7. Kết cấu của luận văn
2.1.3. Nhân tố hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường
Toàn cầu hoá là một tất yếu khách quan trong thời đại ngày nay. Đảng, Nhà nước chủ trương, chủ động hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu sắc theo phương châm giữ vững độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế vì mục tiêu hoà bình, hữu nghị, dân chủ và phát triển. Đảng, Nhà nước ta cũng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cơ chế thị trường mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển xã hội, là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và đạt đến những giá trị cao hơn về đời sống tinh thần xã hội. Giáo dục cũng được hưởng những giá trị tích cực do cơ chế thị trường mang lại như cơ sở vật chất được tăng cường, cơ hội tiếp xúc công nghệ thông tin, tiếp xúc giá trị văn hoá bên ngoài để bổ sung những giá trị đạo đức mới và có điều kiện hơn để bộc lộ những giá trị đạo đức mới đó.
Song bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường đang gây ra những khó khăn, bất cập cho giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức cho học sinh THPT. Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đã chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, tệ nạn quan liêu, tham nhũng
đang là những tác nhân làm mai một những giá trị đạo đức truyền thống về thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, tổn hại đến uy tín của Đảng, gia tăng nguy cơ đến an ninh đất nước và sự tồn vong của chế độ.
Ở lứa tuổi thanh niên, học sinh dễ tiếp thu các tiến bộ trí tuệ nhưng cũng dễ tiếp thu những thói hư, tật xấu do mặt trái cơ chế thị trường mang lại. Khi bắt đầu định hướng giá trị cũng là lúc làm quen với lối sống tự lập, do vậy chịu tác động rất lớn của môi trường giáo dục. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất trong lứa tuổi này là tiếp thu nhanh cái tốt và cái xấu, nếu cái xấu còn tồn tại và len lỏi vào học đường thì được hấp thụ rất nhanh và phát tán một cách mạnh mẽ, nhất là cái xấu mang bộ mặt “lương thiện”. Trong giới trẻ, có một bộ phận chú trọng tiếp nhận cái mới, coi nhẹ, thậm chí quay lưng với các giá trị truyền thống, những chuẩn mực mà họ coi là bó hẹp. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường chạy theo thành tích, coi nhẹ giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng quê hương, đất nước, coi nhẹ giáo dục đạo đức học đường. Gia đình và bản thân học sinh THPT có xu hướng coi trọng bằng cấp thi cử, quan niệm giáo dục theo kiểu “đặt hàng”, không có sự hài hoà giữa cung cấp tri thức khoa học với giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống hay định hướng bản lĩnh nghề nghiệp.
Trên đây là những nhân tố quan trọng tác động đến đạo đức và công tác giáo dục đạo đức cho học sinh THPT.
2.2. Đặc điểm chung của học sinh trung học phổ thông ở huyện Kỳ Anh
2.2.1. Tình hình, đặc điểm học sinh trung học phổ thông
Căn cứ Điều 73 của Luật Giáo dục năm 1998 của nước ta, học sinh là những người đang học tập tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Bậc Trung học có 2 cấp là THCS và THPT. Cấp THPT được thực hiện trong 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12. Học sinh vào lớp 10 có tuổi là 15. Với lứa tuổi như vậy, học sinh THPT thuộc độ tuổi thanh niên. Ở lứa tuổi này các em có sự phát triển đột biến về thể lực, trí tuệ, tâm sinh lý.
Học sinh THPT “là lứa tuối chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, đó là lứa tuổi nở rộ sức mạnh thể chất, tinh thần và trí tuệ, lứa tuổi hình thành nhân cách và những phẩm chất của một công dân, hình thành thế giới quan và lý tưởng đạo đức. Đây là lứa tuổi luôn luôn tự tìm hiểu bản thân mình và tìm hiểu người khác, lứa tuổi tự khẳng định và tìm cách xác định sức mạnh của mình trong xã hội” [49, tr. 12-13].
Về mặt sinh học: Học sinh THPT đang dần dần hoàn thiện về mặt thể
chất để trở thành một người trưởng thành. Đến lớp 12, các nhà chuyên môn cho rằng bộ phận não của con người ở giai đoạn này đã khá hoàn thiện. Sự phát triển của não bộ và khả năng nhạy cảm giúp các em có khả năng tiếp thu tốt các kiến thức văn hoá, khoa học công nghệ và thông tin mới của xã hội. Mặt khác, do lớn lên trong điều kiện không có chiến tranh, đời sống vật chất tinh thần xã hội của đại bộ phận người dân được nâng cao, nhu cầu dinh dưỡng được đáp ứng ngày một tốt hơn nên so với học sinh cùng cấp các thế hệ cha anh thì học sinh THPT ngày nay có sự phát triển tốt hơn về chiều cao, thể trạng, trọng lượng.
Về mặt tâm lý: Học sinh THPT thuộc lứa tuổi hoạt động tư duy ghi
nhớ, các em giàu ý chí, khát vọng, cảm xúc, hăng hái hoạt động, ham hiểu biết, thích cái mới, có nhu cầu về tình bạn, tình yêu. Các em bước đầu phải tự xác định cho mình một loạt vấn đề về tương lai như nhân cách, lý tưởng, niềm tin, chọn nghề… Đời sống tình cảm cũng có nhiều thay đổi, đã có những rung động, cảm xúc về cái mới, về tình bạn, tình yêu và những sự kiện trong xã hội. Trong quan hệ gia đình thì tình yêu thương, mối liên hệ với ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt vẫn hết sức gắn bó và đặc biệt cần thiết những mối quan hệ mới bên ngoài xã hội đang dần được mở rộng, trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng.
Một đặc điểm nữa của học sinh THPT là xu hướng tự khẳng định mình và có lòng tự trọng cao, muốn vươn tới vị trí ngang bằng người lớn, tự chủ, không muốn cha mẹ phải chăm lo đến mình như khi còn ít tuổi. Các em thích
những hành động dũng cảm, dám nghĩ dám làm và khi niềm tin đã hình thành thì tính kiên quyết càng bộc lộ rõ. Tuy nhiên, nếu tính kiên quyết không được nhận thức đầy đủ dễ dẫn các em đến sự hung hăng “liều mạng”, bất chấp hậu quả. Ở giai đoạn này, các em thường có lòng tự trọng cao, nhạy cảm với sự đánh giá của người khác. Đồng thời các em cũng có những khả năng tự phân tích, đánh giá, điều chỉnh bản thân.
Có thể nói học sinh THPT hiện nay càng tỏ rõ vai trò, vị trí trong xã hội, ngày càng năng động, hăng hái hơn trong cuộc sống, kể cả các hoạt động xã hội cũng như các hoạt động để tự phấn đấu hoàn thiện nhân cách bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là lứa tuổi có những hạn chế nhất định. Đó là tâm lý không thích nghe, không thích bàn đến các vấn đề chính trị, thời sự. Các em thiếu kinh nghiệm sống nên dễ mơ hồ về chính trị, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Một bộ phận học sinh có biểu hiện lười biếng, sa vào lối sống thực dụng. Coi thường pháp luật, vi phạm an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, thậm chí có hiện tượng học sinh tham gia đánh thầy giáo, giết người cướp của để phục vụ cho lối sống tiêu xài, hưởng thụ cá nhân và nhóm bạn. Vì thế ở lứa tuổi này vấn đề giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa cho các em cần phải được đặc biệt coi trọng.
Học sinh THPT là lớp người trong độ tuổi thanh niên, đại đa số là đoàn viên (ngày nay một số ít học sinh THPT được kết nạp vào đội ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam). Vì vậy khi xác định vai trò, đặc điểm của học sinh THPT cần xem xét họ với tư cách là một bộ phận lớn của thanh niên, của thế hệ trẻ. Thứ nhất, học sinh THPT với tư cách là một bộ phận lớn của học sinh Việt Nam, là những người đang học tập, tiếp thu tri thức để sau này trở thành “người chủ tương lai của nước nhà”. Thứ hai, thanh niên học sinh là lực lượng dự trữ, là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và Hồ Chủ tịch. Thứ ba, đây cũng là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ đi truớc để thúc đẩy xã hội phát triển, là người giáo dục, dìu dắt
thiếu niên, nhi đồng. Thứ tư, họ là lực lượng chủ yếu bổ sung vào lực lượng học sinh, sinh viên hằng năm trong các trường trung học chuyên nghiệp, truờng dạy nghề, các truờng cao đẳng và đại học.
Học sinh THPT là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, đó là lứa tuổi nở rộ sức mạnh thể chất, tinh thần và trí tuệ, lứa tuổi hình thành nhân cách và những phẩm chất của một công dân, hình thành thế giới quan và lý tưởng đạo đức. Đây là lứa tuổi luôn tìm hiểu bản thân mình và tìm hiểu người khác, lứa tuổi tự khẳng định và tìm cách xác định sức mạnh của mình trong xã hội.
Tóm lại, học sinh THPT đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai đất nước. Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà truờng nhưng yêu cầu đào tạo họ trở thành con người toàn diện, vừa có tài, vừa có đức, có sức khoẻ, năng lực thẩm mỹ và nghề nghiệp… có tầm quan trọng chiến lược cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới.
2.2.2. Thực trạng đạo đức của học sinh trung học phổ thông ở huyện Kỳ Anh
Cấp học THPT ở huyện Kỳ Anh có 05 đơn vị, bao gồm: Trường THPT Nguyễn Huệ; Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu; Trường THPT Kỳ Anh; Trường THPT Lê Quảng Chí; Trường THPT Kỳ Lâm. Năm học 2012-2013, khối THPT có 160 lớp với 6999 em, đậu tốt nghiệp 2279 em, đạt tỷ lệ 96,49%; học sinh giỏi Quốc gia 2 em, học sinh giỏi cấp tỉnh 194 em, trong đó có 11 em đạt giải nhất. Kỳ thi vào ĐH, CĐ có 20 em đạt từ 25 điểm trở lên. [46, tr 6]
Trong những năm qua, tư tuởng, ý thức chính trị của học sinh THPT về cơ bản ổn định. Niềm tin đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước ngày càng được củng cố vững chắc. Thanh niên học sinh quan tâm nhiều hơn đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của quê hương đất nước, như: tình hình phát triển khu kinh tế trọng điểm quốc gia trên địa bàn, tình hình biển đảo, cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, cuộc vận động học tập và làm
theo tấm guơng đạo đức Hồ Chí Minh … Vấn đề đạo đức lối sống thực sự được đa số địa phương đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, nhất là việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số
vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã hơn một năm nay.
Thông qua giáo dục đạo đức, nhà trường giúp học sinh nhận thức được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, xứ sở nơi các em sinh ra và lớn lên cùng với những nhiệm vụ thời đại mà sứ mệnh lịch sử giao phó cho thế hệ trẻ. Các truyền thống như yêu quê hương đất nước, bất khuất, kiên cường, yêu lao động, trung hiếu, “thương người như thể
thương thân”. Nội dung, động cơ phấn đấu học tập, rèn luyện thành tài,
thành đức của các em.
Nội dung giáo dục đạo đức còn giúp các em hình thành ý thức đạo đức, bồi dưỡng tình cảm để xây dựng, phát triển cảm xúc, tình cảm đạo đức trong sáng và lành mạnh, xây dựng niềm tin đạo đức giữa những cơ sở đạo đức và tình cảm đạo đức, xây dựng hành vi và thói quen đạo đức.
Giáo dục đạo đức còn giúp các em hình thành thế giới quan, là một trong những phẩm chất cấu thành đạo đức cá nhân. Qua các môn học như: Giáo dục công dân, Văn, Lịch sử các em được trang bị thế giới khoa học, phương pháp tư duy biện chứng với những nội dung như những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về thế giới vật chất, thế giới tinh thần ,về đấu tranh giai cấp…
Giáo dục đạo đức với việc hình thành và bồi dưỡng các phẩm chất nhân văn và pháp luật cho thanh niên học sinh. Đó là các giá trị chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam như phẩm chất kính trọng, biết ơn, ý thức tôn trọng pháp luật, đức tính trung thực, thẳng thắn, lòng nhân ái, thuỷ chung… Kết quả điều tra tại 05 trường THPT ở Kỳ Anh: Trường THPT Kỳ Anh, trường THPT Nguyễn Huệ, trường THPT Kỳ Lâm, trường THPT Lê Quảng Chí và trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu cho thấy một hiện trạng (được lựa chọn) như sau:
Các chuẩn mực đạo đức Tỷ lệ (%)
Kính trọng biết ơn (ông bà, cha mẹ) 97.5
Kính trọng biết ơn thầy cô 96.2
Thương yêu gắn bó anh chị em… 94.1
Nhân ái, tình nghĩa 91.8
Một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đạo đức cho thanh niên học sinh THPT là giáo dục nhận thức, hành vi, tư tưởng chính trị như: yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, có lòng tự hào dân tộc chính đáng. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản của đạo đức xã hội chủ nghĩa mà học sinh THPT cần phải có.
Kết quả nghiên cứu về tình hình thanh niên của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam nhận thức tốt tình hình nhiệm vụ đất nước: 9,8% cảm thấy hoàn toàn lạc quan; 84,7% cảm thấy lạc quan nhưng còn băn khoăn trước những biến đổi về tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế; 5,4% cảm thấy bi quan, lo lắng [56, tr. 153]
Các em đã biểu hiện các phẩm chất trên bằng các hành động nhân văn như: phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp xoá nhà tranh tre dột nát cho các gia đình có công với nước, gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình đặc biệt khó khăn (trên 95% thanh niên học sinh tham gia). Năm 2011 - 2012 các Đoàn trường THPT đã ủng hộ quỹ “Vòng tay bạn bè” hơn 35 triệu đồng. Trường THPT Kỳ Anh nhận phụng dưỡng suốt đời 01 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các đoàn trường đều tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa tích cực và thiết thực. Vấn đề bảo vệ môi trường được các em quan tâm, 70% thanh niên học sinh THPT ý thức được cần phải bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay giáo dục các phẩm chất nhân văn và pháp luật vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Số em bị xếp hạnh kiểm trung bình, yếu, kém vẫn còn cao. Ví dụ: ở trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu cho thấy:
Năm học Tốt và khá Trung bình Còn yếu
2008-2009 91% 7% 2%
2009-2010 92.8% 6% 1.2%
2010-2011 93% 5.8% 1.2%
2011-2012 92% 7% 1%
Các bậc cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo, các nhà quản lý cũng như các thành viên xã hội… đang rất lo lắng trước sự sa sút về đạo đức lối sống ngày càng gia tăng của một bộ phận học sinh. Điều đáng lưu ý là sự là sút đạo đức của học sinh không những đang tăng lên về mặt số lượng mà tăng lên cả về mức độ nguy hại. Các tài liệu nghiên cứu khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu nhiều số liệu cụ thể để chứng minh tình trạng suy thoái đạo đức của học sinh. Những hiện tượng yếu kém về đạo đức thể hiện ở những điểm sau đây:
- Thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, lười học, lười lao động, hay trốn học để đi chơi. - Thiếu lễ phép với thầy cô, với người lớn, với cha mẹ, xúc phạm, thậm chí hành hung và đặc biệt có trường hợp sát hại thầy cô giáo.
- Hay gây gổ, nói tục, chửi bậy, ăn mặc lố lăng.