Mô tả công nghệ:
1.1.1. Tiền thuộc
1.1.1.1. Hồi tươi
Da nguyên liệu lưu trữ dưới dạng da muối. Sau đó, da được lạn lớp bầy nhầy và cắt tỉa bỏ những phần viền quanh con da, phần da vụn, móng không cần thiết. Sau đó được tiến hành hồi tươi. Hồi tươi là một quá trình chuyển đổi da về trạng thái ban đầu như : tính ngậm nước, thành phần hóa học, cấu tạo da, loại bỏ các protit tan được như albumin, globumin, máu và các chất bảo quản có trong da muối để da giống với da tươi mới lột.
Ngoài ra, hồi tươi còn có tác dụng rửa, tẩy sạch chất bẩn, chất vi sinh có trong da tươi. Quá trình hồi tươi được thực hiện trong thùng quay với thời gian 12 - 18 giờ và được bổ sung thêm các hóa chất Na2CO3, NaOCl, chất hoạt động bề mặt để chống lại sự phân hủy của da.
1.1.1.2. Tẩy lông, ngâm vôi
Tẩy lông: Mục đích của quá trình tẩy lông này nhằm loại bỏ lông, lớp biểu bì, các chất protit không có cấu trúc sợi, các chất béo. Trước tiên làm giảm mối liên kết giữa chân lông và mô da, sau đó tách hẳn chân lông khỏi mô da bằng hóa chất. Hóa chất sử dụng thường là muối sunfua natri (Na2S), sunfat ammonia (NH4)2SO4. Sau khi tẩy lông, da được ngâm vôi trong hồ chứa hoặc thùng quay.
Ngâm vôi: nhằm mục đích làm da trương nở lên, tạo điều kiện cho hóa chất thẩm thấu và liên kết với các nhóm chức năng của da. Ngoài ra, ngâm vôi còn hỗ trợ cho việc tẩy lông. Da sau khi ngâm vôi được gọi là da vôi.
1.1.1.3. Xén mép, nạo thịt và xẻ (chẻ da)
Dùng phương pháp cơ học để tách phần lông còn bám lại trên da, nạo thịt bạc nhạc (cho da có bề dày tương đối đều), xén mép (các phần da dư thừa). Khi cần thiết người ta tiến hành chẻ da vôi thành ít nhất 2 lớp: da mặt và da ruột. Trường hợp da nguyên liệu dày thì sẽ chẻ thành 3 hoặc nhiều lớp hơn hoặc có thể bào bỏ hẳn lớp bạc nhạc và chỉ giữ lại phần da mặt.
1.1.1.4. Tẩy vôi (khử vôi) và làm mềm
+ Tẩy vôi: Da nguyên liệu sau khi được chẻ, cạo sạch hết lớp lông tơ và lạn
hết lớp bầy nhầy còn sót lại được đổ vào thùng quay để tiến hành tẩy vôi. Tẩy vôi được thực hiện nhằm loại bỏ hoàn toàn hay một phần các chất có tính kiềm (vôi dư và các chất kiềm khác có trong quá trình tẩy lông, ngâm vôi trên bề mặt da).
+ Làm mềm: Thực hiện bằng cách sử dụng men (emzyme) để giúp loại bỏ tất cả các chất không cần thiết còn sót lại trong da và tạo môi trường có độ pH thích hợp cho việc thuộc da.
1.1.2. Sơ thuộc
1.1.2.1. Axit hóa
Nhằm tạo độ pH phù hợp cho công đoạn thuộc da kế tiếp. Hóa chất thường sử dụng là muối ăn NaCl, H2SO4. Ngoài ra, quá trình này còn là phương pháp bảo quản, giúp tiêu diệt hết các vi khuẩn, vi sinh vật còn sót lại trên da. Quá trình này còn được gọi là làm xốp.
1.1.2.2. Thuộc Crom
Sử dụng các hóa chất như: muối Crom, chất diệt khuẩn, Na2CO3 để đưa vào da, cố định trong cấu trúc collagen làm cho da không bị thối rửa và có tính chất phù hợp với mục đích sử dụng như: chịu nhiệt, axit, có độ dẻo, bền, dai. Quá trình thuộc thực hiện trong môi trường có pH: 2.5 - 3 và trong thời gian 4 - 24h. Da sau khi thuộc được gọi là da phèn (wetblue - da thuộc phèn Crom) và được ủ thành đống ít nhất 24 giờ .