Các hộ đồng bào di cư đã di cư từ địa bàn này đến địa bàn khác gắn liền với sự thay đổi về lối sống sinh hoạt, truyền thống sản xuất. Trong những năm gần đây, các hộ đồng bào di cư chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên và những vùng khác, họ đến những vùng mà có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn nơi mà họ đã ra đi để phát triển sản xuất, tìm kiếm sinh kế, nuôi sống gia đình.
Di cư có hai loại đó là di cư có kế hoạch và di cư không có kế hoạch hay di cư tự do. Vấn đề di cư tự do luôn là vấn đề nan giải của các địa phương đặc biệt là ở Tây Nguyên. Phần lớn dân di cư tự do là những hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi đến địa phương họ thường sống co cụm theo từng nhóm, trong rừng sâu, không có cơ sở hạ tầng và tiến hành săn bắn theo truyền thống. Chính những việc làm đó đã tạo thành sức ép lên các nguồn tài nguyên như đất đai, rừng ở các khu bảo tồn mà điển hình là Vườn quốc gia Chư Yang Sin.
Ở từng địa phương, từng dân tộc khác nhau và do điều kiện sống khác nhau mà trong sản xuất nông nghiệp, trong khai thác, quản lý và sử dụng đất có những nét riêng biệt theo truyền thống của từng dân tộc và đặc điểm tự nhiên của từng vùng. Đối với các hộ đồng bào di cư như H’Mông, Muờng, Thái, Tày, Nùng, Dao…ngoài đặc điểm truyền thống riêng của từng dân tộc cũng có những đặc điểm chung trong truyền thống sản xuất. Thông thường đất đai trong sinh kế của họ bao gồm đất nương rẫy và đất ruộng, đất nương rẫy thường là đất dốc và đất ruộng chủ yếu là ruộng bậc thang. Đó chính là một đặc điểm mà những người dân di cư quản lý và sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi mà họ sinh sống và sản xuất
Hiện nay, các hộ đồng bào di cư tới các địa bàn, khu vực có điều kiện sống thuận lợi hơn, nhưng do thời gian đến muộn hơn so với các hộ dân đã sinh sống từ trước nên họ thường di cư vào sinh sống ở những những nơi vùng sâu, vùng xa, gần rừng, gần đồi núi và cũng gắn liền với truyền thống của họ là làm đất nương rẫy. Điều đó đã tạo nên sức ép tới các khu rừng tự nhiên, làm cho rừng tự nhiên trong những năm gần đây bị tàn phá nặng nề, ngày càng làm xuất hiện nhiều những vùng đất trống, đồi núi trọc, ảnh hưởng đến môi trường chung của sự sống con người. Đây đang là bài toán nan giải trước sức ép di dân tự do trong điều kiện đời sống của đại đa số người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống chưa thật sự ổn định.
Trong quản lý và sử dụng đất của các hộ đồng bào di cư nói chung đều có phương thức sử dụng đất đực trưng và gắn với lịch mùa vụ hàng năm, tuy rằng lịch mùa vụ có sự thay đổi nhiều so với trước kia để phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và đặc điểm địa hình nơi đến sinh sống.
Trong những năm trở lại đây, các hộ đồng bào di cư nói chung đã dần dần ổn định cuộc sống hơn, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào quản lý và sử dụng đất, để sản xuất có hiệu quả hơn, từ đó tạo điều kiện nâng cao được mức sống. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại, nhiều vấn đề nan giải cần phải hạn chế và khắc phục trong điều kiện sản xuất nông nghiệp, quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thật sự bền vững, trong đó điển hình là tài nguyên rừng và tài nguyên đất đai ở nước ta hiện nay.