IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ÔTÔ VIỆT NAM
1.2. Đóng góp khoản thu lớn cho ngân sách nhà nước
Trong những năm qua, các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính riêng 18 thành viên của VAMA trong 6 năm từ 2000 đến 2006 đã đóng góp 1,2 tỷ USD tiền thuế cho nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định cho 8.500 lao động trong lĩnh vực ô tô nói riêng và khoảng 35.000 lao động trong các ngành phụ trợ, có liên quan đến sản xuất ô tô. Cách đây 4 năm, theo thống kê của cơ quan thuế, với số lượng xe bán được của các liên doanh khi đó chỉ vào khoảng 50.000 xe/năm thì chỉ riêng đóng góp của các liên doanh sản xuất ô tô đã chiếm tới 1/5 tổng thu ngân sách của hơn 5.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt
động tại Việt Nam (trừ dầu thô). Với giá trị 1 tỉ đô la nhập khẩu 51.000 ô tô nguyên chiếc năm 2008, ước tính một cách thận trọng với giả định thuế suất nhập khẩu bình quân khoảng 60-70% thì phần thuế Nhà nước thu được sẽ là 600-700 triệu đô la. Tương tự, với 1,4 tỉ đô la giá trị linh kiện nhập khẩu để sản xuất khoảng 100.000 chiếc xe, giả sử thuế suất nhập khẩu trung bình từ 20-30% thì phần thuế thu được sẽ vào khoảng 300-400 triệu đô la. Nhưng nếu giá trị linh kiện này là xe nguyên chiếc thì thuế nhập khẩu sẽ từ 800 triệu đến 1 tỉ đô la.Với số lượng xe tăng gấp đôi so với 3 năm trước, và thuế cũng có nhiều thay đổi theo hướng tăng, có thể nói đây vẫn là nguồn thu không hề nhỏ. Đầu tiên, phải kể tới Công ty Mercedes Benz Việt Nam: trong ba năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, công ty này đóng đến 500 tỷ đồng tiền thuế các loại vào ngân sách nhà nước và lọt vào danh sách top 10 doanh nghiệp đóng nhiều thuế nhất tại TP.HCM. Tính riêng, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2009, với số lượng xe ô tô bán ra đạt 2.100 chiếc, Mercedes Benz Việt Nam đã đóng góp các loại thuế đến hơn 750 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Toyota Việt Nam trong năm 2008 đã nộp cho ngân sách nhà nước trên 270 triệu USD tiền thuế. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, số tiền mà Toyota Việt Nam đóng góp với ngành thuế là trên 121 triệu USD. Nếu tính cộng dồn 14 năm kể từ ngày được cấp phép đầu tư, Toyota Việt Nam đã đóng góp trên 1,2 tỷ USD cho ngành thuế. Không chỉ có vậy, sự có mặt của Toyota Việt Nam cũng giúp tỉnh Vĩnh Phúc vươn lên thứ hạng cao trong thu ngân sách địa phương, khi riêng đơn vị này đã chiếm trên 60% nguồn thu thuế toàn tỉnh. Làm giàu cho mình nhưng không quên đóng góp, chia sẻ và chăm sóc cho cộng đồng trên tinh thần tạo ra các giá trị thiết thực; với 13 triệu USD được đóng góp từ thiện tâm của lãnh đạo, nhân viên TMV và các nguồn tài trợ... TMV đã tạo ra các chương trình tài trợ xã hội như: Học bổng Toyota; Toyota cùng em học an toàn giao thông (TSEP); Sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon Việt Nam); Hỗ trợ đào tạo kỹ thuật viên Toyota; Hòa nhạc Toyota Xuyên Việt; Đêm nhạc cổ điển (Toyota Classics)... Những chương trình này đã và đang nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng.
(Nguồn VAMA)
Công ty Ô tô GM Daewoo Việt Nam, với các dòng xe bình dân như Matiz, Lancetti Captiva, cũng đã nộp 304 triệu USD tiền thuế kể từ khi được cấp giấy phép vào năm 1995 tới hết năm 2008. Tính riêng trong năm 2009, GM Daewoo Việt Nam sẽ nộp thêm khoảng 92 triệu USD tiền thuế.
Điều đó cũng cho thấy sự đóng góp không thể phủ nhận của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nguồn thu của ngành thuế. Tuy nhiên, với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, việc Việt Nam cần có các chiến lược rõ ràng và ổn định dài hạn để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, giúp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhằm giảm giá thành ô tô là rất cần thiết.