Công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chỉ số tác động môi trường của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè tại Thành phố Thái Nguyên (Trang 25)

3. Ý nghĩa của đề tài

1.4.2.Công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam

Giai đoạn trước năm 1957, biện pháp hoá học hầu như không có vị trí trong sản xuất nông nghiệp. Tháng 1 năm 1956 thành lập tổ hoá bảo vệ thực vật của Viện Khảo cứu trồng trọt đã đánh dấu sự ra đời của ngành Hoá BVTV ở Việt Nam [16]. Năm 1961 Cục Bảo vệ thực vật được thành lập, là một cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN & PTNN . Thuốc BVTV được dùng lần đầu trong sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc tại Hưng Yên (vụ đông xuân 1956-1957), miền Nam thuốc BVTV được sử dụng từ năm [29].

Giai đoạn từ 1957-1975, thời kỳ bao cấp việc nhập khẩu quản lý và phân phối thuốc BVTV hoàn toàn do nhà nước thực hiện. Lượng thuốc BVTV dùng không nhiều với hơn 20 chủng loại chủ yếu là thuốc trừ sâu và thuốc trừ bệnh [27].

Thời kỳ 1976-1980 mỗi năm cả nước sử dụng 1.600 tấn thuốc BVTV. Thời kỳ 1986-1990 trung bình mỗi năm sử dụng 1.400 tấn thuốc BVTV, trong đó 55 % là lân hữu cơ, 13 % là clo hữu cơ, 12 % là thuốc carbamat còn lại là thuốc thuỷ ngân, asen. Đa phần là các hoá chất tồn lưu lâu trong môi trường hay có độ độc cao [26].

Giai đoạn từ 1990 đến nay, kể từ khi có chính sách đổi mới năm 1986, thị trường thuốc BVTV đã thay đổi cơ bản. Nền kinh tế thị trường nguồn hàng phong phú, nhiều chủng loại được cung ứng kịp thời, nông dân có điều kiện lựa chọn thuốc BVTV, giá cả khá ổn định có lợi cho nông dân [27]. Lượng thuốc sử dụng trong

nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng. Trong đó phần lớn là hoá chất trừ sâu và còn lại là trừ cỏ, trừ bệnh, nhóm phosphore hữu cơ chiếm khoảng 56 %, phổ biến nhất là Wolfatox và Monitor. Đó là những loại thuốc độc hại cho môi trường và con người. Giai đoạn gần đây cơ cấu tỉ lệ các loại thuốc BVTV đã được thay đổi đáng kể, nhiều loại hoá chất mới hiệu quả hơn, an toàn hơn với môi trường được nhập khẩu và sử dụng. Năm 1991 hoá chất trừ sâu chiếm 83,3 %, hoá chất trừ nấm 9,5 %, hoá chất diệt cỏ 4,1 %, những loại khác 3,1 % [17]. Đến năm 2008 tỉ lệ là hoá chất trừ sâu chiếm 37,9%, hoá chất trừ nấm 21,12 %, hoá chất diệt cỏ 13,77 %, hoá chất diệt côn trùng 23,46 % và những loại khác 3,75 %. Lượng thuốc BVTV tiêu thụ qua các năm tăng dần, kim ngạch nhập khẩu thuốc BVTV tăng mạnh [29]. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu năm 2007 là 382.830.015 USD tăng 25,4 % so với cùng kỳ năm 2006, năm 2008 là 473.760.692 USD tăng 23,8 % so với cùng kỳ năm 2007. Nguồn thuốc BVTV được nhập khẩu về trong năm 2008 chủ yếu từ: Trung Quốc (200.262.568 USD), Singapore (91.116.287 USD), Ấn Độ(42.219.807 USD), kế tiếp là Nhật Bản (19.412.585 USD). Hiện nay số lượng và chủng loại thuốc BVTV sử dụng ở nước ta tương đối cao so với khu vực [27]. Năm 2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép 886 hoạt chất và 2537 thương phẩm được phép sử dụng tại Việt Nam [3].

Việc lưu thông phân phối thuốc BVTV là vấn đề đáng lo ngại nhất. Hiện nay, cả nước có 93 nhà máy, cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV và 28.750 đại lý, cửa hàng kinh doanh buôn bán thuốc BVTV.

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV (2007 - 2010) cho thấy: Số cơ sở, cửa hàng, đại lý được thanh tra, kiểm tra phát hiện có vi phạm chiếm khoảng 14 – 16 % (tổng số đơn vị thanh kiểm tra trung bình 14.000 lượt/năm), trong đó: Buôn bán thuốc cấm: 0,19 – 0,013 %; Buôn bán thuốc ngoài danh mục: 0,85 - 0,72% ; Buôn bán thuốc giả: 0,04 -0,2%; vi phạm về ghi nhãn hàng hóa: 3,12 - 2,44 % và vi phạm về điều kiện buôn bán: 14,4 - 16,46%. Lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc BVTV tại các cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói và lưu thông hàng năm cho thấy tỷ lệ mẫu không đạt chất lượng là 3 - 10,2% số mẫu kiểm tra.

Thực trạng sử dụng thuốc BVTV, theo số liệu kiểm tra từ năm 2007 - 2009, tỷ lệ số hộ vi phạm: 35 -17,8 %, trong đó: không đảm bảo thời gian cách ly: 2,0 – 8,43%; không đúng nồng độ và liều lượng: 10,24 - 14,34 %; sử dụng thuốc cấm: 0,19 – 0,0 % ; thuốc ngoài danh mục: 2,17 - 0,52 % (Vương Trường Giang và cs, 2011) [18].

Việc sử dụng thuốc BVTV đã tăng quá nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu Cục BVTV trong giai đoạn 1981 - 1986, số lượng thuốc sử dụng là 6.500 đến 9.000 tấn, tăng 20 đến 30 nghìn tấn giai đoạn 1991 - 2000 và từ 36 đến 75,8 nghìn tấn giai đoạn 2001 - 2007. Trong vòng 10 năm (2000 - 2011) số lượng thuốc BVTV được sử dụng tăng 2,5 lần; số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng 4,5 lần và giá trị thuốc nhập khẩu tăng 3,5 lần. Số lượng hoạt chất đăng ký sử dụng ở Việt Nam gần 1.000 loại, còn các nước trong khu vực là 400 đến 600 loại [42].

Ở Việt Nam hệ thống văn bản pháp quy về quản lý thuốc BVTV tương đối đầy đủ. Pháp lệnh về Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố vào tháng 08/2001 [5]. Kèm theo là hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các Pháp lệnh này như: Các nghị định 58/2002/NĐ-CP về điều lệ bảo vệ thực vật [7], nghị định 26/2003/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Chính phủ [8].

Các thông tư của Bộ NN & PTNN, Bộ Y tế… Về quản lý và sử dụng thuốc BVTV [6], về quản lý nhà nước mặc dù đã có rất nhiều văn bản quy định việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc BVTV tuy nhiên thực tế công tác quản lý còn rất nhiều bất cập [4]. Qua công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan chức năng còn phát hiện việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV giả, thuốc BVTV kém chất lượng, thuốc BVTV quá hạn sử dụng. Tình trạng thông tin, quảng cáo, ghi nhãn thuốc BVTV sai quy định vẫn tồn tại. Việc tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV, bảo hộ an toàn lao động của nông dân khi phun rải thuốc BVTV còn nhiều bất cập, cần có sự can thiệp của chính quyền và những nghiên cứu của các nhà chuyên môn.

Để tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV từ đăng ký, nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng, ngày 3-6-2009, Bộ NN-PTNT vừa ra Chỉ thị số 1504/CT-

BNN-BVTV, về việc tăng cường quản lý đăng ký, nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Đặc biệt là thuốc BVTV theo đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV triển khai thực hiện. Cụ thể là, đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện và các cơ quan chức năng ở địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý thuốc BVTV đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, gia công sang chai đóng gói và các cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV, các hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV. Đối với các trường hợp buôn bán thuốc BVTV không bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định (buôn bán lậu) phải đình chỉ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: Sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cấm, ngoài danh mục, giả với khối lượng lớn cần chuyển sang cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ và xử lý hình sự và truy tố trước pháp luật. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền cho nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, các quy trình sản xuất an toàn, các quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định quản lý thuốc BVTV. Giao trách nhiệm UBND cấp xã, phường quản lý chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn. UBND các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu như: Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, phối hợp với các lực lượng thanh tra chuyên ngành Bảo vệ thực vật, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý các loại thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV giả nhập lậu qua biên giới. Bảo đảm cấp đầy đủ kinh phí để thực hiện công tác.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phải bảo đảm chất lượng các loại thuốc BVTV nhập khẩu, sản xuất, gia công sang chai, đóng gói và lưu thông. Thực hiện các quy định về công bố chất lượng, ghi nhãn hàng hóa thuốc BVTV đúng quy định. Có phương thức quản lý, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trong hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa do Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Riêng Cục Bảo vệ thực vật, cần tổ chức thực hiện nghiêm việc đăng ký thuốc BVTV theo đúng Quy định về quản lý thuốc BVTV ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 2-10-2006 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng các loại thuốc và nguyên liệu thuốc BVTV nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với các lô thuốc, nguyên liệu thuốc BVTV nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở NN-PTNT, các cơ quan chuyên ngành BVTV tại các tỉnh, thành phố triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra về quản lý thuốc BVTV. Chỉ đạo hệ thống chuyên ngành BVTV hướng dẫn, tập huấn nông dân về quy trình sản xuất nông sản an toàn, sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, vệ sinh-an toàn lao động.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT còn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung trên và báo cáo thường xuyên về Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan thuộc bộ để có biện pháp xử lý kịp thời những vướng mắc nảy sinh.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chỉ số tác động môi trường của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè tại Thành phố Thái Nguyên (Trang 25)