Nhà nước pháp quyền là một hiện tượng chính trị - pháp lý phức tạp được hiểu và nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, song chúng ta có thể hiểu nhà nước pháp quyền theo cách đơn giản, đó là một nhà nước quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật và nhà nước hoạt động tuân theo pháp luật. Pháp luật đó được các chủ thể thực hiện một cách tự giác chứ không ép buộc. Bởi lẽ đó là pháp luật vì quyền con người, phục vụ con người, là pháp luật của dân chủ, bình đẳng và văn minh. Đó là nhà nước bảo đảm quyền con người tốt nhất trong lịch sử loài người.
Trong một nền dân chủ hiện đại, không thể thiếu vắng vai trò của việc đề cao pháp luật, xem pháp luật là nguyên tắc tối thượng; đồng thời, có những cơ chế để kiềm chế xu hướng tha hóa, lạm dụng quyền lực nhà nước của bất cứ nhánh quyền lực nào cũng như của từng cá nhân - công chức và quan chức nhà nước - là những người đại diện cho nhân dân. Hơn thế nữa pháp luật đó phải được xây dựng theo một quy trình dân chủ, minh bạch và công khai. Hiến pháp và pháp luật luôn giữ vai trò điều chỉnh cơ bản đối với toàn bộ hoạt động Nhà nước và hoạt động xã hội, quyết định tính hợp hiến và hợp pháp của mọi tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên không phải mọi chế độ lập Hiến, mọi hệ thống pháp luật đều có thể đưa lại khả năng xây dựng nhà nước pháp quyền, mà chỉ có Hiến pháp và hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng mới có thể làm cơ sở cho chế độ pháp quyền trong nhà nước và xã hội.
Quyền con người là tiêu chí đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Mọi hoạt động của Nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và đảm bảo quyền con người, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình theo đúng các quy định của luật pháp. Nền tảng của nhà nước pháp quyền là Hiến pháp và một hệ
thống pháp luật dân chủ và công bằng, do vậy, một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật luôn là một yêu cầu, một điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo cho Hiến pháp, pháp luật luôn được tôn trọng, đề cao và tuân thủ nghiêm minh. Hình thức và phương thức bảo vệ Hiến pháp và pháp luật ở các quốc gia có thể đa dạng và khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu là bảo đảm địa vị tối cao, bất khả xâm phạm của Hiến pháp, loại bỏ hành vi trái với tinh thần và quy định của Hiến pháp, không phụ thuộc và chủ thể của các hành vi này. Đồng thời với bảo vệ Hiến pháp, nhà nước pháp quyền luôn đòi hỏi phải xây dựng và thực thi một chế độ tư pháp thật sự dân chủ, minh bạch và trong sạch để duy trì và bảo vệ pháp chế trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội.
Bản chất của nhà nước pháp quyền là nhà nước tôn trọng giá trị nhân quyền và bảo đảm cho các giá trị đó được thực thi trong thực tế. Khi quyền của những người bị tước tự do được bảo vệ tức là đã góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền và đó cũng là một tiêu chí để xác định nhà nước đó có phải là Nhà nước pháp quyền hay không?