Cá nhân chịu sự quy định của xã hội, bị giới hạn bởi những “kẻ khác” xung quanh. Thế nên, cá nhân phản kháng chống lại xã hội. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần thể hiện mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội thông qua tính chất tranh chấp của mối quan hệ cá nhân – tha nhân.
Đối với nhánh hiện sinh tôn giáo, mối quan hệ giữa cá nhân – tha nhân mang tính thông cảm. Bởi lẽ ta và tha nhân có thể giao hòa với nhau khi cùng hiện hữu hướng đến Chúa. Ta và tha nhân có thể “cầm tay nhau” bước trên con đường quay trở về với Ngài. Marcel gọi mối quan hệ cá nhân – tha nhân là sự tương đồng, là mối thông cảm hai chiều. Còn Jaspers cho sự liên thông với tha nhân là tất yếu bởi con người không đơn thương độc mã tiến tới hiện sinh được, chỉ có thể sống cùng tha nhân nếu một mình con người không là gì cả.
Dễ nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai nhánh chủ nghĩa hiện sinh khi đề cập đến mối quan hệ cá nhân – tha nhân. Không phải là thông giao, mối quan hệ, trong quan niệm của nhánh vô thần, mang tính chất thù nghịch và đối chọi gay gắt. Trong “Hữu thể và hư vô”, Sartre viết: “sự kiện tha nhân xâm chạm đến trọn vẹn con người tôi. Tôi thể hiện sự kiện đó bằng nỗi bực dọc khó chịu, vì tha nhân, tôi cứ luôn luôn bị đặt trong tình trạng nguy hiểm”[22; tr.14].
Cái nhìn không chỉ là gạch nối bất biến giữa tôi và tha nhân mà còn là bức tường vô hình phân định, tách biệt giữa hai đối cực. Tôi bị người khác nhìn, có nghĩa người khác là chủ thể; còn tôi, tôi bị rơi xuống vị trí khách thể. Điều đó có nghĩa là tôi trở thành thụ động dưới cái nhìn của người khác. Dưới mắt tôi, tha nhân là nô lệ của tôi; dưới mắt tha nhân, tôi biến thành nô lệ của họ. Như vậy vô hình chung, hiện sinh riêng tư đã xác nhận sự nô lệ vào đám đông công chúng của mình. Tự do cá nhân đối lập với tự do của tha nhân. Mỗi người thực hiện tự do của mình bằng cách hủy diệt tự do của người khác. Thế nên, cuộc đời của mỗi người đe dọa cuộc đời của người khác. Tiếp tục
lập luận ấy, triết hiện sinh vô thần đi đến kết luận: xã hội là một cuộc chiến tranh không bao giờ chấm dứt giữa các “ý thức”, và đó là một khía cạnh của thân phận con người.
Quan hệ giữa cá nhân – tha nhân là quan hệ đối lập, xung đột, bất kể cá nhân có thái độ như thế nào đối với tha nhân, cũng chẳng thể thay đổi cục diện đó. Mỗi người khép kín trong hiện sinh của mình cho nên ta không hiểu được tha nhân, cũng như không làm cho họ hiểu ta. Kịch “Kín cửa” là một trình diễn những quan điểm của Sartre về mối quan hệ cá nhân – tha nhân. Năm cảnh kịch “Kín cửa” phơi bày ra mối quan hệ đối chọi : “… địa ngục chính là kẻ khác”[30; tr.22]. Ba nhân vật của kịch (Garcin, Incés, Esetelle), bản thân họ đều đã chết, đều đang ở dưới địa ngục. Vậy mà họ phải thốt lên kinh hãi rằng tha nhân chính là địa ngục. Họ khiếp đảm khi phải chịu đựng lẫn nhau, chịu đựng cái nhìn của nhau, cái nhìn như muốn nuốt chửng, cái nhìn soi mói làm mất tự do của người khác. Sartre đã biến “cái nhìn” như mũi tên xoáy thẳng vào con người, như mũi dao đâm thẳng vào cá nhân. “Kín cửa” được đánh giá là một trong những vở kịch hay thuộc vào loại bậc nhất của Sartre có lẽ bởi nó đã thể hiện thành công mối quan hệ xung đột, khắc nghiệt, tàn nhẫn giữa ta và tha nhân.
Nhìn chung, trong quan điểm của Sartre, tha nhân trở thành một đối tượng gây nguy hiểm cho hiện hữu cá nhân. Cái vũ trụ của tôi bị tha nhân chiếm đoạt. Sự hiện diện của tha nhân là một phủ nhận hiện diện của tôi, là một ngột ngạt khó thở cho hiện hữu của chính tôi. Sở dĩ, Sartre đặc tập trung mổ xẻ vấn đề quan hệ cá nhân – tha nhân chính bởi ông muốn kéo con người ra khỏi tình trạng bị đàn áp, tình trạng bị “nuốt trửng”. Tha nhân là sức mạnh vô hình, phổ biến, san phẳng cá thể tính, tước đi ở cá nhân tồn tại riêng có và độc đáo. Các nhà hiện sinh vô thần đã trao cho con người ngọn đuốc “tự do”, đã khoát lên con người bộ áo “độc đáo”. Và giờ đây, “kẻ khác” đang rình rập tước đi của con người tất cả, đang đe dọa tới hiện hữu cá nhân. Thế nên, Sartre thôi thúc con người phản kháng, quẫy đạp chống lại tha nhân. Hành động phản kháng đó nhằm đưa cá nhân thoát khỏi tình trạng tranh chấp, áp đặt, bị chế ngự. Hơn thế, thông qua quá trình phản kháng của mỗi người mà bản tính độc đáo, tự do càng được biểu lộ. Tức là, cách hành động, cách lựa chọn phương thức phản kháng như thế nào sẽ xác minh cho tồn tại người. Ngược lại, nếu không quẫy đạp, có thể con người sẽ rơi vào hư vô. Mối quan hệ cá nhân – tha nhân không chỉ đơn thuần biểu hiện mối quan hệ giữa người với người mà còn được hiểu rộng ra là mối quan hệ giữa cá nhân
và xã hội. Thế nên, sự quẫy đạp của cá nhân chống lại tha nhân cũng là sự phản kháng của con người đối với trật tự xã hội hiện tồn ngột ngạt, rập khuôn, máy móc.
Bằng lý lẽ sắc sảo, triết học hiện sinh vô thần đã chĩa mũi nhọn “tấn công” vào tha nhân, qua đó nhằm bảo vệ chủ quan tính cho con người cá nhân. Mỗi người đều có chủ quan tính của riêng mình và chẳng ai thoát được tha nhân. Tha nhân đeo bám con người như định mệnh truyền kiếp. Con người hiện sinh đa diện mạo mỗi người qua đi là một ngày hiện hữu cùng tha nhân, là một ngày phản kháng chống lại tha nhân. Con người hiện sinh không chỉ bị đe dọa bởi “kẻ khác”, mà còn bị đe dọa bởi chính mình, cụ thể hơn là bị đe dọa bởi nguy cơ tha hóa bản thân.