Mối quan hệ cá nhân – xã hội trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần

Một phần của tài liệu Luận văn triết học vấn đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần (Trang 30)

2.2.1. Tính quy định xã hội đối với cá nhân

Chủ nghĩa hiện sinh vô thần là nỗ lực giải minh sự hiện hữu của con người mà không cần viện dẫn tới đấng Cứu thế: con người trong thế giới và thế giới của chính con người. Con người độc đáo, tự do nhưng luôn cô đơn trong thế giới dửng dưng và xa lạ. Cũng như Heidegger gọi đó là “cõi người ta”. Con người sống trong xã hội, thuộc về xã hội, liên quan tới xã hội. Như thế, triết học hiện sinh đã đề cập tới tính quy định của xã hội đối với cá nhân. Nhưng theo cách diễn đạt của các triết gia hiện sinh, tính quy định xã hội đó chính là sự áp đặt và chế ngự của tha nhân đối với cá nhân. Tha nhân tức là người khác, là những cá nhân khác bên cạnh cá nhân chủ thể. Hiểu rộng ra, tha nhân nhằm chỉ môi trường xã hội. Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, theo cách lý giải của chủ nghĩa hiện sinh, chính là mối quan hệ giữa cá nhân và tha nhân. Có thể nói mối quan hệ cá nhân – tha nhân là một nội dung quan trọng của thuyết này. Mounier gọi “vấn đề tha nhân là một trong những cuộc chinh phục vĩ đại”[19; tr.125] của chủ nghĩa hiện sinh.

Con người “bị ném vào đời”, thế nên sự hiện hữu của mỗi người luôn gắn với “kẻ khác”, hiện hữu của con người là “hiện hữu với”. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần khẳng định rằng con người tồn tại không thể không có tha nhân; nhập cuộc dù cô đơn vẫn phải có tha nhân. Mỗi cá nhân đều dễ dàng nhận biết rằng tha nhân cũng giống hệt như mình, cũng hiện hữu như chủ thể, cũng có tính chủ quan, tính ý hướng như mình. Thế nên, ta là đối tượng của tha nhân cũng như tha nhân là đối tượng của ta. Tha nhân nhìn ta cũng như ta nhìn tha nhân. Cái nhìn là gạch nối bất biến dính kết ta và tha nhân. Vì tha nhân hiện hữu nên ta phải sống với hiện hữu của họ, nghĩa là chung nhau mọi cảm tính, mọi trạng thái. Ta phải chia sẽ độc đáo của ta cho tha nhân.

Khi luận giải về vấn đề con người, chủ nghĩa hiện sinh vô thần đã không khước từ tha nhân. Nói cách khác, hiện sinh vô thần đã không thể gạt tha nhân ra khỏi con

đường đi của mỗi cá nhân. “Có một cái không bao giờ thay đổi, đó là việc thiết yếu con người phải sống trong vũ trụ, sống ở đó để làm việc, sống ở đó với tha nhân và sống ở đó để rồi chết đi”[29; tr.40]. Tha nhân như kẻ đồng hành của ta. Nhưng khi đồng hành, sự va chạm, tính liên kết giữa cá nhân – tha nhân như thế nào? Các triết gia hiện sinh vô thần ưu ái con người bao nhiêu thì cũng nhiệt tâm phân trần sự đối nghịch giữa cá nhân và tha nhân bấy nhiêu.

2.2.2. Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội

Cá nhân chịu sự quy định của xã hội, bị giới hạn bởi những “kẻ khác” xung quanh. Thế nên, cá nhân phản kháng chống lại xã hội. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần thể hiện mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội thông qua tính chất tranh chấp của mối quan hệ cá nhân – tha nhân.

Đối với nhánh hiện sinh tôn giáo, mối quan hệ giữa cá nhân – tha nhân mang tính thông cảm. Bởi lẽ ta và tha nhân có thể giao hòa với nhau khi cùng hiện hữu hướng đến Chúa. Ta và tha nhân có thể “cầm tay nhau” bước trên con đường quay trở về với Ngài. Marcel gọi mối quan hệ cá nhân – tha nhân là sự tương đồng, là mối thông cảm hai chiều. Còn Jaspers cho sự liên thông với tha nhân là tất yếu bởi con người không đơn thương độc mã tiến tới hiện sinh được, chỉ có thể sống cùng tha nhân nếu một mình con người không là gì cả.

Dễ nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai nhánh chủ nghĩa hiện sinh khi đề cập đến mối quan hệ cá nhân – tha nhân. Không phải là thông giao, mối quan hệ, trong quan niệm của nhánh vô thần, mang tính chất thù nghịch và đối chọi gay gắt. Trong “Hữu thể và hư vô”, Sartre viết: “sự kiện tha nhân xâm chạm đến trọn vẹn con người tôi. Tôi thể hiện sự kiện đó bằng nỗi bực dọc khó chịu, vì tha nhân, tôi cứ luôn luôn bị đặt trong tình trạng nguy hiểm”[22; tr.14].

Cái nhìn không chỉ là gạch nối bất biến giữa tôi và tha nhân mà còn là bức tường vô hình phân định, tách biệt giữa hai đối cực. Tôi bị người khác nhìn, có nghĩa người khác là chủ thể; còn tôi, tôi bị rơi xuống vị trí khách thể. Điều đó có nghĩa là tôi trở thành thụ động dưới cái nhìn của người khác. Dưới mắt tôi, tha nhân là nô lệ của tôi; dưới mắt tha nhân, tôi biến thành nô lệ của họ. Như vậy vô hình chung, hiện sinh riêng tư đã xác nhận sự nô lệ vào đám đông công chúng của mình. Tự do cá nhân đối lập với tự do của tha nhân. Mỗi người thực hiện tự do của mình bằng cách hủy diệt tự do của người khác. Thế nên, cuộc đời của mỗi người đe dọa cuộc đời của người khác. Tiếp tục

lập luận ấy, triết hiện sinh vô thần đi đến kết luận: xã hội là một cuộc chiến tranh không bao giờ chấm dứt giữa các “ý thức”, và đó là một khía cạnh của thân phận con người.

Quan hệ giữa cá nhân – tha nhân là quan hệ đối lập, xung đột, bất kể cá nhân có thái độ như thế nào đối với tha nhân, cũng chẳng thể thay đổi cục diện đó. Mỗi người khép kín trong hiện sinh của mình cho nên ta không hiểu được tha nhân, cũng như không làm cho họ hiểu ta. Kịch “Kín cửa” là một trình diễn những quan điểm của Sartre về mối quan hệ cá nhân – tha nhân. Năm cảnh kịch “Kín cửa” phơi bày ra mối quan hệ đối chọi : “… địa ngục chính là kẻ khác”[30; tr.22]. Ba nhân vật của kịch (Garcin, Incés, Esetelle), bản thân họ đều đã chết, đều đang ở dưới địa ngục. Vậy mà họ phải thốt lên kinh hãi rằng tha nhân chính là địa ngục. Họ khiếp đảm khi phải chịu đựng lẫn nhau, chịu đựng cái nhìn của nhau, cái nhìn như muốn nuốt chửng, cái nhìn soi mói làm mất tự do của người khác. Sartre đã biến “cái nhìn” như mũi tên xoáy thẳng vào con người, như mũi dao đâm thẳng vào cá nhân. “Kín cửa” được đánh giá là một trong những vở kịch hay thuộc vào loại bậc nhất của Sartre có lẽ bởi nó đã thể hiện thành công mối quan hệ xung đột, khắc nghiệt, tàn nhẫn giữa ta và tha nhân.

Nhìn chung, trong quan điểm của Sartre, tha nhân trở thành một đối tượng gây nguy hiểm cho hiện hữu cá nhân. Cái vũ trụ của tôi bị tha nhân chiếm đoạt. Sự hiện diện của tha nhân là một phủ nhận hiện diện của tôi, là một ngột ngạt khó thở cho hiện hữu của chính tôi. Sở dĩ, Sartre đặc tập trung mổ xẻ vấn đề quan hệ cá nhân – tha nhân chính bởi ông muốn kéo con người ra khỏi tình trạng bị đàn áp, tình trạng bị “nuốt trửng”. Tha nhân là sức mạnh vô hình, phổ biến, san phẳng cá thể tính, tước đi ở cá nhân tồn tại riêng có và độc đáo. Các nhà hiện sinh vô thần đã trao cho con người ngọn đuốc “tự do”, đã khoát lên con người bộ áo “độc đáo”. Và giờ đây, “kẻ khác” đang rình rập tước đi của con người tất cả, đang đe dọa tới hiện hữu cá nhân. Thế nên, Sartre thôi thúc con người phản kháng, quẫy đạp chống lại tha nhân. Hành động phản kháng đó nhằm đưa cá nhân thoát khỏi tình trạng tranh chấp, áp đặt, bị chế ngự. Hơn thế, thông qua quá trình phản kháng của mỗi người mà bản tính độc đáo, tự do càng được biểu lộ. Tức là, cách hành động, cách lựa chọn phương thức phản kháng như thế nào sẽ xác minh cho tồn tại người. Ngược lại, nếu không quẫy đạp, có thể con người sẽ rơi vào hư vô. Mối quan hệ cá nhân – tha nhân không chỉ đơn thuần biểu hiện mối quan hệ giữa người với người mà còn được hiểu rộng ra là mối quan hệ giữa cá nhân

và xã hội. Thế nên, sự quẫy đạp của cá nhân chống lại tha nhân cũng là sự phản kháng của con người đối với trật tự xã hội hiện tồn ngột ngạt, rập khuôn, máy móc.

Bằng lý lẽ sắc sảo, triết học hiện sinh vô thần đã chĩa mũi nhọn “tấn công” vào tha nhân, qua đó nhằm bảo vệ chủ quan tính cho con người cá nhân. Mỗi người đều có chủ quan tính của riêng mình và chẳng ai thoát được tha nhân. Tha nhân đeo bám con người như định mệnh truyền kiếp. Con người hiện sinh đa diện mạo mỗi người qua đi là một ngày hiện hữu cùng tha nhân, là một ngày phản kháng chống lại tha nhân. Con người hiện sinh không chỉ bị đe dọa bởi “kẻ khác”, mà còn bị đe dọa bởi chính mình, cụ thể hơn là bị đe dọa bởi nguy cơ tha hóa bản thân.

2.3. Quan niệm về tha hóa và tính chất hai mặt của chủ nghĩa hiện sinh vô thần.2.3.1. Quan niệm về tha hóa trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần. 2.3.1. Quan niệm về tha hóa trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần.

“Tha hóa” (vong thân) là một nội dung được đề cập nhiều trong chủ nghĩa hiện sinh. Sự chối bỏ, sự tự phủ định cá nhân, quá trình biến cá nhân đang hoạt động thành mặt đối lập của nó, thành kẻ bị – quăng – ném được phân tích khá kỹ trong hai nhánh: hiện sinh tôn giáo và hiện sinh vô thần. Song nếu những lý giải nguyên nhân tha hóa ở hiện sinh tôn giáo mang ý nghĩa của một sự cảnh báo đạo đức, để tìm kiếm sự cứu rỗi ở cõi tin; thì hiện sinh vô thần lại hướng cái nhìn vào thực trạng xã hội, nơi mà cá nhân bị “vo viên”, “cái tôi” bị “nuốt chửng”, cá tính độc đáo bị san phẳng.

Tha hóa, theo quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh vô thần, là tình trạng con người đánh mất mình trong những hoàn cảnh, trong quan hệ với tha nhân. Tha hóa là trạng thái tồn tại không đích thực của hiện sinh. Thế nên, từ chỗ khuếch trương chủ quan tính, đề cao phẩm giá độ đáo và tự do của con người mà các triết gia hiện sinh vô thần đã mổ xẻ tình trạng tha hóa của con người. Và tất nhiên, đó cũng là ngòi bút chủ quan, phi duy lý nhưng nhân bản.

Vì cuộc sống là tương lai và cạm bẫy nên con người nếm trải, chịu đựng luôn đặt mình trong trạng thái lưỡng giải nhị phân: tức là vừa muốn sống là mình, vừa buộc phải đối lập với mình. Con người như kẻ mộng du, nửa tỉnh nửa mơ, đi bên cạnh vực thẳm. Chỉ một bước sẩy chân, con người sẽ rớt xuống đáy vực cùng với cả bản tính độc đáo của mình. Điều này lý giải vì sao các nhà hiện sinh đôi khi đề cập đến “phóng thể” như sự đánh mất dần hiện hữu cá nhân trong hoạt động sống. Con người luôn có nguy cơ tha hóa. Con người độc đáo vì chỉ có con người mới hiện sinh chứ không phải Thượng đế, hòn đá, cái bàn hay con bò. Con người tồn tại như một nhân vị tự do.

Nhưng tha nhân lại là mối đe dọa san phẳng cá tính độc đáo của ta, cướp đi tự do sáng tạo và lựa chọn của ta. Nói cách khác, trong mối quan hệ với tha nhân, ta trở nên mờ nhạt, bị thay thế, bị chiếm chổ. Cá nhân có thể thay thế được cá nhân. Trong “Hữu thể và thời gian”, Heidegger đã chỉ ra sự tha hóa cá nhân trong mối quan hệ với tha nhân: “chúng ta thưởng thức và giải trí như “người ta” thưởng thức; chúng ta đọc, nhìn và phán đoán về văn chương, về nghệ thuật như “người ta” đọc, nhìn và phán đoán; chúng ta cũng lùi bước trước đám đông như “người ta” lùi bước; chúng ta nổi loạn như “người ta” nổi loạn, người ta không là kẻ nào xác định mà là tất cả, mặc dù không phải là tổng số quy định cách thế hữu của thường nhật tính”[6; tr194]. Tha nhân luôn gắn liền với ta trong từng hoạt động, tha nhân “bắt chước” ta từng ngày từng ngày. Cá nhân tự dưng trở nên vô nghĩa, cá nhân bị tước đoạt hết mà trong đó quan trọng nhất là “cái tôi”. Đó chính là lúc con người rơi vào thảm cảnh tha hóa, mở màn cho bi kịch. Tha hóa là khi con người hiện hữu dối lừa giữa tha nhân và đánh mất mình: “Tôi xây dựng ký ức bằng hiện tại. Tôi bị quẳng vào, bị bỏ mặc trong hiện tại. Còn quá khứ, tôi tìm cách bắt gặp mà không sao gặp được: tôi không thể thoát ra được nữa”[27; tr69]. Con người, từng thời khắc qua đi, đang dần tha hóa. Ngày hôm nay khác hôm qua. Con người không tìm thấy lại được mình nữa. Con người thậm chí còn không cảm nhận rõ về sự thay đổi: “Nhưng ở đâu? Là một sự đổi thay trừu tượng, không có một cơ sở nào hết. Liệu có phải chính tôi thay đổi? Nếu không phải là chính tôi, thì phải là căn buồng này, cái thành phố này, cảnh vật thiên nhiên này. Đành phải lựa chọn vậy”[27; tr15]. Không cảm nhận, không can hệ tới cuộc sống, con người tồn tại mà không tồn tại, bản tính độc đáo đang dần mất đi, dần biến chất: “ Niềm say mê của tôi tiêu tan. Nó từng làm tôi chìm đắm, nó lừa gạt tôi trong biết bao năm tháng; giờ đây, tôi cảm thấy mình trống rỗng”[27; tr17]. Và con người của hiện sinh vô thần hóa thành cái hoàn toàn đối lập với mình: từ độc đáo trở thành trung bình tính; từ dấn thân, nhập cuộc trở thành cô độc, thờ ơ. Như thế, con người trở nên xa lạ, thờ ơ với chính mình sau khi đã xa lạ và thờ ơ với cuộc sống, với tất cả. Sự phân thân, tha hóa đang nhào nặn con người, tô bôi nên một dị hợm, dối lừa đầy phản trắc.

Con người không muốn đóng vai trò của cái chốt nhỏ mà phải là cái chốt trong trục quay. Thế nhưng, sự thực cho thấy con người chỉ là một chi tiết vụn vặt, một ký hiệu trống rỗng. Con người chỉ còn là hư vô, sự tồn tại của con người trở nên không cần thiết. Con người xuất hiện tâm trạng chán chường khi “sự tồn tại ở khắp mọi nơi,

vô cùng vô tận, thừa thãi, thường trực và rộng khắp, sự tồn tại bao giờ cũng chỉ bị giới hạn bởi sự tồn tại”[27; tr249]. Cuộc sống chật chội, ngột ngạt với nhung nhúc những sự tồn tại. Ta chẳng là gì trong cuộc sống, ta chẳng là ai giữa mọi người. Điều ta có thể làm, kẻ khác cũng phải làm. Điều ta muốn, kẻ khác cũng muốn. Mọi thứ đơn điệu, rập khuôn, mất hết tính sinh động. Mọi thứ trong thực tại đều như thể tẩy xóa, nhấn chìm cá nhân. Con người trở nên “sống thừa”. “Chúng ta vốn là một “đống” những kẻ tồn tại trong bối rối, lúng túng về chính bản thân mình; người này cũng như kẻ khác, chúng ta không mảy may có lý do tồn tại; và mỗi một kẻ tồn tại, bối rối, lo lắng một cách mơ hồ, cảm thấy mình là người thừa đối với những người khác”[27; tr240]. “… và tôi … tôi cũng thừa nốt”[27; tr241]. Con người của hiện sinh vô thần như kẻ đi bên lề cuộc sống, không thấy mình đóng vai trò hay chiếm giữ vị trí nào cả. Con người tha hóa nhận biết được “tôi tồn tại – thế giới tồn tại – và tôi biết là thế giới tồn tại. Chỉ có thế thôi. Nhưng chẳng can hệ gì đến tôi. Thật kỳ lạ là tôi cảm thấy mọi thứ đều không can hệ gì tới mình như vậy: nó làm tôi kinh hoàng”[27; tr230].

Có thể nói, phân tích tâm trạng “sống thừa” như một sở trường của Sartre. “Buồn nôn”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên đưa tên tuổi Sartre thành một hiện tượng, là cánh cửa

Một phần của tài liệu Luận văn triết học vấn đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần (Trang 30)