đáy biển chủ yếu là đá, đá gốc, cuội sỏi thuận lợi cho các quần xã động thực vật đáy trú ngụ. Có nhiều hang hốc và nền đáy cứng để bám là điều kiện thuận lợi để hình thành một thế giới sinh vật đa dạng về giống loài, dồi dào về sinh vật lượng. Đặc trưng là hệ sinh thái san hô và cỏ biển với nhiều loài hải sản có giá trị cao và một số loài quý hiếm, như san hô xanh, san hô đen, rong câu chỉ vàng, rong sụn, bào ngư, trai tai tượng... Hệ sinh thái rạn san hô khu vực Lý Sơn có năng suất sinh học cao, chúng là nguồn sản sinh ra các hợp chất hữu cơ, cung cấp thức ăn không chỉ cho chính nó mà có ý nghĩa cho toàn vùng biển. Hệ sinh thái rong biển cùng với cỏ biển cũng có vai trò như hệ sinh thái rạn san hô. Vì cũng là nơi cư trú quan trọng của sinh vật quanh đảo, cung cấp nơi ở, nơi đẻ và nuôi dưỡng con non của nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế. Trong số hơn 140 loài rong biển ở đây, chủ yếu là thuộc các ngành rong Đỏ, rong Lục, rong Nâu, nhiều đối tượng có giá trị và sản lượng cao, có thể khai thác hàng năm hàng trăm tấn rong khô thành phẩm. Nó còn là cảnh quan tự nhiên rất độc đáo dưới đáy biển với các loài cá, san hô muôn màu thu hút khách du kịch đến tham quan, tắm biển và du lịch sinh thái ngầm. Sự đa dạng và độ phủ san hô còn là một trong các tiêu chí được đặc biệt chú ý trong việc xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên biển, phục vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mà điểm nhấn là lặn biển, ngắm san hô và câu cá.
d.Hang Câu
Trên đảo Lý Sơn, hang Câu là hang động lớn thứ hai sau chùa Hang, được tạo ra từ vách núi Thới Lới, nằm tại xã An Hải. Khác với chùa Hang, cửa hang
Câu rộng và cao như mái vòm khổng lồ, cao hơn 20m (từ mặt đất), dựng nghiêng chồm ra biển Đông.
Trần hang và vách hang là mái nhà chung của các loài chim én và chim nhạn. Phía trước và hai bên hang, sóng biển xâm thực mạnh đã tạo nên những bãi biển tuyệt đẹp, nằm gọn trong các bức tường thành bằng đá. Cát ngày càng được bồi đắp nhiều hơn do việc nạo vét xây dựng vũng cảng Mù Cu.
Ngoài việc mang lại nhiều giá trị kinh tế trong hoạt động du lịch, hang Câu là nơi ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn, có tác động rất mạnh về yếu tố tâm linh đến người dân đảo Lý Sơn, cũng như nhiều du khách đã viếng thăm nơi này. Việc như đã trở nên một thông lệ tự nhiên, vào buổi chiều tà, những đôi trai gái yêu nhau đều dắt nhau ra hang Câu để cầu nguyện cho tình duyên của họ được mãi vững bền, cũng như những người đã có gia đình là sự hạnh phúc, đầm ấm… Sau khi cầu khấn xong, mỗi người sẽ cầm một viên đá ném lên cửa hang, nếu viên đá không rơi xuống (do cấu tạo cửa hang là một phiến đá lớn chìa ra ngoài), tức là lời nguyện ước của họ (tin rằng), đã được chứng dám. Không biết đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nhưng người Lý Sơn được mệnh danh là rất chung thủy, họ thường chỉ có một tình yêu duy nhất cho đến trọn đời. (Tư liệu điền dã của tác giả)
e. Núi Thới Lới và cột cờ chủ quyền (Ảnh 13, 14)
Thới Lới là núi cao nhất (189m) trong năm ngọn núi trên đảo Lý Sơn, đây là một núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước. Núi chứa đựng các giá trị kiến tạo địa chất địa mạo rất phong phú và đa dạng với các nếp gấp tạo sơn, những khối nham thạch khổng lồ… Trên đỉnh núi có hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cột cờ Tổ quốc được xây trên đỉnh núi Thới Lới có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Lá cờ có kích thước 4x6m, mặt chính cột cờ ghi thông tin tọa độ, khẳng định cột mốc chủ quyền đất nước. Công trình có kiến trúc gồm đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh có 4 bức phù điêu hình ngọn lửa dựa trên biểu trưng của Hội Sinh viên Việt Nam. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử
dụng cho xây dựng những ngọn hải đăng. Đài cột cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ. Tổng mức đầu tư công trình là 850 triệu đồng, trong đó sinh viên cả nước đóng góp 150 triệu đồng, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam hỗ trợ 700 triệu đồng. Đây là công trình nằm trong chuỗi hoạt động “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” năm 2013, nhằm lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ 9.
f. Chùa Đục, núi lửa Giếng Tiền(Ảnh 20, 21, 22)
Lý Sơn có năm ngọn núi diện tích to nhỏ khác nhau, đó là Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Hòn Tai. Giếng Tiền là miệng núi lửa đẹp nhất quay về hướng Bắc, nằm tại xã An Vĩnh, kéo dài từ trung tâm đảo ra đến sát biển. Bên trong miệng núi lửa, hoạt động phun trào từ hàng triệu năm trước đã tạo nên một cao nguyên hình lòng chảo rộng 20ha, có độ dốc thoai thoải từ đỉnh xuống đáy, trên thành lòng chảo có vòng cung phẳng hình chữ C. Đỉnh của vòng cung khuyết ở phía biển, trên có ngọn Meo, và bàn cờ Tiên. Theo truyền thuyết từ xa xưa vào những ngày Sóc, Vọng (mồng Một, ngày Rằm), Chư tiên thường giáng xuống ngọn Meo để thưởng ngoạn, đánh cờ. Ngày nay, trên ngọn Meo vẫn còn dấu tích bàn chân khổng lồ, bước đi lún đá và bàn cờ (như bàn cờ tướng), bằng nham thạch. Nhưng gần đây, sau các biến động phức tạp của thời tiết, trên ngọn Meo đã xuất hiện vết nứt, vì những lí do an toàn nên chính quyền địa phương khuyến cáo khách tham quan không nên leo lên ngọn núi này.
Ngoài ra, trong lòng chảo của miệng núi lửa này hình thành nên một giếng nước ngọt, gọi là Giếng Tiền. Giếng nước này tạo ra một con suối nhỏ chảy giữa lòng chảo đến miệng vòng cung. Đây là nguồn nước quan trọng phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng hoa màu bên dưới.
Chùa Đục (Đỉnh Liêm Tự): Về phía Tây của miệng núi lửa Giếng Tiền, cuối vòng cung là một triền dốc thoai thoải. Nơi đây đã được xây dựng một con đường lát đá rộng 1,5m từ chân núi lên đến đỉnh, với 200 bậc quanh co uốn lượn ẩn dưới các bóng cây dứa cổ thụ. Chùa Đục nằm cách mặt biển 80m, ở bậc thứ 150 tính từ dưới lên, nằm trong vách núi.
Về sự hình thành chùa Đục, theo lời kể của cụ Trần Diện (thôn Tây, xã An Vĩnh): “Vào đầu những năm 60 thế kỷ XX, có một nhà sư trẻ tên là Sư Nhẫn (quê Bình Định), ra đảo nói là tìm nơi tu hành để trốn lính. Khi mới đến, ông tìm chỗ ở ẩn tại Đá Hai. Sau mấy tháng, ông Nguyễn Doãn (là đạo hữu), thấy ông ở đấy không tốt, mới chỉ chỗ “hang cọp” (nay là chùa Đục), cho ông ở. Trong quá trình tu hành, ông đã đục khoét cho hang rộng thêm, xây bàn thờ phật, vì lẽ đó nên lâu nay người dân vẫn quen gọi là chùa Đục”.
Chùa được cấu tạo bởi ba động với diện tích khác nhau. Động lớn nhất có diện tích khoảng 35m2, chính giữa và hai bên là bàn thờ phật, phía trước có khoảng sân rộng 20m2. Động thứ hai nằm liền kề động thứ nhất, có diện tích 15m2; và động thứ ba nằm liên tiếp từ dưới lên có diện tích là 8m2, và mỗi động đều có bàn thờ Phật. Hiện nay, dưới chân núi, phía sau cổng chùa đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 30m hướng ra biển, càng tạo nên vẻ uy nghi cho ngôi chùa. (Tư liệu điền dã của tác giả)
g. Đảo Bé (xã An Bình)(Ảnh 24)
Đảo Bé (cù lao Bờ Bãi), nằm về phía Bắc, cách đảo Lớn (cù lao Ré), khoảng 7km, với diện tích tự nhiên là 0,63km2. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp có 14ha, đất lâm nghiệp khoảng 32ha, còn lại là đất ở. Dân số khoảng 450 người, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và nghề biển. Đầu năm 2004, đảo Bé được thành lập xã có tên là An Bình. Các cơ sở hạ tầng về phương tiện lấy nước mưa, đường, trường học, cầu cập cảng… đã lần lượt được đầu tư xây dựng.
Đảo Bé không có núi nên không có mạch và giếng nước ngọt, chủ yếu dân đảo vẫn trữ nước mưa để dùng. Quanh đảo có nhiều gộp, hang đá rất đẹp. Khác với đảo Lớn, đảo Bé có nhiều bãi biển nước trong xanh, cát mịn là điều kiện thuận lợi để tạo nên các bãi tắm. (Tư liệu điền dã của tác giả)
h. Lý Sơn – Vương quốc của tỏi và hành(Ảnh 26, 27, 28, 29)
Hành, tỏi là hai loại cây chủ lực, được coi là nét riêng biệt, đặc sản của đất đảo. Trong những năm 70 của thế kỷ XX, hành tỏi có giá trị kinh tế cao chiếm
lĩnh thị trường miền Nam và Campuchia. Vì tỏi Lý Sơn có hương vị thơm ngon hơn tỏi của Trung Quốc, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đặt cho tên “tỏi hương”. Ngoài sự thơm ngon, tỏi Lý Sơn dùng làm gia vị có thời gian sử dụng lâu hơn mà không bị khô, hoặc thối rữa. Mặc dù hiện nay, tỏi Trung Quốc và Ninh Hiển (Ninh Thuận, Việt Nam) có củ to hơn, năng suất cao hơn, nhưng chất lượng thì tỏi Lý Sơn vẫn đứng hàng đầu và có giá trị kinh tế hơn.
Nhờ vào những lợi ích kinh tế mà cây tỏi mang lại, bộ mặt kinh tế - văn hóa – xã hội của Lý Sơn ngày càng nâng cao. Nhân dân trên đảo Lý Sơn vẫn có câu: “Làm vua thua làm tỏi”. Một năm chỉ sản xuất một vụ tỏi duy nhất vào vụ Đông, người dân Lý Sơn bắt đầu trồng tỏi vào tháng 9 âm lịch, thời gian sinh trưởng là 4 tháng, đến tháng 12 âm lịch có thể cho thu hoạch.
Sản xuất hành tỏi đòi hỏi phải có đất cát, loại cát trắng pha đá vôi chỉ có ở thềm lục địa ven biển. Chính việc khai thác cát này đã gây xói mòn bờ biển nghiêm trọng, hủy hoại cảnh quan. Chi phí đầu vào sản xuất là quá lớn, nhưng đầu ra lại tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ, thời tiết… đã tác động xấu đến quá trình sản xuất của nông dân trên đảo.
Hành tỏi Lý Sơn đã được công nhận Thương hiệu cấp Quốc gia vào tháng 4/2009, bởi Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Hiện nay, Lý Sơn đang triển khai xây dựng hệ thống bộ máy để quản lý thương hiệu “Hành tỏi Lý Sơn” nhằm phát triển mạnh, quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, để Lý Sơn được xứng danh là “Vương quốc tỏi”. (Tư liệu điền dã của tác giả)
2.1.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
a. Đặc trưng văn hóa cư dân đất đảo
Về vị trí địa lý, đảo Lý Sơn có mối liên hệ với các khu vực như: Khu kinh tế Dung Quất, Khu du lịch Mỹ Khê, Vạn Tường, Sa Huỳnh, Tp.Quảng Ngãi… đã tạo nên những lợi thế không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và du lịch. Lý Sơn cùng với Khu du lịch Mỹ Khê, Khu du lịch Sa Huỳnh tạo thành một tam giác phát triển du lịch biển với quy mô lớn.
Về điều kiện tự nhiên, Lý Sơn là một vùng hải đảo được hình thành từ hoạt động của núi lửa tạo nên một vùng cảnh quan thiên nhiên đa dạng với địa hình đồi núi
kết hợp với hệ thống đảo san hô, bãi biển cát trắng cùng hệ sinh thái biển đa dạng, có giá trị sinh thái cao. Trên đảo có những thắng cảnh thiên nhiên độc đáo có khả năng