Phân bón lá

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng cây hoa lily (Trang 54)

- Kỹ thuật tưới phun mưa và điều kiện áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa Không nên tưới trực tiếp lên lá khi cây ở giai đoạn nụ.

3. Bón phân thúc

3.1.5. Phân bón lá

Do được lá cây hấp thu nhanh nên phân bón lá đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của cây, giúp cây chóng hồi phục khi bị sâu bệnh, bão lụt hoặc đất thiếu dinh dưỡng.

Phân bón qua lá làm tăng năng suất, phẩm chất và mẫu mã nông sản.

Tuy vậy, bón phân qua lá cũng chỉ là biện pháp bổ sung, không thể thay thế cho bón qua đất.

Giống như đối với người, ăn được là chính, còn uống thuốc bổ hoặc truyền dịch dinh dưỡng chỉ là bổ sung và đáp ứng kịp lúc khi cần thiết.

Phân bón lá gồm nhiều loại, bổ sung tất cả các chất dinh dưỡng cho cây, gồm các chất đa lượng (N, P, K), các chất trung lượng (Ca, Mg, S, Si) và các chất vi lượng (Cu, Zn, Mn, B, Fe, Mo).

Có thể sử dụng ở dạng phân đơn như N, P, K, Cu, Zn…, nhưng phân bón lá thường là các hợp chất khoáng dễ hòa tan trong nước.

Hiện nay, người ta sử dụng một số chất từ các hợp chất hữu cơ như amino acid, các loại vitamin, các humat và các oligosacarit được tách chiết từ rong biển, thủy phân từ nguồn thịt cá, thịt trùn, nhộng tằm, đầu tôm…

Những hợp chất hữu cơ này ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cho cây một cách cân đối còn có tác dụng kích thích sinh trưởng, chống stress do thời tiết hay do ngộ độc và tăng sức chống bệnh cho cây.

Phần lớn các phân bón lá hiện nay gồm hỗn hợp các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng, một số loại còn thêm các chất kích thích sinh trưởng thực vật, hay các vi sinh vật hữu ích.

Sử dụng phân bón lá cần chú ý:

Không nên sử dụng phân bón lá khi cây đang nở hoa, đất bị khô hạn và trời nắng nóng.

Nên phun buổi sáng, có nắng nhẹ, khoảng 8 đến 10 giờ sáng hoặc chiều mát là tốt nhất vì lúc này khí khổng lá mở nhiều dễ hấp thu phân, trời cũng chưa nắng gắt, nên phun ướt cả mặt dưới lá.

Hòa phân với nước theo đúng nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Pha đậm đặc quá dễ bị cháy lá, pha không đúng sẽ giảm hiệu lực của phân. Thời gian và số lần phun cũng phải tuân theo hướng dẫn, không lạm dụng quá mức có thể gây hại cây, hoặc giảm chất lượng nông sản.

Cần xem xét cụ thể từng loại phân để sử dụng đúng điều kiện cây trồng, thổ nhưỡng và mục đích.

Ví dụ: khi cây cần sinh trưởng mạnh thì phun loại phân có hàm lượng N cao như 30-10-10 có chứa thêm chất GA3.

Khi cây cần ra rễ, đẻ nhánh, hình thành mầm hoa, kháng ngộ độc phèn thì phun những loại phân chứa tỷ lệ P cao như: N:P:K 10-60-10, 6-30-30, 15-30-15.

Không nhầm lẫn phân bón lá với chất kích thích sinh trưởng cây trồng vì mỗi loại có tác dụng khác nhau. Trong chất kích thích không có chất dinh dưỡng.

Nếu muốn vừa kích thích vừa cung cấp chất dinh dưỡng thì phải dùng loại phân có chất kích thích hoặc pha chung phân bón lá với chất kích thích

Muốn nâng cao chất lượng hoa cần phun một số phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng như: Atonick, Komix, Đầu trâu (502,901,902).

Phun sau trồng 15-20 ngày hoặc có thể dùng phân Plant Soul (20-20-20) pha tỷ lệ 1kg/600 lít nước, phun định kỳ 5-7 ngày/lần.

Hình 3.3.10. Phân bón lá

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng cây hoa lily (Trang 54)