KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ 1.Kết luận

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ Nghiên cứu thực trạng và đề xuất đổi mới pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Trang 25)

1.Kết luận

1.1. Hệ thống pháp luật đất đai của nước ta, bao gồm cả những quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được hình thành dựa trên cơ sở lý luận của học thuyết Mác - Lênin, phải được thiết kế, hoàn thiện dựa trên các quan hệ thị trường, đồng thuận và hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người có đất bị thu hồi. Như vậy, địa tô chênh lệch 1 (được hình thành bởi các nhân tố thuộc điều kiện tự nhiên như độ phì tự nhiên, vị trí đất …) và địa tô tuyệt đối (tạo thành do sự phân phối lại địa tô chênh lệch giữa người sở hữu và người sử dụng đất) phải thuộc về Nhà nước - đại diện chủ sở hữu, địa tô chênh lệch 2 (được tạo thành do sự chênh lệch về mức độ đầu tư của con người giữa hai mảnh đất cùng diện tích) được phân phối cho người sử dụng đất (nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân).

1.2. Chính sách pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng được quy định rõ ràng, từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, một số quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn chưa thực sự được đặt trên quan điểm phát triển, chưa quan tâm đầy đủ lợi ích của người dân có đất bị thu hồi. Việc tổ chức thực hiện trong nhiều trường hợp làm chưa tốt, thiếu công bằng, không minh bạch đã làm gia tăng sự không đồng tình của người dân. Thu hồi đất đang gặp các thách thức về: quyền tài sản của công dân, năng lực của Nhà nước trong quản lý đất đai, quản lý thị trường bất động sản, vấn đề ổn định đời sống và việc làm cho cộng đồng dân cư, vấn đề an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

1.3. Luận án đã đưa ra những đề xuất hoàn thiện quy định về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với mục tiêu rõ ràng, hướng tới việc bảo đảm tính bền vững xã hội trong quá trình chuyển đổi đất đai, trong việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cụ thể trong từng vấn đề dưới đây:

- Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ, toàn diện vai trò của đất đai: (i) Đất đai là tài nguyên thiên nhiên có hạn; (ii) Đất đai là tài sản của người sử dụng đất; (iii) Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng.

- Làm rõ mục đích thu hồi đất: làm rõ các mục đích thu hồi đất; đồng thời, xét về khía cạnh người có đất bị thu hồi thì thì mức thiệt hại về đất (có cùng mục đích sử dụng) là như nhau mà không phụ thuộc vào mục đích thu hồi, vì vậy, dù thu hồi đất cho mục đích nào cũng cần có quy định thống nhất về mức bồi thường, hỗ trợ.

- Làm rõ quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất - Nhà nước - nhà đầu tư: Cần

xác định, phân định rõ ràng về địa vị pháp lý giữa chủ sử dụng đất là người được nhà nước giao đất và nhà đầu tư là người được nhận quyền sử dụng đất (họ có quyền và nghĩa vụ khác nhau), còn Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đóng vai trò quyết định trong sự phân chia lợi ích này.

- Quy định về hỗ trợ, tái định cư:

+ Hỗ trợ đầy đủ cho người bị thu hồi đất để ổn định đời sống, chuyển đổi việc làm, bù đắp thiệt hại về thu nhập;

+ Khu tái định cư phải được quy hoạch gắn với điều kiện thuận lợi về hạ tầng phục vụ đời sống; thực hiện tái định cư tại chỗ là chủ yếu.

2. Kiến nghị

2.1. Nhà nước cần khẳng định rõ vai trò là đại diện Chủ sở hữu về đất đai (có quyền định đoạt trong việc sử dụng đất) khi thu hồi đất vào các mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh, cũng như vào mục đích phát triển kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và đảm bảo công bằng cho người sử dụng đất trước pháp luật.

2.2. Đổi mới chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất cần xem xét một cách toàn diện theo cách tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm an ninh chính trị, bình đẳng xã hội, công bằng chia sẻ lợi ích kinh tế, văn hoá về đồng thuận và nhân văn về bảo vệ quyền con người đối với đất đai. Tiếp cận đất đai như là một tài nguyên hữu hạn, là tài sản, là tư liệu sản xuất của người dân và phải tính đến các ảnh hưởng khi thu hồi đất đối với môi trường.

2.3. Chính sách về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là những chính sách mang tính cộng đồng cao, phạm vi ảnh hưởng rộng và liên đới tới nhiều đối tượng, vì vậy, khi ban hành chính sách cần có các nghiên cứu, đánh giá trước để đảm bảo sự công bằng và tính ổn định xã hội; bảo đảm công khai - minh bạch, tạo sự đồng thuận của người bị thu hồi đất và nâng cao trách nhiệm của các cán bộ quản lý.

2.4. Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm mục tiêu hiệu quả và hiệu suất quản lý, sử dụng đất cao; giảm tham nhũng trong quản lý đất đai; giảm khiếu nại, khiếu kiện của dân về đất đai.

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ Nghiên cứu thực trạng và đề xuất đổi mới pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Trang 25)