Thường xuyên tổ chức cho thanh niên tham gia vào các hoạt

Một phần của tài liệu Giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho thanh niên tỉnh Hải Dương hiện nay Luận văn ThS. Triết học (Trang 68)

động thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Gắn với hoạt động thực tiễn, thông qua hoạt động thực tiễn để giáo dục, xây dựng và nâng cao ý thức BVTQ cho thanh niên nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, để họ phát huy tốt tài năng, trí tuệ, có thái độ đúng đắn, tinh thần dũng cảm, tự tin khi tham gia các hoạt động, từ đó củng cố, phát triển những phẩm chất cần thiết của người công dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Bản lĩnh chính trị của thanh niên chỉ có thể rèn luyện từ trong thực tiễn hành động cách mạng. Hiện nay, để rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho thanh niên cần phải tổ chức nhiều hình thức hoạt động thực tiễn để họ cọ xát, đối diện với hiện thực của cuộc sống. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương chính là hoạt động thực tiễn hết sức phong phú và bổ ích để thanh niên rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, giáo dục ý thức BVTQ.

Hiện nay, trong tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc XHCN, giữa xây dựng và BVTQ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Xây dựng để bảo vệ, bảo vệ để xây dựng tốt hơn; lấy tiền đề cơ sở vững chắc bên trong để thực hiện bảo vệ, coi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của dân tộc và bảo vệ phải trở thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải coi hoạt động thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN rất linh hoạt phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể. Trên tinh thần ấy sử dụng hoạt động thực tiễn vào mục đích giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc XHCN cho thanh niên tỉnh Hải Dương cần tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, duy trì phong trào “Tuổi trẻ giữ nước” theo hướng động viên thanh niên bằng những hoạt động cụ thể như tham gia tích cực vào việc xây dựng lực lượng, tiềm lực, thế trận của nền quốc phòng toàn dân. Trước mắt là góp phần xây dựng cơ sở chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Đoàn thanh niên, Hội học sinh, sinh viên ở các địa phương, nhà trường vững mạnh; tổ chức phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá ở những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, phong trào thanh niên thực hiện hoạt động “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện chính sách hậu phương quân đội… Tổ chức cho thanh niên tham gia đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Phong trào “Tuổi trẻ giữ nước”, cuộc vận động thanh niên bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân phải được tổ chức thường xuyên, với nội dung phù hợp cho từng đối tượng thanh niên. Tổ chức các hoạt động lao động sản xuất, lập thân lập nghiệp, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cho thanh niên gắn với xây dựng lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân trong bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thông qua đó, thanh niên thấy được vai trò của mình đối với sự nghiệp củng

cố quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, tu dưỡng rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tổ chức cho thanh niên tham gia trực tiếp vào các hoạt động quân sự - quốc phòng như: Huấn luyện quân sự, diễn tập động viên phòng thủ khu vực trên địa bàn, tập dượt phương án phòng chống bạo loạn, lật đổ; động viên cổ vũ thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự khi được yêu cầu.

Thứ hai, tổ chức cho thanh niên tham gia kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc cũng là một trong những hoạt động thực tiễn rất quan trọng. Các hoạt động đó giúp cho thanh niên nâng cao nhận thức về lịch sử truyền thống, lòng tự hào dân tộc, về ý thức trách nhiệm trong bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu của các thế hệ đi trước được tái hiện dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ làm nảy sinh những suy nghĩ về hiện thực cuộc sống hiện tại, để so sánh, đối chiếu nhận thức, hoạt động của họ với quá khứ lịch sử. Qua đó, hình thành nhu cầu muốn hoàn thiện bản thân để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tạo động lực cho thanh niên vươn lên trong học tập, rèn luyện, công tác.

Các cuộc vận động, các đợt sinh hoạt chính trị có vai trò hình thành và phát triển nhận thức, tình cảm, niềm tin với Đảng, Nhà nước, nhân dân, bồi dưỡng mục tiêu - lý tưởng, củng cố tầng ý thức tư tưởng - lý luận thì với việc tổ chức các hoạt động lao động, học tập hàng ngày cho thanh niên lại có vai trò hình thành và phát triển tầng ý thức tâm lý truyền thống, nhận thức, tình cảm, thái độ, niềm tin với môi trường xã hội, cộng đồng quanh mình. Hai cấp độ ý thức, hai hình thức tổ chức hoạt động thực tiễn đó có quan hệ chặt chẽ với nhau. Với vai trò là cơ sở, là hình thức biểu hiện sinh động nhất của ý thức bảo vệ Tổ quốc, các hoạt động thực tiễn thường xuyên hàng ngày sẽ góp phần quan trọng cho việc hình thành, củng cố và phát triển ý thức bảo vệ Tổ quốc XHCN của thanh niên.

Thứ ba, việc xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động thực tiễn phải phù hợp với tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, năng lực nhận thức, thái độ và xu hướng của từng đối tượng thanh niên. Các tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, đoàn thanh niên cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương, hội cựu chiến binh, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để tổ chức tốt lực lượng, hình thức, phương pháp hoạt động theo một kế hoạch đồng bộ, thống nhất nhưng phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong quá trình tổ chức hoạt động thực tiễn phải thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời, nhất là rút kinh nghiệm về sự phối hợp tổ chức giữa các lực lượng tham gia.

Tăng tính hiệu quả của các hoạt động thực tiễn, kịp thời đáp ứng nhu cầu ham hiểu biết, tự trọng, thích khẳng định mình của thanh niên. Mặt khác, cần tập trung giữ vững tính giáo dục, tính mục đích, tính định hướng cho các hoạt động thực tiễn của thanh niên bằng phát huy vai trò của Ban chấp hành Đoàn, tổ chức Đảng, Hội học sinh, sinh viên ở từng địa phương, trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giáo dục quốc phòng. Theo đó, cần tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, xây dựng nội dung - chương trình đồng bộ, thống nhất và thiết thực để có thể thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia huấn luyện quân sự dưới nhiều hình thức với chất lượng ngày càng cao.

Một phần của tài liệu Giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho thanh niên tỉnh Hải Dương hiện nay Luận văn ThS. Triết học (Trang 68)