Thị trường giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng tồn tại không ít yếu kém, chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới. Với việc là thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam sẽ hội nhập một cách toàn diện và ngày càng sâu, rộng vào các quy trình phát triển của thế giới, Sự phát triển giáo dục đại học phải khắc phục được những yếu kém bất cập, thay đổi tư duy, xoá bỏ những suy nghĩ, thói quen xấu.
Thứ nhất, cần đa dạng hoá thị trường giáo dục đại học Việt Nam. Theo
đó, chính sách phát triển thị trường giáo dục đại học cần hướng đến đào tạo con người toàn diện về trí tuệ, năng lực ý chí, đạo đức, hoàn thiện về kỹ năng và khả năng thích nghi nhanh chóng với những thay đổi trong môi trường làm việc không ngừng biến đổi. Chính sách phát triển thị trường giáo dục đại học phải đặt trọng tâm vào việc tăng cường đào tạo kỹ năng về công nghệ, nâng cao hiểu biết, kỹ năng tư duy phê phán, phân tích vấn đề logic và đưa ra giải pháp và quyết định một cách chuẩn xác. Sinh viên Việt Nam cần tiếp cận nhiều nền văn hoá khác nhau để có khả năng hoà nhập tốt. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, cải thiện cơ sở vật chất, phát triển hệ thống dịch vụ công trong giáo dục đại học. Cần tạo ra những đột phá trong việc phát triển thị trường giáo dục đại học, đem đến những chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước ta hiện nay.
Thứ hai, chuyển hệ thống giáo dục đại học từ diện hẹp sang đào tạo theo diện rộng. Điều này là điều hết sức quan trọng đối với thị trường giáo
dục đại học hiện nay khi đang đứng trước những thách thức trong việc hoà nhập nền kinh tế. Thị trường giáo dục đại học Việt Nam cần khắc phục tình trạng mất cân đối về phát triển giáo dục đại học giữa các vùng miền, sự bất
hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo, thúc đẩy năng lực tự tạo việc làm. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là điều tối quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng tránh trường hợp "chảy máu chất xám". Việc chuyển từ đào tạo diện hẹp sang diện rộng không có nghĩa là đào tạo dàn trải kém chất lượng mà cần thực hiện một cách nghiêm túc có quy củ và giám sát, đúc rút kinh nghiệm và thay đổi hợp lý để tạo nên một thị trường giáo dục đại học bền vững. Thị trường giáo dục đại học cần bước những bước vững chắc để đạt quy mô giáo dục đại học đại chúng được chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, quốc tế hoá, theo từng loại hình và đảm bảo chất lượng để làm nòng cốt cho một xã hội bền vững.
Thứ ba, chuyển phương thức quản lý giáo dục đại học từ tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Điều này cũng là một
trong những khó khăn đối với thị trường giáo dục đại học Việt Nam khi đứng trước một cuộc cải cách lớn, phá bỏ những thói quen cũ, đón nhận những luồng gió mới trong lành. Việc chuyển đổi giáo dục đại học sang cơ chế thị trường sẽ là một bước ngoặt lớn đối với thị trường giáo dục đại học. Cơ chế thị trường luôn là một cơ chế mở mang tính cạnh tranh rất cao. Chúng ta đều biết ở đâu có cạnh tranh thì ở đó có phát triển. Chính vì thế việc chuyển đổi này là điều hết sức cần thiết và hợp lý với Việt Nam hiện nay.
Thứ tư, chuyển thị trường giáo dục đại học từ đơn thành phần sở hữu sang đa thành phần sở hữu. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới thị
trường giáo dục đại học Việt Nam cần chủ động hướng tới các cải cách tương tự các nước trên thế giới. Hướng đi chung hiện nay của các nước trên thế giới là hệ thống giáo dục đại học pha trộn hài hoà giữa công lập và tư thục. Hệ thống giáo dục đại học pha trộn hài hoà sẽ cho phép linh hoạt và đa dạng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục đại học nhờ việc nhấn mạnh tầm quan trọng của cá nhân…Việc chấp nhận hệ thống giáo dục đại học đa thành phần sở cũng cũng chính là giải pháp tối ưu hỗ trợ quá trình đưa các lực lượng thị trường tham gia vận hành thị trường giáo dục đại học.
Thứ năm, thúc đẩy tăng trưởng về quy mô, số lượng sản phẩm giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội. Gia nhập WTO đã
hướng cho thị trường giáo dục đại học Việt Nam một con đường mới, thổi một luồng gió mới vào một thị trường đang khát khao đổi thay. Đổi mới, tăng trưởng về quy mô, về số lượng là điều cần thiết khi thực trạng Việt Nam có rất nhiều người chỉ được học hết cấp 3 hoặc họ không thấy được sự cần thiết của việc giáo dục đại học. Thị trường giáo dục đại học Việt Nam hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập, trước tiên để thúc đẩy được sự phát triển này ta cần rà soát lại tình hình thực tế về các trường đại học ảo và không thể đáp ứng nhu cầu giáo dục, loại bỏ những vết đen trên một trang giấy trắng trước khi đặt những nét bút đầu tiên. Việc phát triển về quy mô và số lượng cần có sự chuẩn bị trước, có kế hoạch, và giám sát thực hiện một cách chặt chẽ.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục đại học. Cơ cấu lại
hệ thống giáo dục đại học quốc dân và hệ thống các trường đại học trên toàn quốc đồng thời hoàn thiện cơ cấu trình độ theo hướng tăng tỷ trọng sinh viên, học viên Cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Trước tiên về cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học quốc dân thì như điều thứ năm đã nhắc tới đó là thanh lọc hệ thống các trường đại học trong thị trường giáo dục đại học đồng thời tạo điều kiện mở rộng khu vực giáo dục đại học tư thục nhằm khai thác triệt để các nguồn nhân lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục đại học. Đảm bảo sự đang dạng về mục tiêu và hình thức đào tạo, chuẩn hoá với từng loại hình, khuyến khích phát triển đa ngành đa cấp. Đảm bảo chất lượng thông qua hệ thống kiểm soát toàn diện. Sau đó là mở rộng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu sau đại học. Mời gọi các tiến sỹ sau khi tốt nghiệp từ nước ngoài về tham gia xây dựng thị trường giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ khó khăn này. Ngoài ra, cần có sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề, phát triển cơ cấu nhiều thành phần trong thị trường giáo dục đại học đồng thời hoàn thiện cơ cấu vùng miền theo hướng ở thành thành thị, ưu tiên thành lập các cơ sở mới có đủ tiềm lực, khuyến khích thành lập các trường đào tạo những lĩnh
vực như công nghệ, phát triển dịch vụ. Đảm bảo sự hợp lý cơ cấu trình độ giữa tiến sỹ, thạc sỹ, Đại học, cao đẳng,…