THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN HOÀNG PHI – DU LỊCH VĂN HÓA
2.3.2. Chính sách giá
Hiện nay, các công ty lữ hành quốc tế Hà nội sử dụng phương pháp tính giá theo chi phí. Một thực trạng bất hợp lý là giá trọn gói tour du lịch của các công ty lữ hành không thấp hơn so với giá đơn lẻ của từng dịch vụ mà đôi khi còn cao hơn. Các công ty lữ hành nhỏ cạnh tranh không lành mạnh với nhau bằng giá bán. Và đi kèm với mức giá giảm thấp là các dịch vụ chất lượng kém hoặc trốn thuế. Các hãng lữ hành nhỏ (chủ yếu tập trung tại phố cổ) với đối tượng khách chủ yếu là khách du lịch balô, khả năng chi trả không cao, đi lẻ, ghép đoàn nên giá tour thường không rõ ràng. Các công ty lữ hành lớn thường áp dụng chính sách giá dẫn đầu thị trường. Họ định mức giá cao hơn so với thị trường nhưng bù lại họ đảm bảo chất lượng các dịch vụ trong tour. Vì đối tượng khách của họ thường là những đoàn khách lớn có khả năng chi trả cao.
2.3.3. Chính sách phân phối
Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Hà nội phần lớn tồn tại 3 loại kênh phân phối ngắn. Trong đó các doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn thường sử dụng kênh phân phối 2 (thông qua các hãng lữ hành gửi khách của nước ngoài) thì các doanh nghiệp nhỏ lại sử dụng chủ yếu kênh phân phối 1 (trực tiếp với khách du lịch thông qua mạng Internet). Khách hàng của kênh phân phối 2 thường đi với số lượng đông trong một đoàn khách và khả năng thanh toán cao. Còn đối tượng khách của kênh phân phối 1 thông thường là những khách đi lẻ có khả năng thanh toán không cao. Các doanh nghiệp lữ hành lớn có được nguồn khách tương đối ổn định thông qua các hãng lữ hành đối tác ở các thị trường trọng điểm như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị phía đối tác ép giá tour xuống thấp khi ký kết hợp đồng mua tour nhưng lại bán lại cho du khách ở nước họ với giá cao. Kênh phân phối thông qua các đại lý lữ hành chưa có những chính sách quản lý tốt đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các công ty.