III. ĐÁNH GIÁ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TĂNG CƯỜNG NGUỒN THU CỦA HÀ NỘ
2. Nhân tố cơ chế, chính sách
Cơ chế chính sách (bao gồm hệ thống thuế, các quy định về tổ chức bộ máy thực hiện công tác thu, quy định liên quan đến lĩnh vực thu...) có những thay đổi là nguyên nhân gây nên sự biến động lớn tới thu NS thành phố trong thời gian qua. Nhân tố này có xu hướng ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để huy động nguồn tài chính hiệu quả, cũng như là căn cứ triển khai công tác thu.
Theo đánh giá của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, chính sách thuế giai đoạn 2001-2005 có nhiều đổi mới, đóng góp quan trọng vào kết quả hoàn thiện hệ thống thuế của cả giai đoạn. Đổi mới theo hướng giảm số lượng và mức thuế suất, mở rộng diện ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, ổn định chính sách tài chính, tiền tệ... đáp yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, minh bạch, tạo môi trường bình đẳng trong cạnh tranh, chính sách thuế của Việt Nam ngày càng tiến dần tới chuẩn mực quốc tế và tương thích với vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tăng thu cho NSNN. Chính sách thuế đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu của Thành phố, đảm bảo các khoản chi lớn như cải cách tiền lương, chính sách xã hội,...
Chính sách thuế cũng ngày càng trở nên rõ ràng, đơn giản, hệ thống chính sách thuế - phí đã đề cao trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, mạnh dạn phân cấp cho cơ quan quản lý thu, sửa đổi nhiều thủ tục, quy trình, bãi bỏ và giảm nhiều mức thu phí. Kỷ cương, trật tự trong quản lý phí lệ phí được lập lại, giảm bớt chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế.
Một trong những thành công lớn của chính sách thuế là trong điều kiện giá thế giới biến động, việc điều chỉnh thuế đã được thực hiện đồng bộ với quản lý giá, tạo điều kiện bình ổn giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, năm 2005, nhà nước đã thực hiện chuyển dần điều hành giá các mặt hàng vật tư chiến lược như xăng dầu, sắt thép, phân bón,... theo cơ chế thị trường.
Thành phố cũng đã có nhiều chính sách khai thác nguồn thu hiệu quả. Việc phân cấp các đối tượng thu nộp ngân sách về địa bàn quận huyện như ủy quyền thu lệ phí trước bạ, các khoản thu từ nhà và đất; đặc biệt là việc phân cấp thu từ khu vực sản xuất dân doanh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cục Thuế Hà Nội đã áp dụng ủy nhiệm thu thuế trên địa bàn 28 xã, thị trấn và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố triển khai mở rộng ủy nhiệm cho 197 phường xã, thị trấn quản lý chợ. Bước đầu đã có một số Chi cục thực hiện tương đối tốt là Thành Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì…
Trong phạm vi quyền hạn của mình, Thành phố cũng đã ban hành 15 loại phí đóng góp không nhỏ cho ngân sách. Một số loại phí phải kể đến như phí trông giữ xe ôtô, xe máy, xe đạp; phí sử dụng lề đường, bến bãi (đất công); phí chợ; phí vệ sinh; phí xây dựng; phí tham quan di tích lịch sử; phí thẩm định quyền sử dụng đất.
Đến nay, thành phố đã áp dụng cơ chế tự kê khai, từ nộp thuế cho 501 doanh nghiệp, trong đó có 171 doanh nghiệp nhà nước, 330 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với số thuế chiếm tỷ trọng trên 70% thu ngân sách trên địa bàn, kết quả thu tốt.
Cơ chế thanh tra, kiểm tra cũng được Hà Nội quan tâm chú trọng. Thành phố áp dụng phương pháp ủy nhiệm thu, phân cấp nguồn thu; cơ chế tự khai, tự nộp thuế được thí điểm mạnh mẽ, cũng như tích cực khuyến khích các doanh nghiệp tự kê khai và nộp thuế. Nhờ đó, cơ quan thuế đã có đủ thời gian, năng lực để thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra, khai thác, truy thu hàng chục ngàn tỷ đồng.
Thành phố đã ban hành các quy định về bán đấu giá quyền sử dụng đất, cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”,... tạo hành lang pháp lý thuận lợi, góp phần mang lại kết quả thu NSNN trên địa bàn khá ổn định trong giai đoạn vừa qua.