Quy hoạch phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch huyện Đảo Lý Sơn - tỉnh Quảng Ngãi (Trang 31)

7. Cấu trúc của đề tài

1.2.3.Quy hoạch phát triển du lịch

“Quy hoạch du lịch là luận chứng khoa học về phát triển và tổ chức không gian du lịch tối ưu trên lãnh thổ của quốc gia và vùng”. [Theo Trần Văn Thông, Giáo trình Quy hoạch du lịch, 2007, tr.7]

Quy hoạch du lịch là bước cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển du lịch của một quốc gia hoặc một vùng. Công việc cụ thể của quy hoạch là phân vùng du lịch quốc gia, thiết kế các sơ đồ quy hoạch tổng thể và sơ đồ các khu du lịch chuyên đề. Là một quá trình động, có trọng điểm cho từng giai đoạn phát triển, do vậy, quy hoạch phải đưa ra nhiều phương án khác nhau, phải thường xuyên cập nhật, bổ sung tư liệu thông tin mới, cần thiết để có giải pháp điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tế. Là một quá trình thường xuyên liên tục, vì vậy cần có một tổ chức quy hoạch có đầy đủ trình độ chuyên môn và năng lực quản lý cao để điều hành công việc. Là mắt xích nối liền giữa chiến lược phát triển du lịch quốc gia với các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn (các chương trình và các dự án phát triển), vì vậy, quy hoạch du lịch có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

+ Khảo sát và đánh giá tổng hợp, chính xác các nguồn lực phát triển du lịch của quốc gia hoặc vùng, trên cơ sở đó xác định phương hướng khai thác, sử dụng hợp lý và giải pháp bảo vệ tối ưu.

+ Nghiên cứu lựa chọn cơ sở phương pháp luận và phương pháp quy hoạch du lịch phù hợp với thực tiễn phát triển của quốc gia và vùng.

+ Thiết lập tối ưu giữa sơ đồ quy hoạch du lịch với sơ đồ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và vùng.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định không gian 7 vùng du lịch đặc trưng, 46 khu du lịch quốc gia, 40 điểm du lịch quốc gia và 12 đô thị du lịch. Cho đến nay, 4/7 vùng du lịch, 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch phát triển du lịch. Nhiều tỉnh đã điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch theo quan điểm mới của Chiến lược. Hầu hết các khu, điểm du lịch quan trọng cũng đã có quy hoạch. Có thể nói, hệ thống quy hoạch phát triển du lịch trên phạm vi cả nước đã hình thành cơ bản và là cơ sở định hướng quan trọng cho hoạt động du lịch ở mọi cấp.

Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy thực tế ở hầu hết các nơi hoạt động du lịch không diễn ra theo đúng quy hoạch. Nhiều quy hoạch chỉ tồn tại trên giấy mà ít được thực thi trong thực tế. Hầu hết các quy hoạch vẽ ra bức tranh khá lạc quan về các chỉ tiêu phát triển nhưng cũng rất ít quy hoạch đạt được mục tiêu đề ra. Biểu hiện rõ nét là hoạt động du lịch ở nhiều nơi diễn ra tự phát, lộn xộn; sản phẩm không có phong cách riêng; thị trường mục tiêu không rõ ràng; không tạo lập được giá trị thụ hưởng cho khách... Nút thắt của vấn đề ở đây chính là chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Một mặt, chất lượng các quy hoạch còn nhiều hạn chế, còn nặng về ý chí chủ quan, chủ yếu dựa trên cái mình có về tiềm năng tài nguyên du lịch mà chưa thực sự bám sát vào nhu cầu và xu hướng thị trường. Quy hoạch chưa dọn đường cho cung và cầu gặp nhau. Ngay cả khi một số quy hoạch được lập có sử dụng tư vấn quốc tế với chất lượng được coi là khả dĩ nhưng việc thực thi quy hoạch cũng không đạt được kết quả như mục tiêu đặt ra. Mặt khác, việc quản lý quy hoạch ở mọi cấp cũng chưa đến nơi đến chốn. Do tính chất đặc thù của ngành du lịch mà quy hoạch du lịch phụ thuộc nhiều vào quy hoạch các ngành khác. Nếu không có quan điểm, tầm nhìn đúng đắn trong quản lý quy hoạch thì quy hoạch phát triển du lịch luôn bị tác động, làm biến dạng bởi quy hoạch các ngành khác. Thực tế cho thấy nhiều khu, điểm du lịch đã được

đưa vào quy hoạch nhưng đồng thời người ta lại cho triển khai các dự án phát triển công nghiệp, khai khoáng, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng...vì mục tiêu trước mắt đã làm phá vỡ không gian du lịch và hủy hoại tài nguyên du lịch.

1.3. Khái quát chung về du lịch Quảng Ngãi

Nằm ở vị trí trung tâm của hai đầu tổ quốc, Quảng Ngãi chính là nơi đất nước ưỡn mình nhô xa nhất về phía biển Đông. Quảng Ngãi nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp tỉnh Bình Định, phía tây nam giáp tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Bờ biển Quảng Ngãi dài 135km với nhiều cửa sông, vịnh, đầm tạo nên một hệ sinh thái ven bờ rất đa dạng, ngoài khơi còn có đảo Lý Sơn. Ở vào vị trí chính giữa của đất nước, tỉnh có sự thuận lợi về giao thông: Quốc lộ 1A chạy dọc chiều dài, quốc lộ 24A nối với Tây Nguyên, Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Đường sắt chạy suốt theo chiều dài của tỉnh, có cảng nước sâu Dung Quất đón được tàu trọng tải lớn, các cảng nhỏ như Sa Cần và Sa Kỳ, gần sân bay Chu Lai (Quảng Nam).

Địa hình có 4 vùng rõ rệt: Vùng núi, trung du, đồng bằng duyên hải, vùng biển và hải đảo. Tỉnh có khá nhiều sông chạy theo hướng tây sang đông, nhưng chủ yếu là sông nhỏ, có các sông lớn Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu.

Quảng Ngãi có hơn 1,3 triệu người, trong đó 1/10 số dân thuộc các dân tộc H’re, Cor, Cadong phân bố rộng khắp trên 01 thành phố và 13 huyện; người dân nơi đây cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm đã để lại những đặc trưng riêng có: Bờ xe nước, nghề đúc, nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, nghề dệt chiếu… Mảnh đất này còn là quê hương của nhiều danh nhân dân tộc mà tiêu biểu là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định…

Quảng Ngãi là sự hoà hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng nhiều di tích, kiến trúc cổ: di chỉ văn hoá Sa Huỳnh, chùa Thiên Ấn, thành cổ Châu Sa, chứng tích Sơn Mỹ, địa đạo Đám Toái… và với nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và hữu tình như: Thiên Ấn Niêm Hà, Cổ Luỹ Cô Thôn…. Quảng Ngãi còn được nhắc đến với các bãi biển sạch, đẹp và giá trị để phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai- Dung Quất, Minh Tân - Đức Minh, Tân Định…

Quảng Ngãi có những cảnh đẹp được nhiều người ngợi ca. Vào giữa thế kỷ XVIII, khi đến trấn nhậm Quảng Ngãi, Nguyễn Cư Trinh đã làm thơ vịnh 10 cảnh đẹp

Quảng Ngãi đó là: Thiên Bút Phê Vân (bút vẽ trời mây), Thiên Ấn niêm hà (ấn trời đóng trên sông), Long Đầu hý thuỷ (đầu rồng giỡn nước), La Hà thạch trận (trận đá La Hà), Liên Trì dục nguyệt (trăng tắm ao sen), Hà Nhai vãn độ (bến đò Hà Nhai buổi chiều tà), Cổ Luỹ cô thôn (thôn Cổ Luỹ cô quạnh), An Hải sa bàn (mâm cát An Hải), Thạch Bích tà dương (chiều tà ở núi Thạch Bích), Vân Phong dạ vũ (núi Vân Phong đêm mưa). Về sau các nho sĩ địa phương vịnh thêm 2 cảnh nữa là Vu Sơn trường lộc (đàn nai ở núi Vu Sơn) và Thạch Ky điếu tẩu (ông câu trên ghềnh đá) .

Nếu như núi Ấn sông Trà, Thiên Bút phê vân là biểu tượng của một vùng đất địa linh nhân kiệt, thì các di tích lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ, Ba Gia, Vạn Tường, địa đạo Đám Toái, chứng tích Mỹ Lai - Sơn Mỹ... là minh chứng hùng hồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhưng cũng không ít đau thương của nhân dân Quảng Ngãi. Đến nay Quảng Ngãi đã có 29 di tích được xếp hạng DTLS-VH cấp quốc gia và hơn 160 di tích cấp tỉnh.

Một nét hấp dẫn khác của Quảng Ngãi là những món ăn riêng có không giống bất cứ ở vùng nào trên cả nước, đó là cá bống sông Trà, chim mía, kẹo gương, mạch nha, đường phổi và món don… tất cả rất đậm đà hương vị của một miền quê; những lễ hội cầu ngư, đua thuyền của ngư dân vùng biển, những phong tục độc đáo của dân tộc H’rê, Cor, Cadong và đặc biệt là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa… mang đậm sắc thái của Quảng Ngãi

Tiểu kết chƣơng 1

Du lịch từ lâu đã là một trong những hoạt động quan trọng trong đời sống nhân loại. Kinh doanh du lịch đã đem lại lợi ích kinh tế lớn cho nhiều quốc gia. Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế chuyên biệt, mà nó là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới và khu vực đã và đang tạo những cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch Việt Nam. Trước bối cảnh và xu hướng đó, định hướng phát triển Du lịch Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập và hiệu quả đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, yếu tố truyền thống để phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế.

Với tiềm năng và lợi thế so với các khu vực khác trong cả nước cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được đầu tư hoàn thiện, vùng duyên hải Nam Trung Bộ đang trở thành nơi dừng chân lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mỗi địa phương lại có cơ chế khác nhau, mạnh ai nấy làm, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản phẩm du lịch trong vùng có sự trùng lặp, chưa mang nét riêng, chưa tạo được thương hiệu cho từng địa phương.

Trước những yêu cầu đó, việc đưa ra định hướng phát triển du lịch cho từng địa phương sẽ tạo được bước đột phá về sản phẩm du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù. Trên cơ sở các chỉ tiêu phát triển du lịch, các cấp quản lý sẽ có những việc làm cụ thể xây dựng cơ chế chính sách, cải thiện mội trường đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng du lịch, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Chƣơng 2: TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN

2.1. Tiềm năng du lịch huyện đảo Lý Sơn

Lý Sơn là đảo duy nhất của Quảng Ngãi với diện tích hơn 10km2, nằm cách đất liền 14 hải lý về hướng Đông, nó như bức bình phong, nơi tiền tiêu của tỉnh. Nơi đây nổi tiếng với nhiều danh thắng đẹp như chùa Hang, hang Câu, những bờ biển uốn lượn soi bóng rặng dừa, những đồng tỏi mênh mông bát ngát… Đảo chính là quê hương của Hải đội Hoàng Sa, một đội quân được lệnh các vua nhà Nguyễn hằng năm vượt biển ra Hoàng Sa và Trường Sa lấy sản vật, đo đạc hải trình, và quan trọng hơn là đánh dấu chủ quyền bờ cõi đất nước. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa có từ hơn 200 năm trước, là hoạt động tâm linh được tổ chức vào ngày 18, 19 và 20 tháng 2 (Âm lịch) hằng năm nhằm tưởng nhớ về những người con của quê hương Lý Sơn đã ra đi để giữ gìn phần máu thịt thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của tổ quốc. Bên cạnh lễ hội Khao lề, du khách còn biết đến Lý Sơn như một “Vương quốc tỏi”, đã có thương hiệu và được mệnh danh là loại tỏi ngon nhất Việt Nam. Hiện nay cùng với sự phát triển kinh tế, ngành du lịch đã bắt đầu hình thành, khai thác những tài nguyên, khơi dậy tiềm năng du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp người dân Lý Sơn có thêm công ăn việc làm.

2.1.1. Vị trí địa lý

Tọa độ địa lý : 150

32’04’’ – 15038’14’’ vĩ độ Bắc; 109005’04’’ - 109014’02’’ kinh độ Đông.

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, được tách ra từ huyện Bình Sơn theo Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam năm 1992. Huyện đảo Lý Sơn bao gồm đảo Lớn (còn gọi là cù lao Ré), đảo Bé (còn gọi là cù lao Bờ Bãi), và hòn Mù Cu, nằm ở phía đông bắc tỉnh, cách cảng Sa Kỳ 14 hải lý (hơn 28km), cách cảng nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất 5 hải lý về phía đông. Huyện được chia thành 03 xã: An Vĩnh (trung tâm huyện lỵ), An Hải và An Bình (đảo Bé). Tổng chiều dài đường bờ biển trên 25km. Diện tích của huyện khoảng hơn 10km2 nhưng dân số lên đến hơn 21.000 người. Người dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề trồng hành tỏi và đánh bắt hải sản. Lý Sơn có mối quan hệ gần gũi và chặt chẽ với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi như Dung Quất, Tp.Quảng Ngãi... Xét trong tổng thể tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn nằm án ngữ trên con đường ra biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa ngõ Dung Quất.

Lịch sử hình thành

Truyền thuyết dân tộc Kor kể rằng, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Ðông sau trận giao tranh dữ dội của Thần Nước và người anh hùng Doang Ðác Tố, chủ làng Tali Talok. Theo các nhà địa chất, đảo Lý Sơn được hình thành cách đây vài triệu năm do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa phủ lên nền những nếp gấp tạo sơn đã bắt đầu nâng những lớp đá trầm tích nhô khỏi mặt nước biển. Chính các lớp trầm tích nền đảo và san hô phát triển trên bề mặt là cơ sở cho việc hình thành nhiều hang động do tác động xâm thực của nước biển trong thời kỳ biển tiến, mà ngày nay chúng ta nhìn thấy được ở khu vực núi Thới Lới, nơi vận động tạo sơn theo kiểu xếp tầng đã đẩy các lớp trầm tích đáy biển nhô cao hơn cả trong hệ thống đảo Lý Sơn. Còn vết tích núi lửa là những khối nham thạch nhiều hình dạng chưa kịp phân hủy, cũng như lớp đất đỏ bazan màu mỡ phủ hầu hết khắp đảo, tạo điều kiện cho sự đa dạng và tươi tốt của hệ thực vật che phủ. Có thể nói rằng, toàn cảnh đảo Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa một vùng trời biển bao la mà những ngày đẹp trời từ ngọn núi Nam Châm (ngọn núi cao nhất nằm ở ven biển, thuộc khu vực Dung Quất) có thể nhìn thấy khá rõ. Trên đỉnh ngọn núi là những thảm rừng, gần dưới chân là nhà cửa, đường sá và những cánh đồng hành tỏi xanh tươi bốn mùa.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch huyện Đảo Lý Sơn - tỉnh Quảng Ngãi (Trang 31)