Từ năm 1975 đến nay

Một phần của tài liệu Quyền của những người bị tước tự do -lý luận và thực tiễn (Trang 52)

Vào những năm 1975 trên thế giới, thời kỳ chiến tranh lạnh chuẩn bị bước vào giai đoạn kết thúc, các bên liên quan đã chứng tỏ sự hòa hoãn và chuyền từ đối đầu sang đối thoại để giải quyết những vấn đề trong quan hệ quốc tế. Năm 1975 tại Helsinky, 35 quốc gia (bao gồm Mỹ, Canada, Liên Xô và hầu hết các nước châu Âu) đã thông qua Định ước Helsinky. Định ước này nêu lên 10 nguyên tắc cụ thể, trong đó có nguyên tắc tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản. Thỏa thuận đã mở ra một thời kỳ mới của nhân quyền trên các diễn đàn quốc tế. Luật nhân quyền quốc tế giai đoạn những năm 1980 trở đi cũng phát triển rực rỡ và được gọi là giai đoạn vàng. Trong giai đoạn này có nhiều văn kiện nhân quyền được thông qua và có hiệu lực, trong đó có nhiều văn kiện liên quan đến quyền của người bị tước tự do: Công ước chống tra tấn CAT, được thông qua vào ngày 10/12/1984, có hiệu lực năm 1987; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ CEDAW, được thông qua vào tháng 12/1979, có hiệu lực năm 1981; Công ước về quyền trẻ em CRC, được thông qua năm 1989, có hiệu lực năm 1990; Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân, được thông qua năm 1990; Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào, được thông qua năm 1988… Cũng trong giai đoạn này, luật nhân quyền quốc tế ghi nhận một nhóm quyền được gọi là thế hệ nhân quyền thứ

ba. Đó là các quyền phát triển, quyền về môi trường, quyền sống trong môi trường hòa bình… Các văn kiện thể hiện nhóm quyền này như: Tuyên bố về quyền phát triển, 1986; Tuyên bố về quyền của các dân tộc được sống trong hòa bình, 1984…

Tình hình trong nước cũng có sự thay đổi lớn và tác động không nhỏ đến vấn đề nhân quyền. Đó là việc đất nước ta đã sạch bóng quân thù, nhân dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc và bước vào giai đoạn phát triển mới. Năm 1977 Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc, kể từ đây, Việt Nam đủ điều kiện tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền. Năm 1982 Việt Nam tham gia 03 Công ước quốc tế về nhân quyền, đó là công ước ICCPR, ICESCR và công ước CEDAW. Tiếp đến năm 1990 Việt Nam tham gia công ước CRC. Bên cạnh các văn kiện trên Việt Nam cũng tham gia nhiều văn kiện quốc tế nhân quyền khác. Cùng với UDHR và công ước chống tra tấn CAT, các công ước trên là những văn kiện nòng cốt về quyền con người, trong đó có nhiều điều khoản quy định về quyền của người bị tước tự do. Với việc tham gia vào các công ước quốc tế nói trên, Việt Nam thể hiện quyết tâm và mong muốn bảo đảm quyền cho nhóm người bị tước tự do cũng như là việc bảo đảm nhân quyền nói chung. Sau thời điểm gia nhập các công ước đó, Việt Nam đã có một quá trình nội luật hóa để đưa những nội dung công ước đó vào pháp luật quốc gia.

Việc xây dựng pháp luật trong giai đoạn này đã đạt được những thành tích đáng kể. Sau Đại hội Đảng VI, đất nước ta xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp và bước vào thời kỳ đổi mới. Trong sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm sự hưởng thụ ngày một đầy đủ các quyền con người. Năm 1980 Hiến pháp mới được ban hành trên cơ sở sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp có nhiều quy định bảo vệ các quyền cơ bản cho con người. Năm 1988 Việt Nam có Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên. Bộ luật này được Quốc hội sửa đổi, bổ sung ngày 30/6/1990; ngày 22/12/1992 và ngày 9/6/2000. Bộ luật TTHS quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam đã được quy định khá cụ thể tại

chương V và một số điều trong các chương khác của Bộ luật TTHS 1988. Bộ luật cũng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đặc biệt là Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã bổ sung một số quyền mới cua người bị tước tự do như quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự khi bị bắt, giam giữ và xét xử trái pháp luật; quyền được khiếu nại, tố cáo những hành vi trái pháp luật của các cơ quan Nhà nước… Bên cạnh Bộ luật TTHS và Hiến pháp 1992, một loạt các đạo luật khác đã được ban hành, quy định ngày càng đầy đủ các quyền cũng như là cơ chế bảo đảm quyền cho nhóm người bị tước tự do. Hệ thống các văn kiện pháp lý của Việt Nam đề cập đến quyền của người bị tước tự do giai đoạn hiện nay có thể kể đến như:

- Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung 2001 (và đang tiến hành sửa đổi);

- Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009;

- Bộ luật Tố tụng hình sự 2003;

- Luật thi hành án hình sự 2010;

- Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực ngày 01/7/2013).

-

Những thành tựu do lớn về lập pháp mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua chính là bảo đảm cao nhất về pháp lý để mọi người có cơ hội và điều kiện ngày càng bình đẳng trong việc hưởng thụ các quyền con người. Đây cũng là các cố gắng to lớn của Nhà nước ta trong việc “nội luật hoá” các quy định về quyền con người trong các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã tham gia. Thành quả của công tác nội luật hoá các điều ước quốc tế về quyền con người cũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các báo cáo của Việt Nam về việc thực hiện Công ước ICCPR, Công ước CRC, Công ước CEDAW… đã được Liên Hợp quốc đánh giá cao, đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người, trong đó bao gồm cả người bị tước tự do. Một sự kiện đặc biệt thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực trong việc bảo đảm các quyền con người nói chung, quyền của người bị tước tự do nói riêng, đó là ngày 12/11/2013 Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất

(184/192 phiếu) trong số 14 nước và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc [53]. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Quyền của những người bị tước tự do -lý luận và thực tiễn (Trang 52)