- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.
1. Hãy phân tích cơ sở hình thành đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay?
của Đảng và Nhà nước ta hiện nay?
Đường lối đối ngọai là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. Từ khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng ta đã vạch ra đường lối ngọai giao rộng mở. Nhờ vậy trong suốt cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã tạo ra sự đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của anh em, bè bạn thế giới góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, trong thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế, đường lối đối ngoại lại càng trở nên quan trọng.
Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm đưa sự nghiệp phát triển đất nước hoà vào trào lưu phát triển chung của thế giới. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, coi đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong đường lối quốc tế của mình. Cũng chính vì vậy, sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau đã luôn giành được sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ rộng rãi của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Tư tưởng mở cửa đối ngoại, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới của Đảng đã được thể hiện rõ nét trong các văn kiện ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (12/1946), đã long trọng tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Đồng thời, Người khẳng định: “Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”1. Đây là những tư tưởng quan trọng đặt cơ sở cho sự hình thành chủ trương, đường lối hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung của nước ta sau này. Song, trong hoàn cảnh của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam đã không thể thực hiện một cách đầy đủ công cuộc hội nhập quốc tế theo những tư tưởng nêu trên.
Sau khi thống nhất đất nước, Đại hội IV của Đảng ta (1976) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế đối ngoại trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội khẳng định phải kết hợp phát triển kinh tế trong nước với mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài. Theo đó, Việt Nam đã tích cực phát triển quan hệ và tham gia vào các cơ chế hợp tác của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ kinh tế. Sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế với các nước XHCN mặc dù còn mang nặng tính bao cấp nhưng đã góp phần rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, Việt Nam cũng từng bước cải thiện quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) dựa trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi. Tuy nhiên, quá trình hợp tác quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh lạnh do chịu sự chi phối của cuộc đối đầu Đông - Tây, đặc biệt là nhân tố ý thức hệ tư tưởng, nên còn những hạn chế nhất định, chưa đạt tới hiệu quả như mong muốn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đứng trước yêu cầu cấp bách phải nhanh chóng vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, phá thế bao vây cấm vận của chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) và các thế lực thù địch, đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, trước hết trong lĩnh vực kinh tế ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng thời được thực hiện tích cực hơn.
Đại hội VI của Đảng (1986) mở ra bước ngoặt trong tư duy và thực tiễn hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta. Đại hội chỉ rõ: “Muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; trước hết và chủ yếu là với Liên Xô, Lào và Campuchia, với các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa; đồng thời tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học - kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi”. Nghị quyết Đại hội cũng xác định nội dung chính của chính sách kinh tế đối ngoại trước hết bao gồm: đẩy mạnh xuất nhập khẩu, tranh thủ vốn viện trợ và vay dài hạn, khuyến khích đầu tư trực tiếp của nước ngoài... Theo hướng này, Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua (1987), tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế, khai thác những tiềm năng nội lực của đất nước.
Đại hội VII của Đảng (1991) tuyên bố đường lối đối ngoại rộng mở: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, mở ra bước đột phá trong quá trình
hội nhập quốc tế. Đại hội xác định nguyên tắc cơ bản trong hội nhập kinh tế quốc tế là: “mở rộng, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi”2.
Chủ trương hội nhập quốc tế trước hết về kinh tế của Đảng tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị bổ sung, làm rõ và cụ thể hơn. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Ba (khoá VII) ngày 29/6/1992 nhấn mạnh chủ trương mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, trong đó “cố gắng khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực, trước hết ở châu Á - Thái Bình Dương”. Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 1005 CV/VPTW (22/11/1994) giao cho Chính phủ soạn thảo và gửi đơn xin gia nhập WTO. Theo Quyết định của Bộ Chính trị (số 493 CV/VPTW ngày 14/6/1996), Việt Nam đã gửi đơn xin gia nhập Diễn đàn APEC.
Đại hội VIII của Đảng (1996) trong khi nêu rõ đường lối đối ngoại: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” đã đưa ra chủ trương “xây dựng nền kinh tế mở”, “đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”. Đại hội nhấn mạnh phải mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Tiếp đó, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 01/NQ-TƯ (18/11/1996,) “Về mở
rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại 5 năm 1996 - 2000”, xác định
nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách chủ yếu để phát triển kinh tế đối ngoại.
Bước vào thế kỷ mới, Đại hội IX của Đảng khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển"3. Đại hội xác định độc lập tự chủ là cơ sở để thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam, không chỉ "sẵn sàng là bạn" mà còn sẵn sàng “là đối tác tin cậy của các nước" và "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”. Đây là sự phản ánh một nấc thang cao hơn trong nhận thức và tư duy về đối ngoại nói chung 2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb CTQG, HN 1991, tr. 119
và về hội nhập quốc tế nói riêng của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Nhằm cụ thể hoá đường lối “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 07-NQ/TW (27/11/2001) về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó làm rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nội dung và nhiệm vụ cụ thể của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế.
Chủ trương hội nhập quốc tế tiếp tục được hoàn thiện thêm tại Đại hội X của Đảng (4/2006). Cùng với việc nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, Đại hội khẳng định quan điểm: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội nêu 5 bài học lớn, trong đó bài học thứ 3 là bài học về hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Theo đó, hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan; phải chủ động, có lộ trình với bước đi tích cực, vững chắc, không do dự chần chừ, nhưng cũng không được nóng vội, giản đơn.
Đại hội XI của Đảng (2011) đánh dấu bước phát triển mới trong chủ trương hội nhập quốc tế với sự khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”4. Chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” được Đại hội nêu ra thể hiện tầm nhìn chiến lược toàn diện của Đảng. Đây không chỉ là sự chủ động, tích cực hội nhập riêng ở lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác, mà là sự tích cực mở rộng hội nhập với qui mô toàn diện, trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh... Bước phát triển này trong nhận thức và tư duy đối ngoại của Đảng, phản ánh những nhu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong bối cảnh quốc tế mới. Trong quá trình hội nhập cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, của toàn xã hội. Đó là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tuỳ theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể. Cần kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước5.