Con người với tâm trạng lo âu, cô đơn giữa “tha nhân”

Một phần của tài liệu Luận văn triết học vấn đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần (Trang 25)

như một dự phóng.

“Chủ nghĩa hiện sinh là nỗ lực triết lý về những sự kiện đầy kịch tính diễn ra trên sân khấu không từ vị trí khán giả, từ phía người quan sát, mà từ góc độ của diễn viên – người nhập cuộc, trực tiếp tham gia vào những lớp diễn, đóng vai cho vở kịch cuộc sống” [18; tr94]. Do đó, tính chất chân thực của tồn tại cá nhân được chủ nghĩa hiện sinh khắc họa rõ nét.

Với hiện sinh hữu thần, chất tôn giáo luôn đậm đà trong tư tưởng của Kierkegaard, Jasper, Marcel. Con người của hiện sinh hữu thần cũng lo âu, cũng cô đơn nhưng đó là nỗi lo âu, cô đơn nhuộm màu sắc tôn giáo trong thời đại “đánh mất chúa”. Khi con người quay trở về với chúa, các nhà hiện sinh hữu thần cũng nhằm mang tôn giáo lại cho trường học.

Không giống vậy, các triết gia hiện sinh vô thần đã phân tích sắc nét từng góc cạnh đời sống, số phận mỗi cá nhân. Qua nhãn quan của nhà “vô thần”, bằng ngòi bút phanh phui mổ xẻ, tình cảnh của con người được đặt tên là lo âu, nếm trải, cô đơn trong một thế giới dửng dưng, người công giáo gọi thất vọng là một thái độ không đức tin còn hiện sinh nhánh vô thần bắt nguồn từ một thất vọng ban sơ, thất vọng của đời sống.

Con người cá nhân độc đáo, tự do. Nhưng thế giới này bủa vây xung quanh con người quá nhiều tai ương, cạm bẫy, bí ẩn không thể lường trước. Nên hiện hữu của con

người mong manh, dòn ải. Con người lo âu, run rẩy giữa mọi người và giữa xã hội. Nỗi sợ hãi nơi con người cũng đầy mơ hồ: “giá chỉ biết được mình sợ cái gì, thì cũng đã là tiến một bước dài rồi”[27; tr.11]. Những cảm giác thường trực (âu lo, nếm trải, cô đơn) đều xuất phát từ nguyên nhân: hiện hữu chênh vênh ở đời.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy ma quỷ, mỗi một khoảnh khắc của đời sống đều có một điều gì đó để nói với ta mà chúng ta chối từ nghe ngóng cái tiếng nói hư ảo đó. Trong cô đơn yên lặng, chúng ta sợ một tiếng thì thầm lọt vào tai ta, ta ghét cả sự im lặng và tìm giải khuây trong đời sống xã hội” [24; tr.80-81]. Nhưng con người “giải khuây ”bằng cách nào hay là “…chỉ thấy cần tiến vào đáy tuyệt vọng của mọi vật” [24; tr.73]? Có thể hiểu, logíc tuần tự của người họa sĩ “hiện sinh vô thần” khi phác thảo diên mạo thứ hai của con người là bắt đầu từ một phông nền thực tại nhiều tai ương, cạm bẫy; trên phông nền ấy, con người âu lo, nếm trải, cô đơn và rồi tuyệt vọng. Xã hội phương Tây trong và sau hai cuộc đại chiến tàn khốc bao trùm không khí đỗ vỡ, u ám. Con người sống trong thực tại ấy như ý thức hơn về thân phận mong manh, bọt bèo của chính mình. Thế nên con người nếm trải và chịu đựng, đầy ắp xao xuyến. Con người xao xuyến cả về cái chết, về tính hữu hạn của cuộc sống, tính dòn ải của thân phận. “Xao xuyến trước cái chết là xao xuyến trước khả hữu riêng tư nhất ” [7; tr.39]. Nhưng “xao xuyến trước cái chết không được phép lầm lẫn với một sợ hãi… Nó không phải là một cảm trạng hèn yếu”[7; tr.39]. Thuyết hiện sinh vô thần khẳng định rằng con người không hèn nhát trước cái chết. Ngược lại, con người chấp nhận nó và đón chờ nó như một định mệnh. Lo âu, xao xuyến về cái chết chính là khai lộ hiện sinh.

Sartre, qua trang văn viết về thân phận con người, đều lột tả trần trụi bộ mặt thực của xã hội Tây Âu đương thời. Sartre bộc bạch nỗi chán ngán: “Khi người ta sống, thì chẳng xảy ra gì hết. Cảnh trí thay đổi, người ta đi vào, đi ra, chỉ có thế thôi. Không bao giờ có sự bắt đầu. Hết ngày này lại đến ngày khác, một cách phi lý, không sao hiểu nổi; chỉ là một phép cộng vô tận và đơn điệu” [27; tr.80]. Và rồi “con người ta lại bắt đầu đếm giờ, đếm ngày. Thứ hai, thứ ba, thứ tư. Tháng tư, tháng năm, tháng sáu. 1924,1925,1926. Như thế, chính là sống” [27; tr.81]. Cuộc sống diễn ra theo một nhịp điệu tẻ nhạt đã định sẳn. Cuộc sống không bản sắc, kém linh hoạt và con người bị chìm ngỉm vào trong đó, bị nhấn chìm, bị ngộp thở. Diễn đạt theo cách khác, con người nếm trải và chịu đựng khi hiện hữu khi ở đời. Nhân vật Antoine Roquentin của

Sartre đã nếm trải, chịu đựng cái cảm giác “buồn nôn”: “Tôi lướt nhìn xung quanh với một ánh mắt lo lắng: chỉ có hiện tại, không có gì khác ngoài hiện tại… không quá khứ… Không có trong sự vật, trong tư tưởng tôi cũng không ” [27; tr.183]. Sự tồn tại của con người, theo các nhà hiện sinh vô thần, là một ngẫu nhiên phi lý, thế giới những sự lý giải và lý lẽ, không phải là thế giới của sự tồn tại. Vì tồn tại của con người như một phi lý nên con người lo âu, xao xuyến. Lo âu, xao xuyến như những chỉ dẫn hiện sinh đặc sắc. Sartre xem con người không những tự do mà con người còn là sự lo âu. Trong lo âu, con người tỏ rõ hiện sinh, không lo âu xao xuyến không phải là con người. Nếu thử đặt con người hiện sinh vào một khung tranh thì sẽ phải kèm theo lời đề từ “lo âu”. Trong bức tranh ấy, con người đang chèo chống giữa một đại dương không có la bàn định hướng, không phao cứu sinh. Heidegger gọi thân phận con người như một sự “ruồng bỏ”. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần cất lên tiếng nói đồng cảm, hiểu thấu mỗi số phận cá nhân. Là một hành khách không lấy vé trên con tàu hư vô, dường như con người tồn tại đã thấy cô đơn, cô đơn nên thất vọng. Thậm chí cô đơn được đẩy lên thành cô độc. Khi đó, chỉ có thể giải thích, cô đơn là một trạng thái còn cô độc là một giá trị - giá trị hiện sinh đối với con người. “Người ta không thể giới hạn được nỗi cô đơn” [27; tr.22].

Phải thừa nhận, Sartre là một nhà hiện sinh vô thần có biệt tài sử dụng văn học làm phương tiện chuyển tải những tư tưởng triết học. Những sáng tác của Sartre như: “Buồn nôn”, “Ruồi”, “Kín cửa”, “Những bàn tay bẩn”... quá đủ để tái thiết bối cảnh xã hội nước Pháp nói riêng và các nước Tây Âu nói chung vào những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Những sáng tác ấy ngân lên âm thanh giao cảm, đồng điệu với thân phận con người. Một bộ phận không nhỏ người dân nước Pháp như thấy mình được sẻ chia, như thấy mình được nâng niu trân trọng. Nỗi cô đơn, sự lo âu, những nếm trải, chịu đựng của con người hiển hiện trên trang văn của các nhà triết học hiện sinh vô thần. Sartre gom góp, góp nhặt một chút cô đơn, một chút âu lo, một chút sa ngã, một chút trơ lỳ… để xây dựng nên những Roquentin – hình ảnh con người hiện sinh: chân thật và bơ vơ, lạc loài và cô độc giữa tha nhân, giữa xã hội.

Ngoài hai diện mạo trên, con người hiện sinh còn có một diện mạo khác có vẻ ít bi thiết hơn cả – con người như một dự phóng. Vì cuộc sống của con người là cám dỗ, chán chường; cũng vì con người cô đơn trong thế giới dửng dưng, lãnh đạm, tẻ nhạt nên con người cần phải biết khát vọng, vượt lên. Có thể nói, so với nhánh hiện sinh tôn

giáo, thì nhánh hiện sinh vô thần đã khắc họa đậm nét hình ảnh cá nhân với tư cách là một dự phóng: “Con người trước hết là một dự phóng sống hoàn toàn theo chủ quan … con người trước hết sẽ là con người dự định sẽ là…”[29; tr.20]. Như vậy, con người có khả năng kiến thiết mình trong tương lai, tự tạo nên chính mình theo những sự định: “Con người sẽ không là gì khác ngoài một chuỗi những dự định, rằng con người là một tổng số là một tổ hợp, một toàn thể những mối dây liên lạc xây đắp nên những dự định”[29; tr.35]. Con người thể hiện mình như một dự phóng thông qua những hành động của bản thân, thông qua những chọn lựa chủ quan. Nói cách khác, không chỉ “định nghĩa” con người là tự do, độc đáo, là cô đơn, âu lo, nếm trải, triết hiện sinh vô thần còn định nghĩa con người bằng hành động của con người. Cụ thể hơn, đó là hành động dấn thân, nhập cuộc, dám liều, có trách nhiệm.

Nietzsche – ông tổ hiện sinh vô thần – trong khi rao giảng về cái chết của Thượng đế, đã khuyến khích con người sống là chính mình. Nhà tiên tri Zarathustra của Nietzsche cũng tự nhận hành động “hạ san” của mình là để hiến cho nhân loại một tặng phẩm. Đó là hành động nhập cuộc có mục đích. Càng về sau, trong các triết gia hiện sinh tiêu biểu của thế kỷ XX, tính chất dấn thân, nhập cuộc càng được đề cao. Trong không khí ngạt thở của châu Âu qua hai cuộc đại chiến, con người muốn phá bĩnh với nghịch cảnh, muốn nổi loạn với tất cả. Sống một cách mãnh liệt, chường mặt ra trước thế giới bên ngoài, đương đầu với mọi thử thách.

Vì con người là tự do: tự do sáng tạo, tự do lựa chọn nên con người phải có trách nhiệm đối với những lựa chọn của bản thân. Nhưng khi con người chọn lựa trong tiến trình “làm thành” chính mình, họ không chỉ chọn lựa cho riêng họ mà còn cho mọi người. Vì thế, con người có trách nhiệm không chỉ về cá nhân mình mà còn về tất cả mọi người. Chủ nghĩa hiện sinh đã đề cập đến một hình mẫu con người có trách nhiệm với đồng loại. Sartre nhân danh nhánh hiện sinh vô thần: “khi chúng tôi nói rằng con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về mình, chúng tôi không có ý nói rằng con người chỉ chịu trách nhiệm riêng về cá thể tính của mình, nhưng trái lại còn có trách nhiệm với mọi người nữa”[29; tr.20]. Mạnh dạn hơn, Sartre khẳng định: hành động có trách nhiệm của cá nhân, sự dấn thân, nhập cuộc của cá nhân. Còn điều gì có thể ưu ái con người hơn thế, trân trọng con người hơn thế! Sartre đã trân trọng con người cá nhân trên tương quan so sánh với toàn thể nhân loại.

Đối với chủ nghĩa hiện sinh, con người mang đa diện mạo. Giữa những diện mạo luôn có mối liên quan, sự đan xen, trộn lẫn. Con người là độc đáo, tự do nhưng con người thường trực một cảm giác cô đơn giữa thế giới dửng dưng, cảm giác lo âu về nguy cơ san phẳng cá tính luôn rình rập. Từ cô đơn, lo âu nên con người buộc phải hành động như một “dự phóng”, phải dấn thân nhằm chạy trốn sự cô đơn. Cô đơn như người bạn đồng hành của mỗi cá nhân, dù cá nhân có nhập cuộc hay dấn thân. Và cũng vì con người có quyền tự do lựa chọn nên mỗi lần dấn thân, mỗi lần nhập cuộc là mỗi lần con người “dám là mình”. Mỗi khi tôi tự quyết định về tôi trong bất cứ hành động nào, tôi đều đã hoàn thiện một bước nhân vị của tôi. Mỗi sự việc lựa chọn là một sự thăng hoa làm cho ý muốn trở thành cao đẹp.

Đọc “Những con đường của tự do” một tác phẩm tiêu biểu đắc sắc của Sartre, ta thấy nổi lên hình tượng Mathieu – một cá nhân đầy trách nhiệm với đồng loại, dám đương đầu với khó khăn chết chóc. Tác phẩm “Những con đường tự do” lấy bối cảnh thời gian nước Pháp bại trận vào mùa hè 1940. Mathieu là tiêu biểu cho những con người của thế hệ “lạc lõng”. Mathieu vào quân đội khi chiến tranh xảy ra. Sống với đồng đội, anh vẫn cảm thấy xa cách họ. Hành động gia nhập quân ngũ của Mathieu chưa phải là nhập cuộc. Vì Mathieu vẫn xa lạ với mọi người, xa lạ với cả cuộc chiến. Bản thân Mathieu là một người cô độc, lạc loài trong cuộc chiến ấy. Thế nhưng, kết thúc câu chuyện, cuối “con đường của tự do” Sartre đã biến Mathieu thành một nhân vật anh hùng, dẫu anh hùng trong vô vọng. Trong cuộc giao tranh cuối cùng, có những người lính nấp vào hầm rượu để tránh đạn của pháo binh Đức. Nhưng Mathieu đã chọn lên một tháp chuông để tiếp tục chiến đấu. Mathieu hiểu rằng một số người xạ thủ Pháp (trong đó có anh) tối đa là chỉ có thể làm cho cuộc tiến quân của Đức chậm đi mấy phút. Mathieu cũng hiểu là mình sẽ khó tránh khỏi cái chết. Nhưng Mathieu vẫn chọn lựa đương đầu cùng thử thách, chết chóc, đơn giản vì “ngồi trong hầm trong khi người khác chiến đấu thì thật hổ thẹn”[31; tr.297]. Ý thức trách nhiệm với đồng loại đã thôi thúc nhân vật của Sartre dám liều, nhập cuộc thực sự. Dù hành động của Mathieu sẽ chẳng thể thay đổi thất bại được dự báo trước, dù chỉ dẫn đến hư vô nhưng hành động ấy làm thỏa mãn cái tôi khao khát nhập cuộc, cái tôi muốn có trách nhiệm.

Như vậy, có thể thấy chủ nghĩa hiện sinh là triết học về con người, cụ thể hơn là con người cá nhân độc đáo mà cô đơn, nếm trải nhưng dám liều, âu lo nhưng nhập cuộc. Tưởng như khó có thể nắm bắt được cái hình ảnh toàn vẹn về con người trong

chủ nghĩa hiện sinh vô thần. Nếu đặt con người hiện sinh trong một bức tranh thì đó sẽ là một bức tranh đa màu sắc, đa gam phối. Hình ảnh con người ấy mang dáng dấp thời đại nó sinh ra, mang hơi thở cuộc sống mà nó đã trải nghiệm. Con người của hiện sinh vô thần khoác lên mình bộ áo độc đáo nhưng vẫn cô đơn, vẫn lạnh lẽo giữa một thế giới dửng dưng. Và rồi con người dấn thân vào một cuộc trường chinh đầy cạm bẫy, dấn thân cùng tha nhân.

Một phần của tài liệu Luận văn triết học vấn đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần (Trang 25)