Ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết đến sinh trưởng cây lúa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa ngắn ngày và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh phục vụ sản xuất tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Trang 56)

5. Những đóng góp mới của luận án

1.3.1.Ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết đến sinh trưởng cây lúa

Ruộng lúa luôn chịu sự tác động của các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và chế độ nước. Tuy nhiên, yếu tố nhiệt độ và ánh sáng có ảnh hưởng đáng kể nhất, con người bằng các biện pháp kỹ thuật khó khắc phục, nhất là đối với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Ở cây lúa, nhiệt độ trung bình thích hợp cho sinh trưởng của cây trong khoảng từ 20 - 38oC. Tuy nhiên, cây lúa rất mẫn cảm với điều kiện nhiệt độ thấp, nhất là giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Thời kỳ này, nếu nhiệt độ nhỏ hơn 15oC rất dễ gây ra hiện tượng thui chột hoa và hạt lúa bị lép nhiều. Nhiệt độ trên 21oC thích hợp cho giai đoạn làm đòng, phơi hoa và thụ phấn [55].

Vào lúc phân bào giảm nhiễm của tế bào mẹ hạt phấn, khi gặp nhiệt độ thấp dưới 20oC sẽ làm tăng tỷ lệ hạt lép (Satake 1969), hạt lép gây ra thường do nhiệt độ thấp vào ban đêm quyết định. Nhiều kết quả cho thấy, các giống lúa khác nhau chịu ảnh hưởng khác nhau khi gặp điều kiện nhiệt độ thấp [73].

Tác giả Yosida (1985) cho biết nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Nhiệt độ lạnh làm ảnh hưởng đến sức nảy mầm, mạ ra lá chậm, mạ lùn, lá vàng, đỉnh bông bị thoái hóa, độ thoát cổ bông kém, chậm ra hoa, tỷ lệ lép cao và chín không đều. Cây lúa rất mẫn cảm với nhiệt độ cao vào lúc trỗ bông, khi gặp nhiệt độ trên 35oC kéo dài hơn 1 giờ vào lúa nở hoa làm cho tỷ lệ hạt lép tăng rõ rệt [73].

Ánh sáng mặt trời có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống cây lúa và ở những giai đoạn khác nhau nhu cầu về năng lượng ánh sáng cũng khác nhau. Áng sáng thường ảnh hưởng đến cây lúa trên 2 mặt: cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến quang hợp, số giờ chiếu sáng trong ngày ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa, kết quả của lúa sớm hay muộn. Nếu che bóng vào giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng chỉ ảnh hưởng ít đến năng suất và các yếu tố năng suất nhưng che bóng ở giai đoạn sinh trưởng sinh thực có ảnh hưởng đáng kể đến số hạt và năng suất hạt giảm rõ rệt do giảm tỷ lệ hạt chắc nếu che bóng ở thời kỳ chín [73].

Theo Yosida (1985) cho biết nếu muốn đạt 5 tấn thóc/ha cần khoảng 300 cal/cm2/ngày ở thời kỳ hình thành sản lượng và cần ít lượng bức xạ hơn ở thời kỳ chín. Trong các giống lúa thì giống địa phương thường dễ mẫn cảm với ánh sáng và có thể trỗ bông khi giai đoạn ngày dài ở mức độ thấp (thời gian tới hạn của ngày dài từ 12,5 - 14 giờ). Tuy nhiên, hiện nay nhiều giống lúa trồng thường không mẫn cảm với ánh sáng và có thể trỗ bông ở bất cứ vĩ độ nào miễn là điều kiện nhiệt độ không bị hạn chế [55], [73].

Nước là yếu tố quan trọng trong đời sống cây lúa, chế độ nước có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất ruộng lúa. Thiếu nước ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào cũng có thể làm giảm năng suất lúa, thiếu nước làm cây có biểu hiện lá cuộn tròn lại, lá bị cháy, hạn chế đẻ nhánh, cây thấp, chậm ra hoa, hạt lép và lửng [73]. Thiếu hụt nước vào giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng có thể làm giảm chiều cao cây, số nhánh và diện tích lá nhưng năng suất không bị ảnh hưởng nếu như nhu cầu nước được đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên, thiếu nước từ giai đoạn phân bào giảm nhiễm đến trỗ bông (nhất là vào thời gian 11 ngày và 3 ngày trước trỗ bông) chỉ cần hạn 3 ngày đã làm giảm năng suất rất nghiêm trọng và tỷ lệ hạt lép cao [73].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tuyển chọn giống lúa ngắn ngày và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh phục vụ sản xuất tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Trang 56)