Thu NS thành phố 5 năm qua đã đáp ứng được nhu cầu chi tiêu: năm 2001 đạt 3480 tỷ đồng, năm 2002 đạt 3358 tỷ đồng, năm 2003 đạt 3849 tỷ đồng, năm 2004 là 6101 tỷ đồng, năm 2005 đạt 6400 tỷ đồng. Thu ngân sách thành phố bao gồm các khoản thu thành phố hưởng 100% và các khoản phân chia giữa Hà Nội và NSTƯ. Hiện tại, tỷ lệ % phân chia giữa NSTƯ và NS thành phố là 32%. Các khoản thu để lại thành phố 100% đạt bình quân 1046 tỷ đồng. Đạt được những kết quả trên, công tác phân cấp thu ngân sách thành phố trong giai đoạn qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phân cấp nguồn thu trong giai đoạn qua căn cứ vào nguồn lực tại chỗ đã tạo được thế chủ động cho các địa phương. Những nguồn thu phát sinh từ kinh tế địa phương có liên quan trực tiếp với chức năng quản lý của cấp xã, với lợi ích trực tiếp của dân như thuế tài nguyên, thuế trước bạ nhà, đất, thuế sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng sản xuất trong nước đã tăng cao trong những năm qua. Thành phố đã khắc phục được tình trạng người làm ra nguồn thu lại không được hưởng, không quan tâm đến công tác thu. Thành phố đã khuyến khích được chính quyền quận huyện, xã phường quan tâm, nuôi dưỡng, khai thác tốt nguồn thu. Cụ thể, thành phố đã ủy quyền cho các cấp quận huyện, xã phường thu các khoản thu từ khu vực dân doanh, thu từ chợ (ủy nhiệm cho 197 phường, xã, thị trấn đảm nhiệm công việc này năm 2005), ủy nhiệm cho 28 xã, phường, thị trấn thu các khoản thu về nhà và đất. Điển hình là thu từ khu vực ngoài quốc doanh đã đạt mức tăng trưởng cao (như đã phân tích ở trên) nhờ chính quyền quận, huyện, xã phường đã kịp thời theo sát hơn tình hình sản xuất thực tế của các DN.
Phân cấp nguồn thu cũng đã hài hòa với phân cấp quản lý kinh tế xã hội của các cấp chính quyền. Thu thuế môn bài nhờ được phân cấp theo bậc cho chính quyền xã đã có kết quả thu tốt.
Bên cạnh những thành tựu, phân cấp thu của thành phố cũng có một số hạn chế như: phân cấp cho quận huyện, xã phường còn chưa tính đến sự chênh lệch giữa các vùng giàu và nghèo; quận huyện quyết định phân cấp cho các xã nên thành phố không hoặc ít biết đến các quyết định về ngân sách xã và các cơ sở, dẫn đến không chủ động nắm bắt và điều hành công tác thu. Ví dụ như về chế độ điều tiết, hầu hết các quận huyện đều có chung tỷ lệ điều tiết nên có những đơn vị thu khá thì chi nhiều dễ dẫn tới lãng phí, trong khi nhiều đơn vị thu kém thì không đủ chi. Chẳng hạn, đối với những quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… thường xuyên có số thu nộp vượt dự toán, nhưng nhu cầu chi chủ yếu là chi thường xuyên, gần như không có hoặc ít chi đầu tư phát triển (do diện tích đất gần như bão hòa). Trong khi những huyện như Đông Anh, Sóc Sơn, ngoài những dự án đầu tư của Thành phố, huyện cũng rất cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng xã, thôn còn đang ở tình trạng lạc hậu thì khả năng thu ngân sách bó hẹp nên đầu tư còn hạn chế. Đã vậy, việc quản lý ngân sách cấp xã cũng chưa được thành phố nắm bắt cụ thể nên khó theo sát thực tế,
dẫn đến tình trạng phó mặc cho chính quyền huyện. Do vậy để đạt kết quả cao nhất, thành phố rất cần phải nắm bắt, hướng dẫn đến từng đơn vị cơ sở, quản lý các cấp một cách thống nhất, sát sao.
Việc thưởng vượt thu cho ngân sách cấp quận huyện, xã phường đôi khi không mang lại hiệu quả mong muốn. Hiện nay Hà Nội áp dụng cơ chế thưởng vượt thu 50%, mặc dù cơ chế này đã khuyến khích được các quận huyện tích cực hơn trong công tác hành thu, song mặt trái của nó là có thể gây lãng phí. Thực tế là những nơi nghèo rất cần đầu tư thì thường xuyên thu thiếu, thâm hụt, và để tránh số thâm hụt quá lớn chính quyền địa phương không dám mạnh dạn đầu tư. Trong khi những nơi giàu hơn đôi khi không sử dụng thưởng vượt thu một cách hiệu quả, có nguy cơ nảy sinh tiêu cực. Những quận huyện thường xuyên có vượt thu thường là những quận nội thành, có trình độ cơ sở hạ tầng phát triển tương đối cao, diện tích đất đai gần như bão hòa, ít có đầu tư cho phát triển. Bởi vậy, để “tiêu hết” nguồn ngân sách “dồi dào” các quận “thường xuyên” sử dụng cho những việc mang lại hiệu quả không cao, chưa kể có khả năng gây tiêu cực. Ví dụ như nạn tu bổ vỉa hè, lòng đường, điện nước không hiệu quả, nay đào, mai phá rất lãng phí… Cơ chế thưởng vượt thu rất cần căn cứ trên nhu cầu chi đầu tư mới đảm bảo không bị thất thoát NSNN trên địa bàn.