Giáo dục phổ thông

Một phần của tài liệu Tìm hiểu sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong mười năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954 - 1964 (Trang 48)

Cùng với ngành học bình dân, ngành học phổ thông cũng được xây dựng. Ngay từ những năm đầu khi mới thành lập chính quyền cách mạng, Đảng và Chính phủ đã ban hành chủ trương, biện pháp nhằm cải tổ bước đầu nền tiểu học và trung học. Cụ thể, bãi bỏ tiền học ở tất cả các cấp học, gia hạn tuổi cho học sinh ở các cấp, cấp học bổng và mở ký túc xá cho học sinh trung học, v.v… Các trường lớp cũ đã trở lại hoạt động bình thường, số trường mới xây dựng đảm bảo kế hoạch giảng dạy theo đúng chương trình. Cuối năm học 1945 - 1946, các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, trung học phổ thông đã được tổ chức chu đáo. Lần đầu tiên các thí sinh không phải nộp lệ phí và tất cả các môn học được thi bằng tiếng Việt.

Từ năm học 1947 - 1948, thực hiện Sắc lệnh số 146 (10 - Sệ thống bậc tiểu học 4 năm được thực hiện. Ngành giáo dục kháng chiến đã xóa bỏ được tình trạng không đồng nhất về năm học của bậc học này ở Bắc Bộ, Trung Bộ trước đây*

.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, dưới thời thống trị của thực dân Pháp chỉ có duy nhất tỉnh Lạng Sơn là có trường cấp II. Thực hiện chủ trương xây dựng

nền giáo dục mới, ngay trong năm 1946, Trường được đổi tên thành trường trung học Mạc Đĩnh Chi [13, tr. 124]. Việc lấy tên của các danh nhân trong quốc sử để đặt tên trường có ý nghĩa rất sâu sắc, không chỉ là hình thức nêu gương sáng các anh hùng, những nhân tài dân tộc mà còn góp phần khẳng định tính chất dân tộc của nền giáo dục Việt Nam. Đó là những mái trường của người Việt Nam từ hình thức đến nội dung, bản chất, hoàn toàn khác với những ngôi trường mà thực dân Pháp đã mở trên đất nước ta. Qua đó, gợi lên trong lòng người học niềm tự hào về những mái trường dân tộc, trở thành nguồn động viên lớn đối với lớp lớp học trò đang được học tập và rèn luyện dưới những mái trường mới của đất nước được độc lập, tự do.

Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến lan rộng ra toàn quốc. Để công tác giáo dục không bị xáo trộn và tiếp tục phát huy được những thành quả trong năm đầu xây dựng chính quyền cách mạng, ngành giáo dục phổ thông đã có một số thay đổi về thời gian và nội dung học. Cụ thể là học nửa ngày còn nửa ngày tham gia lao động sản xuất kết hợp với học tập hoặc tham gia vào vào công tác kháng chiến, công tác văn hóa, xã hội khác, v.v… Nhờ những biện pháp đó, công tác giáo dục ở miền núi vẫn được duy trì và động viên, khuyến khích con em đồng bào đi học. Ở khắp nơi trong vùng, thầy và trò tham gia lao động, giúp dân trong những ngày mùa, lo tăng gia, trồng trọt và chăn nuôi, giúp đắp đường, làm cầu, giúp tuyên truyền, cổ động cho cuộc kháng chiến, xây dựng trường lớp, v.v… Tại nhiều địa phương, ngành giáo dục phổ thông bắt đầu được xây dựng. Năm học 1946 - 1947, tỉnh Bắc Kạn đã mở được 76 trường, lớp với 2.268 học sinh và 93 giáo viên [5, tr. 135 - 136]. Là địa phương có nhiều đồng bào thiểu số nên ngành giáo dục của tỉnh đặc biệt chú ý mở lớp học riêng cho đồng bào. Trong năm học 1946 - 1947, tỉnh đã mở được 5 lớp học cho con em người Dao ở các xã thuộc huyện Chợ Đồn, như trường ở bản Cốc Phường, Nà Pa (Quảng Bạch), Kéo Màng (Bản Ty), Nà Danh (Nghĩa Tá), Bản Ca (Bình Trung). Đồng thời, huyện còn mở lớp đào tạo giáo viên cho

hơn 40 người tại Bản Điểng (xã Tân Lập). Cũng trong năm học đó, tại Thái Nguyên có 97 trường, lớp phổ thông với 3.812 học sinh, gấp gần 4 lần thời thuộc Pháp [92, tr. 261]. Về số liệu thống kê trường học và lớp học trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp tại các địa phương miền núi cũng chưa có sự rõ ràng, chi tiết. Theo nguồn tài liệu đó, có địa phương thống kê gộp cả trường học và lớp học; có địa phương chỉ thống kê lớp học nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì đó chỉ là những lớp học phổ thông thì hợp lý hơn, nếu là trường thì chủ yếu là trường phổ thông chưa toàn cấp.

Năm 1950, Chính phủ chủ trương cải cách giáo dục. Ở các tỉnh miền núi, do là căn cứ địa, nền giáo dục dân chủ nhân dân đã được xây dựng ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến, ít chịu ảnh hưởng của nền giáo dục thực dân nên quá trình sáp nhập, ổn định hệ thống trường, lớp diễn ra tương đối thuận lợi. Cũng trong năm này, Ty Giáo dục phổ thông được thành lập thay cho Ty Tiểu học trước đó. Trong năm học 1949 - 1950, tỉnh Thái Nguyên có đến 420 lớp học phổ thông với 10.900 học sinh [92, tr. 269].

Bên cạnh sự giúp đỡ của Nhà nước, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến, ngành giáo dục phổ thông còn có sự đóng góp, giúp đỡ rất lớn của nhân dân. Cùng với Nhà nước, họ tự nguyện gánh vác một phần chi phí cần thiết cho việc xây dựng trường, thiết bị vật chất và trả lương giáo viên. Nhờ đó, trong những năm kháng chiến, ngành học giáo dục phổ thông ở các tỉnh miền núi có điều kiện phát triển. Ngay từ năm 1950, mặc dù cuộc chiến tranh còn ác liệt nhưng nhiều tỉnh đã xây dựng được hệ thống trường cấp 2 ở tỉnh lỵ, như tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Riêng tỉnh Bắc Kạn, chỉ một năm sau, đến năm 1951 có huyện còn mở được trường cấp 2, như huyện Bạch Thông có đến hai trường. Tại tỉnh Tuyên Quang, năm 1952 đã có 94 trường phổ thông cấp 1 với 119 giáo viên và 7.776 học sinh, 2 trường phổ thông cấp 2 với 24 giáo viên và 1.016 học sinh. Ngoài ra, tỉnh còn có 675 học sinh cấp 1, 2 theo học ở các trường tư thục và một trường cấp 3 chưa toàn cấp, trường có 1 lớp 8 với 57 học sinh [6, tr. 173]. Mạng lưới trường cấp 1 phổ thông không chỉ phát triển ở thị xã, thị trấn

mà còn được mở rộng xuống tận địa bàn nông thôn, một số xã trong tỉnh còn có cả trường cấp 2, như xã An Lạc (Chiêm Hóa), Chân Sơn (Yên Sơn). Điều đặc biệt là tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học khá cao. Tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn số học sinh người Tày chiếm từ 50% đến 70%, người Nùng từ 25 đến 35% tổng số học sinh phổ thông. Năm 1951, tỉnh Bắc Kạn cũng mở được 15 trường cho 116 học sinh người Dao [73, tr. 96].

Không chỉ chú ý đến việc mở rộng mạng lưới trường, lớp, các tỉnh miền núi cũng rất chú ý đến công tác nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong hoàn cảnh kháng chiến, nhà trường phổ thông được coi là một công cụ làm nhiệm vụ tuyên truyền lòng yêu nước, ý chí đấu tranh, đoàn kết các dân tộc cùng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng như trong Cải cách giáo dục năm 1950 phần giáo dục phổ thông ghi rõ: Mục đích và nhiệm vụ của nền giáo dục phổ thông là phải đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân lao động cho tương lai, có trình độ kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật; Trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, sẵn sàng phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, các thầy giáo, cô giáo đều hướng nội dung học tập vào việc làm cho giáo dục trong nhà trường gắn liền với đời sống với cuộc kháng chiến của dân tộc. Mỗi bài dạy trên lớp, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức khoa học cơ bản, thường được liên hệ với thực tế đấu tranh quân sự, chính trị, với kinh tế, sản xuất. Song điều xuyên suốt trong giảng dạy hay nội dung chương trình là đặc biệt coi trọng việc vận dụng phương châm “học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn”.

Trong kháng chiến, ở nhiều trường, bên cạnh việc tham gia tích cực vào sự nghiệp chống nạn mù chữ và phổ cập giáo dục, thầy và trò còn tham gia dân công phục vụ các chiến dịch. Hàng năm, số học sinh lớn tuổi sau khi tốt nghiệp hoặc đang theo học đã xung phong tòng quân giết giặc rất đông. Vì vậy, kiến thức khoa học cơ bản của học sinh phần nào bị hạn chế nhưng vốn hiểu biết về thực tế và trình độ tư tưởng, đạo đức được nâng lên rõ rệt, nhất là tinh

thần yêu nước, lòng căm thù giặc, ý thức tự lực cánh sinh và tinh thần yêu lao động và luôn hoà mình với nhân dân, cộng đồng.

Đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, nhờ thắng lợi của các đợt cải cách ruộng đất cộng với sự chăm lo của ngành giáo dục nên giáo dục phổ thông ở các tỉnh miền núi không những không bị giảm sút mà vẫn phát triển tốt. Đến năm 1954, Thái Nguyên đã có 71 trường cấp 1 với 297 giáo viên và 14.338 học sinh [151]. Kết quả thi tốt nghiệp cũng khá cao, toàn tỉnh đạt 71% tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp. Mạng lưới trường lớp được mở rộng. Toàn tỉnh có 74 xã trên tổng số 81 xã đã có trường cấp 1; ba trường cấp 2 ở các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa và 1 trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến [92, tr. 275 - 276]. Tỉnh Tuyên Quang có 110 trường phổ thông gồm 403 lớp, 264 giáo viên và 10.716 học sinh, tăng 17 lần so với thời Pháp - Nhật chiếm đóng [6, tr. 173]. Tỉnh Bắc Kạn có đến 384 lớp cấp 1 và cấp 2 với 10.645 học sinh [5, tr. 186]. Cũng trong năm 1954, tỉnh đã mở được 2 lớp đào tạo giáo viên cấp 1, trong đó có 45 người trên tổng số 68 giáo viên là người dân tộc thiểu số, có 2.700 người trên tổng số 7.479 học sinh cấp 1 và 95 người trên tổng số 965 học sinh cấp 2 là con em đồng bào dân tộc thiểu số [6, tr. 173].

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với việc xây dựng và phát triển giáo dục phổ thông, Đảng và Nhà nước ta còn tiến hành xây dựng giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp. Một số trường đại học, cao đẳng đã được xây dựng tại vùng căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh và có tác động nhất định với giáo dục phổ thông.

Tại Việt Bắc, chỉ một năm sau khi cuộc kháng chiến lan rộng ra cả nước, năm 1947, Trường Đại học Y - Dược từ Hà Nội được di chuyển lên đây. Trong gần bảy năm hoạt động tại Việt Bắc, Trường đã đào tạo được đội ngũ cán bộ y tế có trình độ phục vụ cho cuộc kháng chiến và chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đồng thời Trường cũng thu hút được rất nhiều học sinh là người dân địa phương đến học. Sự phát triển của ngành đại học đã tạo không khí học tập tại địa phương, thúc đẩy và khuyến khích tinh thần học tập cho con em đồng

bào các dân tộc Việt Bắc. Bên cạnh việc nghiên cứu, giảng dạy, các thầy cô giáo, sinh viên đại học còn tham gia dạy chữ, bổ túc văn hóa cho đồng bào, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy cho các giáo viên phổ thông, v.v…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giáo dục ở các tỉnh miền núi vẫn nhiều khó khăn, hạn chế. Giáo dục mới chỉ được xây dựng và phát triển ở những vùng thấp, tỉnh có truyền thống giáo dục, như Thái Nguyên, Lạng Sơn, còn các tỉnh miền núi cao, vùng hẻo lánh, nhất là tỉnh Hà Giang vẫn còn kém. Chất lượng giáo dục còn hạn chế, số lượng học sinh mãn khóa thấp, đầu khóa học sinh đi học nhiều nhưng đến cuối khóa thì ít dần và khi tổ chức thi mãn khóa lại càng ít. Công tác đào tạo giáo viên và biên soạn sách giáo khoa còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của từng ngành học. Ngành giáo dục các tỉnh miền núi chưa nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục đối với công cuộc xây dựng chính quyền. Công tác quản lý, chỉ đạo giáo dục còn chậm, chưa sát với cơ sở.

Ngành học bình dân cũng có những hạn chế nhất định. Tỷ lệ người dân mù chữ vẫn còn nhiều, nhất là vùng cao, hẻo lánh. Nguyên nhân là do nhiều nơi đồng bào không đi học chữ Quốc ngữ mà đi học chữ Nho để làm thầy cúng, thầy mo; do học sinh còn chưa biết đọc, biết viết tiếng Kinh trong khi học toàn bằng tiếng Kinh, các em tiếp thu chậm, không hiểu bài nên chán, bỏ học nhiều. Trong khi đó, bậc học bổ túc văn hóa chưa đáp ứng kịp nên dẫn đến tình trạng học sinh tái mù chữ ngày càng cao. Tại một lớp học bình dân ở xã Kim Sơn (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), trong tổng số 118 người biết đọc, biết viết thì có đến 30 người quay lại mù chữ.

Tiểu kết chương 1

Do xuất phát điểm về kinh tế, xã hội của các tỉnh miền núi còn thấp, do chiến tranh, đặc biệt là do hậu quả của chính sách giáo dục của thực dân Pháp

để lại cho đồng bào các tỉnh miền núi quá nặng nề nên trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc đạt được không nhiều, mặc dù nơi đây là vùng căn cứ cách mạng, quá trình xây dựng nền giáo dục kháng chiến thuận lợi hơn so với các tỉnh bị thực dân Pháp chiếm đóng tạm thời. Trong chín năm vừa kháng chiến, ngành giáo dục mới chỉ bắt đầu được xây dựng với nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất là mở các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc; xây dựng ngành học giáo dục phổ thông theo chương trình và hệ thống của nền giáo dục nước nhà, xóa bỏ dần hệ thống giáo dục thực dân. Bên cạnh đó là việc mở các lớp bổ túc văn hóa, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật cho cán bộ hợp tác xã, đoàn viên, thanh niên và những đối tượng quá tuổi học phổ thông theo học, v.v…

Trong hoàn cảnh kháng chiến, những kết quả đạt được như trên là chưa nhiều nhưng những thành tích đó có ý nghĩa vô cùng to lớn là nhờ biết chữ, đồng bào các dân tộc hiểu được chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, hiểu được ý nghĩa của cuộc kháng chiến, từ đó đồng bào động viên nhau, cùng nhau đoàn kết, tăng gia lao động sản xuất để đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ quê hương chống lại âm mưu phá hoại của địch cũng như vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc đó. Những kết quả trên, dù là nhỏ bé nhưng sẽ tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để ngành giáo dục các tỉnh miền núi tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

CHƢƠNG 2

Một phần của tài liệu Tìm hiểu sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong mười năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954 - 1964 (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)