8. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Gia đình điều chỉnh những hành vi đạo đức cho trẻ vị thành niên
Việc giáo dục những tri thức đạo đức cũng như những chuẩn mực, lý tưởng, niềm tin đạo đức đối với trẻ vị thành niên là điều vô cùng quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là phải biến những điều đó thành hành vi đạo đức cho trẻ vị thành niên, đưa những chuẩn mực, niềm tin đạo đức đó vào trong cuộc sống hàng ngày, biến những điều đó thành hành động thực tiễn, thành quyết tâm, nghị lực vượt qua những khó khăn trong học tập, trong lao động sản xuất. Giáo dục bằng sửa đổi, uốn nắn những hành vi sai trái của con cái là thế mạnh của giáo dục đạo đức gia đình. Đặc điểm của trẻ vị thành niên là còn hạn chế về tri thức, về học vấn, thiếu sự từng trải, vì vậy, dễ có những thiếu sót trong cách ứng xử, có những hành vi đạo đức không đúng như: tự do thích đi, thích về lúc nào thì tùy ý, gặp người lớn tuổi không chào hỏi, nói tục, không nghe lời cha mẹ, thích thể hiện cá tính riêng. Cha mẹ phải kiên trì sửa chữa những khuyết điểm, uốn nắn những hành vi đạo đức sai trái của con cái. Phương pháp đóng góp ý kiến sửa chữa khuyết điểm cho trẻ vị thành niên phải nhẹ nhàng, có nghệ thuật, bởi lứa tuổi trẻ dễ tự ái, dễ bảo vệ cái tôi của mình, vì vậy phương pháp không phù hợp, kết quả có khi trái ngược lại.
Biện pháp giáo dục đạo đức của gia đình đối với trẻ vị thành niên phải vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo. Nguyên tắc sửa chữa những khuyết điểm của gia đình cho con cái phải kiên quyết không khoan nhượng. Những hành vi sai trái như hỗn láo với cha mẹ, ông bà; lười lao động, lười suy nghĩ; tư tưởng cá nhân chủ nghĩa; thói tự do tùy tiện.v.v... phải kiên quyết đấu tranh khắc
phục. Những nguyên tắc về đạo đức phải giữ vững, những chuẩn mực đạo đức, trong gia đình phải đảm bảo không được khoan nhượng. Nếu khoan nhượng, cha mẹ, anh chị sẽ mất quyền uy của mình. Tuy nhiên, những biện pháp giáo dục phải mềm dẻo và kiên trì. Con cái có những sai lầm bố mẹ phải đóng góp, sửa chữa, nhưng khi có những ưu điểm, những việc làm tốt cần phải động viên, khuyến khích. Đóng góp ý kiến cho thế hệ trẻ phải công bằng không thiên vị, khen chê phải đúng lúc. Sửa chữa những sai lầm khuyết điểm cho trẻ vị thành niên phải kiên trì một lần nhắc nhở không được phải làm lại nhiều lần. Cha mẹ cần bày cho con cái cách làm đúng, cách làm hay. Kiên trì sửa chữa những khuyết điểm cho con cái nhưng không được dùng bạo lực hay những biện pháp thô bạo.
Quyền của trẻ em ngày nay đã được pháp luật bảo vệ. Đánh đập, sử dụng roi vọt đối với con cái là phạm luật. Dùng roi vọt đôi khi lại mang lại tác dụng ngược lại trong giáo dục đạo đức, làm cho trẻ em chai lỳ, nhiều khi đi đến những phản ứng tiêu cực khó lường. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, đối xử bình đẳng, dân chủ với con cái không có nghĩa là để chúng hỗn láo, tùy tiện. Bởi vậy, giáo dục con cái lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, cách ứng xử lễ phép, biết vâng lời người lớn là hết sức cần thiết. Nhưng cha mẹ phải dùng phương pháp giảng giải, thuyết phục mà không phải áp đặt hay dùng bạo lực. Kết hợp quyền uy với tình thương trong giáo dục con cái là phương pháp cần thiết mà mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần chú ý.
Gia đình kịp thời động viên những việc làm tốt, những hành vi lành mạnh của con cái bằng những biện pháp, có thể bằng những lời động viên khuyến khích một cách kịp thời, có thể bằng những khuyến khích về vật chất. Đối với trẻ vị thành niên việc động viên, khuyến khích kịp thời sẽ tác động mạnh mẽ tính tích cực xã hội của chúng, làm cho chúng tự tin vào năng lực của mình. Cha mẹ không nên mạt sát, thóa mạ con cái trước những việc làm
sai, những việc làm chưa tốt của chúng. Những biện pháp giáo dục như vậy chỉ làm cho chúng thiếu tự tin.
Gia đình là nơi uốn nắn có hiệu quả nhất đối với trẻ vị thành niên về những hành vi đạo đức lệch chuẩn. Chuẩn mực đạo đức trong lao động đòi hỏi phải lao động tích cực, có kỷ luật, có năng suất cao chất lượng tốt. Tuy nhiên, trong thực tế xã hội vẫn còn không ít những trẻ em lười học, lười suy nghĩ, thích chơi hơn học. Thời đại hiện nay là thời đại của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, do vậy nên thế hệ trẻ nếu không có tri thức, có học vấn sẽ không có việc làm. Thanh niên không có việc làm sẽ là một khó khăn thậm chí là một tai họa cho gia đình và xã hội. Hiện nay không ít thiếu niên, thanh niên không học hành, không có việc làm sẵn sàng đi vào con đường cờ bạc, trộm cắp, thậm chí giết người. Điều đó đang gây nên những lo lắng cho gia đình và xã hội, đồng thời cũng là những nguyên nhân dẫn tới mất an ninh xã hội, cản trở hoạt động làm ăn bình thường trong nhân dân. Nhiều thanh niên lười lao động, để có tiền tiêu xài các thanh thiếu niên này không từ một thủ đoạn nào từ lừa đảo tới cướp giật, giết người. Tình trạng lừa đảo hiện nay vô cùng tinh vi, trên mọi lĩnh vực. Nào là giả sư đi quyên tiền xây chùa, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ vô gia cư. Nào giả ăn mày, ăn xin để khơi dậy long từ bi của người dân. Những điều đó đang làm mất tính nhân văn, nhân đạo của con người Việt Nam, vì thật giả lẫn lộn. Các gia đình khi thấy con em mình lười học, thích ăn chơi, cần phải tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng đó và kịp thời có những biện pháp khắc phục. Những thanh niên làm việc thiếu nghiêm túc, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu trách nhiệm trong công việc thì gia đình cần phải có những biện pháp uốn nắn kịp thời, bởi những thái độ đó không hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Nguy cơ mất việc làm của những thanh niên này thường xuyên bị đe dọa.
Gia đình trực tiếp điều chỉnh hành vi ứng xử của trẻ vị thành niên. Ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh và em.... Cách ứng xử thế nào của trẻ vị thành niên tốt hay xấu, đúng hay sai thường xuyên bộc lộ. Các bậc cha mẹ cần phải theo dõi các hành vi ứng xử của con cái đối với cha mẹ, đối với ông bà, anh chị em. Nếu ứng xử đúng đắn, kính trọng với ông bà, cha mẹ, có sự quan tâm tới anh chị em trong gia đình thì cha mẹ phải kịp thời biểu dương, ngược lại cha mẹ cũng phải kịp thời uốn nắn. Tuy nhiên, biện pháp giáo dục phải nhẹ nhàng, khoa học giúp cho con cái mình nhận thấy được khuyết điểm để chúng sửa chữa. Cha mẹ, ông bà muốn thuyết phục được con cháu thì bản thân họ phải gương mẫu. Cha mẹ phải thực sự quan tâm đến con cái, ông bà phải chăm lo, thân thiện trở thành những người bạn lớn của trẻ vị thành niên. Quan tâm, tận tụy chăm sóc con cái, nhưng lại không được chiều chuộng quá mức đối với con cái. Đây là một việc khó. Trong thực tế không ít gia đình quá chiều chuộng con cái, con cái đòi gì đáp ứng cái đó đã tạo ra tính ích kỷ, kiêu ngạo trong chúng. Không ít trẻ em, thanh thiếu niên chỉ biết đòi hỏi mọi người và không bao giờ đặt ra trách nhiệm của mình với gia đình, trách nhiệm với người khác. Những thanh thiếu niên đó khi làm không được việc gì đó thường đổ lỗi trách nhiệm cho người khác, không bao giờ thấy được khuyết điểm của bản thân mình. Cha
mẹ cần phải nhắc nhở con cái lối ứng xử “đối với mình phải nghiêm khắc”.
Chỉ có nghiêm khắc với bản thân, tự nhận thức được những hạn chế, khuyết điểm của bản thân mới có thể có quyết tâm phấn đấu, để khắc phục những nhược điểm thiếu sót đó và tiến bộ không ngừng.
Một bộ phận giới trẻ hiện nay thường xuyên nói tục, nói dối, thiếu trung thực trong cuộc sống. Không ít thanh thiếu niên nói tục đã trở thành thói quen, nói một câu là phải đệm một từ ngữ tục gây khó chịu cho người khác, thể hiện sự không tôn trọng người khác. Không ít trường hợp từ nói tục, nói
đệm dẫn tới mâu thuẫn xung đột, thậm chí dẫn tới án mạng. Cũng không ít thanh niên, thiếu niên thì việc nói dối, làm dối đã trở thành thói quen. Ở nhà thì nói dối cha mẹ. không ít bạn trẻ xin tiền bố mẹ đi học thêm, nhưng lại lấy tiền đó đi đánh cờ, đánh bạc, đi nhà nghỉ. Ở trường thì nhờ người khác thay cha mẹ đi họp, nhờ người khác giả danh cha mẹ xin phép nghỉ học, điểm danh hộ, nhờ người khác thi hộ. Nhờ người đi học hộ, đi thi hộ đã trở thành quan niệm bình thường của không ít học sinh, sinh viên. Không ít học sinh, sinh viên lấy tiền của cha mẹ để chơi bời, nhưng lại giải thích số tiền đó dùng để chạy điểm thầy cô, hoặc hàng trăm lý do khác. Điều đó gây nên những hiểu lầm giữa cha mẹ và thầy cô. Nói dối khi nhỏ sẽ trở thành tai hại lớn cho đất nước sau này, họ sẽ trở thành những công dân chuyên lừa dối người khác, giả dối trong công việc, tạo ra thiếu niềm tin trong xã hội. Giả dối trong công việc sẽ làm giảm chất lượng công việc, gây thất thoát cho nhà nước, cho xã hội, nhất là khi đã trở thành những người lãnh đạo quản lý. Trong tập thể có người nói dối sẽ gây nên mâu thuẫn nghi ngờ lẫn nhau. Sự thiếu tin tưởng, nghi ngờ nhau là mở đầu cho mất đoàn kết, những thất bại.
Các gia đình cần nhận thức được những tác hại của những thói hư tật xấu con cái của mình đối với gia đình và xã hội để có những biện pháp khắc phục. Gia đình cần quan tâm sửa chữa những khuyết điểm của con cái trong ứng xử với những người khác trong xã hội. Gần nhất là ứng xử đối với hàng xóm láng giềng. Trong quan hệ hàng xóm láng giềng, đối với người lớn tuổi hơn phải kính trọng, lễ phép, phải chào hỏi khi gặp nhau; đối với trẻ em thì yêu quý, tận tình giúp đỡ, quan tâm chăm sóc. Cha mẹ phải thường xuyên theo dõi cách ứng xử của con cái để kịp thời uốn nắn những sai sót dù là những sai sót nhỏ. Việc sai nhỏ không được khắc phục sẽ dẫn tới những sai sót lớn. Cha mẹ phải dạy cho con cái có sai phải xin lỗi, việc gì làm sai phải làm lại, thái độ phải kiên quyết không thỏa hiệp. Việc sai phải sửa, phải sửa
cho kỳ được. Nếu cha mẹ thỏa hiệp, trẻ vị thành niên sẽ “được đằng chân lân
đằng đầu”. Cha mẹ chỉ góp ý mà không bắt con cái sửa chữa những khuyết
điểm đó, lần sau chúng sẽ lại tái phạm.
Hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, có thể giúp đỡ nhau
trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Ông cha ta thường có câu “Nước xa
không cứu được lửa gần”. Những lúc ốm đau hoạn nạn người có thể giúp đỡ
chúng ta một cách nhanh nhất là hàng xóm láng giềng. Hàng xóm láng giềng cũng là những người bảo vệ tài sản tốt nhất cho mỗi gia đình. Trộm xa dễ chống, trộm gần khó chống. Nhiều vùng nông thôn các gia đình có thể bỏ ngỏ cửa, khi sang chơi gia đình hàng xóm nhưng vẫn không mất trộm. Sở dĩ như vậy vì những người hàng xóm, làng giềng là những người bảo vệ tài sản tốt nhất cho bạn. Song, cũng có thể thấy, hàng xóm láng giềng thường cũng có những va chạm trên nhiều lĩnh vực. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột đó như thế nào là một khâu quan trọng để duy trì tình cảm tốt đẹp hàng xóm láng giềng hay gây ra mâu thuẫn. Việc giải quyết những vấn đề đó phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, quan tâm tới lợi ích của nhau. Cần phải giải quyết các vấn đề sao cho hài hòa các quan hệ lợi ích, vừa đảm bảo lợi ích của mình vừa đảm bảo những lợi ích của người khác. Cách cư xử như thế nào trong quan hệ hàng xóm láng giềng của người lớn sẽ là tấm gương cho con cái noi theo. Cha mẹ phải thận trọng trong quan hệ giải quyết mối quan hệ này, kịp thời phát hiện những cách ứng xử không đúng của con cái để sửa đổi và uốn nắn. Những việc này phải thực hiện ngay từ khi con cái còn nhỏ. Chuyện dễ xảy ra là khi trẻ em trong lúc chơi đùa với nhau. Như ta đã biết trẻ em thường thích những đồ chơi mới lạ, do vậy thường hay thích chơi đồ chơi mới lạ của những đứa trẻ khác. Trẻ em thường tranh nhau đồ chơi, vì vậy cũng dễ dẫn tới cãi đánh nhau. Trong những trường hợp đó cha mẹ phải can thiệp, phải hướng dẫn cho con cháu mình tạo nên sự hòa hợp, đảm bảo hòa khí. Nếu
các bậc cha mẹ chỉ biết bảo vệ con mình mà không phân biệt phải trái khi trẻ tranh cãi nhau cũng dễ gây mất đoàn kết hàng xóm láng giềng, vì trẻ em mất lòng người lớn. Cũng cần phải nhận thức được rằng, chính việc bảo vệ con cái không đúng như vậy sẽ tạo cho chúng tính ỷ lại, tính ích kỷ. Tính ích kỷ của trẻ em sẽ là một tai hại lớn cho gia đình và xã hội. Trẻ đã ích kỷ lớn lên càng ích kỷ hơn. Trong gia đình bắt cha mẹ, anh em phục vụ mình, thỏa mãn những nhu cầu bản thân. Ngoài xã hội tính ích kỷ cũng dễ tạo nên những tính xấu như hiếu thắng, tìm cách thu vén những của cải của người khác, những tài sản của nhà nước, của xã hội thành của riêng. Trong quan hệ với người khác dễ kéo bè, kéo cánh gây chia rẽ mất đoàn kết trong cộng đồng.
Gia đình cũng là nơi tạo dựng một nếp sống khẩn chương, lành mạnh, gọn gàng cho trẻ vị thành niên. Nếp sống là những đặc điểm lặp đi lặp lại trở thành thói quen, phong cách sống trong một cá nhân hay một nhóm người nào đó. Nếp sống là thể hiện hành vi đạo đức trong cuộc sống. Trong xã hội hiện đại đòi hỏi trẻ vị thành niên phải có nếp sống ngăn nắp gọn gàng, nếp sống khẩn trương, lành mạnh. Trong học tập, cha mẹ phải chỉ bảo cho con cái cách sắp xếp sách vở, tài liệu một cách khoa học nhất, dễ tìm, dễ lấy. Trong cuộc sống đòi hỏi con cái phải sắp xếp đồ đạc cá nhân, đồ đạc gia đình sao cho gọn gàng, ngăn nắp thuận lợi nhất. Cần tạo nên thói quen cho trẻ vị thành niên ngăn nắp gọn gàng ngay từ chiếc giường ngủ. Khi thức dậy phải gấp giường chiếu gọn gàng. Nếp sống còn thể hiện ở tính kỷ luật trong cuộc sống, giờ nào việc ấy, việc hôm nay chớ để ngày mai. Các gia đình phải yêu cầu con cái xây dựng kế hoạch làm việc trong ngày, giờ nào học, giờ nào chơi phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. học phải ra học, chơi phải ra chơi. Có như vậy mới tập trung tư tưởng, đạt kết quả cao trong học tập. Cha mẹ chính là người kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện kế hoạch làm việc của con cái. Trong công việc phải khẩn trương linh hoạt, đã làm việc gì phải xong việc đó
mới chuyển sang việc khác, tránh dây dưa kéo dài. Trong công việc phải phân công rõ ràng trách nhiệm của từng người, trên cơ sở đó mà đánh giá hiệu quả công việc.
Đảm bảo thực hiện đúng giờ giấc, thời gian là một yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Cần rèn luyện cho trẻ vị thành niên tuân thủ nghiêm ngặt thời gian học tập, nghỉ ngơi, đòi hỏi mỗi người phải đảm bảo đi học, đi họp