Trong lịch sử, nền dân chủ nào cũng bộc lộ và thể hiện qua chế độ nhà nước, song không phải chế độ nhà nước nào cũng là chế độ dân chủ. Cũng không phải một nhà nước ở một giai đoạn, thời kỳ nào đó là dân chủ tiến bộ, đáp ứng những yêu cầu nhất định về dân chủ của xã hội thì nó mãi mãi là một nhà nước dân chủ. Nó có thể bị thoái hoá, biến dạng – đó là sự tha hoá quyền lực Nhà nước. Xã hội chủ nghĩa và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng không thoát khỏi trường hợp này trong thực tế trên tiến trình phát triển. Vì vậy, việc thực thi dân chủ bao giờ cũng đi liền với quá trình làm trong sạch bộ máy nhà nước, với cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hiện tượng mới mẻ của lịch sử đang trong quá trình sinh thành. Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng đang trong quá trình xây dựng và đổi mới. Đối với Việt Nam xây dựng nhà nước dân chủ - pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân,
do dân, vì dân, thực hiện đúng chế độ uỷ quyền của dân, phát huy được dân chủ của dân từ cơ sở đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong đổi mới chính trị và hệ thống chính trị.
Nói tới dân chủ thực chất là giải quyết mối quan hệ quyền, lợi ích với nghĩa vụ, trách nhiệm. Đó chính là quan hệ giữa chủ thể quyền lực (nhân dân) với chủ thể đại diện, thực hiện sự uỷ quyền (Nhà nước). Để đảm bảo cho những quan hệ đó thật sự dân chủ phải có vai trò của pháp luật… Pháp luật không ở bên ngoài dân chủ. Pháp luật cấu thành nội dung của dân chủ. Không có pháp luật thì không thành dân chủ, không thể có sự đảm bảo dân chủ trong thực tế. Pháp luật phải được xây dựng và thực hiện phù hợp với chuẩn mực dân chủ, là nền pháp luật công khai, tiến bộ nhằm thực hiện và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.
Pháp luật có vai trò, tác dụng to lớn. Nó là hạt nhân của dân chủ và cơ chế dân chủ, là giới hạn hành lang vận động của dân chủ, là nhân tố đảm bảo cho dân chủ vận động trong quỹ đạo đúng đắn, lành mạnh, không chệch hướng thành phản dân chủ. Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật là nguyên tắc dân chủ không có ngoại lệ. Hành động hợp dân chủ là hành động đúng luật, không vượt quá giới hạn pháp luật cho phép. Càng mở rộng, phát huy dân chủ, công khai càng phải tăng cường và tôn trọng pháp luật, bảo đảm cho xã hội cũng như mỗi cá nhân tồn tại trong trật tự và (để) phát triển. Thực hành dân chủ phải tăng cường giáo dục ý thức pháp luật, tôn trọng pháp luật, làm cho pháp luật đi vào cuộc sống chi phối mọi hành vi của con người. Ở nước ta, giáo dục văn hoá pháp luật và thực hành dân chủ trong toàn xã hội, trước hết đối với nông dân và cuộc sống ở nông thôn là cả một quá trình công phu, lâu dài.
Từ mối quan hệ nội tại giữa dân chủ và pháp luật đi tới khẳng định: Cuộc vận động dân chủ hoá đòi hỏi dân chủ hoá đồng thời là pháp chế hoá
xã hội. Có như vậy, dân chủ mới từng bước được thực hiện, những vi phạm dân chủ phải bị phê phán, trừng trị theo pháp luật, những phản dân chủ phải được phòng ngừa và khắc phục.
Dân chủ và pháp luật đều phải hướng tới phục vụ con người và phát triển xã hội. Muốn dân chủ đích thực được thực hiện, dân chủ phải gắn với bình đẳng và công bằng xã hội, công bằng về vị thế xã hội của người làm chủ và công bằng về cơ hội phát triển. Dân chủ cá nhân phải phù hợp với dân chủ xã hội phải hướng tới dân chủ, phát triển nhân cách của từng con người.
Hiệu quả của việc phát huy quyền dân chủ phụ thuộc vào trình độ của nhân dân. Cần gắn việc mở rộng dân chủ với nâng cao đời sống và nâng cao nhận thức của nhân dân. Đó vừa là điều kiện, phương tiện, vừa là mục tiêu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đổi mới. Chỉ với một trình độ, dân trí phát triển đến một mức độ nhất định thì người dân mới tự phân biệt được cái đúng, cái sai, mới phát huy được dân chủ tốt nhất.
Cần tập trung và triển khai mạnh mẽ việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung mở các trường dạy nghề cho lao động ở thành thị, còn ở nông thôn chưa có chủ trương và tổ chức thống nhất cho việc đào tạo này mà chỉ có một số hoạt động khuyến suông, chưa đáp ứng được yêu cầu của hàng chục triệu con người. Xây dựng các trung tâm dạy nghề cho nông thôn là cần thiết, vì nông dân không có nhiều ngành nghề thì không thể thoát khỏi tình trạng tự túc, tự cấp.
Đối với cán bộ cấp xã, phải có chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với trình độ và nhu cầu thực tế ở nông thôn hiện nay.
Đối với học sinh nông thôn, những em nào học giỏi hoặc có năng khiếu thì Nhà nước cần có ngân sách riêng đài thọ để các em có điều kiện ăn học, nhất là con em chế độ chính sách, những hộ thuộc diện đói nghèo. Tránh tình trạng thanh thiếu niên nông thôn có năng lực nổi trội mà phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình.
Rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách hỗ trợ học sinh nghèo học nghề, học đại học; chính sách xóa mù đối với vùng sâu vùng xa.
KẾT LUẬN
Dân chủ là một vấn đề rộng lớn, rất phức tạp mang tính lịch sử, tính giai cấp, tính dân tộc, tính xã hội và thời đại. Chế độ dân chủ gắn liền với thể chế nhà nước, với bộ máy cầm quyền. Lịch sử phân loại là một hành trình đấu tranh, vươn lên không ngừng để thực hiện sự nghiệp giải phóng làm cho con người xứng đáng là người. Hành trình đó, cũng chính là hành chính dân chủ hoá để dân chủ của người dân lao động trở thành hiện thực đòi hỏi phải vượt qua nhiều thử thách cam go trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như của chính bản thân mỗi con người. Thực hiện dân chủ đã đạt được một số thành tựu, song cái đích mà con người mong muốn vẫn còn ở phía trước.
Đối với Việt Nam từ khi có Đảng, vấn đề phát huy và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động luôn được coi trọng. Quá trình thực hiện quyền làm chủ của nhân dân không tránh khỏi những khiếm khuyết. Từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, với bản chất cách mạng Đảng ta đã khới xương sự nghiệp đổi mới đất nước. Sự nghiệp đối mới cũng chính là quá trình khơi dậy những tiềm năng to lớn của đất nước, của toàn xã hội trên cơ sở phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân lao động ngày càng tốt hơn.
Trong quá trình thực hiện dân chủ, nhà nước giữ vai trò to lớn có tính chất quyết định. Bản chất nền dân chủ và phát triển nâng cao dân chủ phụ thuộc vào bản chất và trình độ năng lực tổ chức, quản lý đất nước, quản lý xã hội của bộ máy nhà nước. Nền dân chủ của nước ta đang thực thi, xây dựng từng bước hoàn thiện là nền dân chủ XHCN – Một nền dân chủ mới của nhân dân lao động – dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản càng đòi hỏi vai trò và năng lực của nhà nước cao hơn gấp bội.
Luận văn đã cố gắng hệ thống những vấn đề lý luận cốt yếu nhằm nhận thức sâu rõ hơn vấn đề dân chủ, quan hệ gắn bó giữa dân chủ với nhà nước và vai trò của nhà nước trong thực thi dân chủ; xem xét thành tựu và những mặt tồn tại – cố gắng lý giải nguyên nhân trong quá trình thực hiện
đổi mới gắn với vai trò của nhà nước Việt Nam, với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên cơ sở đó tìm kiếm những giải pháp cơ bản để nâng cao vai trò nhà nước trong thực hiện dân chủ ở nước ta hiện nay nhằm đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hóa, chấn hưng đất nước. Luận văn đã nêu và phân tích 4 nhóm giải pháp lớn gắn liền với các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội đất nước: (1) Nâng cao vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; (2) Hoàn thiện thể chế - pháp luật tạo điều kiện cho các thành phần kinh phát triển bình đẳng; (3) Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quy định rõ trách nhiệm đối với tổ chức cơ quan nhà nước và công chức; (4) Giáo dục pháp luật, đạo đức, nâng cao trình độ văn hoá, dân trí toàn xã hội.
Đề tài luận văn nghiên cứu có phạm vi rộng lớn, phức tạp. Trong quá trình thực hiện, học viên đã nỗ lực cố gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết. Học viên xin được tri ân sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đồng nghiệp, trực tiếp là sự hướng dẫn giúp đỡ chu đáo của TS. Nguyễn Thanh Hà – Phó trưởng khoa Chính trị học Học viên Chính trị - Hành chính khu vực I để luận văn được hoàn thành.