các giá trị đạo đức truyền thống
Đạo đức và pháp luật có mối quan hệ biện chứng với nhau và đều có chức năng chung là điều chỉnh hành vi của con người. Nhưng sự điều chỉnh hành vi đó của đạo đức và pháp luật là không giống nhau. Pháp luật thường được biểu hiện ra như những tiêu chuẩn tối thiểu nhằm đảm bảo cho sự tồn tại xã hội như hiện có, còn đạo đức đòi hỏi từ tối thiểu đến tối đa gắn liền với lý tưởng hoàn thiện về con người và xã hội. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng sự cưỡng chế bắt buộc từ bên ngoài theo các chuẩn mực pháp lý. Còn phương thức điều chỉnh của đạo đức là thông qua dư luận xã hội, lương tâm, sự giác ngộ đạo đức, niềm tin cá nhân theo những chuẩn mực đạo đức. Nhưng suy đến cùng mục đích điều chỉnh của pháp luật và đạo đức đều thể hiện sự phát triển toàn diện của con người. Vì vậy, pháp luật càng được hoàn thiện thì việc thực thi pháp luật càng nghiêm minh và đạo đức càng được đề cao, khả năng điều chỉnh và giáo dục đạo đức càng được mở rộng.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật là biện pháp quan trọng để nâng cao vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống đạo đức xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, pháp luật đang tác động không nhỏ tới việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống, vì vậy, việc thể chế hóa đường lối chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật một cách cụ thể, kịp thời, khoa học sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra và thực hiện những chuẩn mực, giá trị đạo đức trong điều kiện mới, góp phần hình thành đạo đức mới con người Việt Nam.
Thông qua pháp luật đạo đức xã hội sẽ ngày càng hoàn thiện và mở rộng. Để làm được điều đó yêu cầu đặt ra cho Nhà nước là đổi mới và hoàn thiện Nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi nào nhà
70
nước vững mạnh mới có thể khắc phục những hạn chế và bất bình đẳng trong xã hội, tạo ra cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc cho việc giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức.
Ngoài ra, cần phải kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, lên án biểu hiện của sự tha hóa, biến chất về mặt đạo đức, lối sống, để giữ nghiêm kỷ cương xã hội, có như vậy mới động viên được tinh thần quần chúng nhân dân chống lại biểu hiện vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong xã hội, tạo tiền đề, cơ sở để các giá trị đạo đức truyền thống phát huy mạnh mẽ.
Như vậy, giá trị đạo đức truyền thống chỉ được đảm bảo và phát huy trong môi trường xã hội lành mạnh, pháp luật được coi trọng, mọi người trong xã hội sống và làm việc theo pháp luật, qua đó góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, suy thoái về lối sống và tha hóa về nhân cách để từ đó loại bỏ dần cái ác, cái xấu ra khỏi đời sống xã hội.
2.2.2. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống, trước hết chúng ta cần xác định rõ vai trò của phát triển văn hóa nói chung và phát huy giá trị đạo đức truyền thống nói riêng. “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi”. “Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết hài hòa giữa cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc;
71
lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự ứng xử văn minh, lịch sự, tính giản dị và trong sạch trong lối sống” [67] Tiếp đến chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng con người Việt Nam mang bản chất văn hóa Việt Nam. Đó
là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây được coi là khâu trọng tâm của chiến lược xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội. Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khuyến khích mọi người nâng đỡ, nhân rộng cái đúng, cái tốt, cái tích cực; bảo vệ các giá trị nhân văn trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó kêu gọi người dân đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu; chống các quan điểm sai trái gây ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa và ổn định xã hội. Chỉ khi nào chúng ta xây dựng con người hoàn thiện cả về mặt nhân cách lẫn trí tuệ thì điều tất yếu trong bản thân mỗi người sẽ tự nhận thức được việc cần thiết phải phát huy giá trị đạo đức truyền thống.
Hai là, tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội. Thực hiện chiến lược quốc gia về gia đình Việt Nam. Thực hiên mỗi trường học là trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nếp sống văn minh, nhất là việc cưới, việc tang và lễ hội.
Ba là, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về
văn hóa nói chung và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng. Bằng việc đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa và có chế tài đủ mạnh để tổ chức thực hiện Nghị quyết, ngăn ngừa những
72
vi phạm trong hoạt động văn hóa. Tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Quản lý tốt hơn việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng một bộ phận báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sa đà vào những thông tin, sản phẩm lệch lạc, thị hiếu tầm thường.
Bốn là, đẩy mạnh chiến lược xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ làm công
tác văn hóa, đặc biệt đội ngũ cán bộ thông tin, tuyên truyền nhằm tiếp thu tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm phát triển, quản lý văn hóa của các nước trên thế giới.