dân ta diễn ra ngày một ác liệt, ta chủ động mở nhiều chiến dịch lớn. Để duy trì, thúc đẩy công tác giáo dục, đoàn kết các dân tộc vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc, tháng 8 năm 1952, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về chính sách dân tộc thiểu số. Nội dung cơ bản của Nghị quyết là: “Đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc”. Về mặt giáo dục, Nghị quyết chỉ rõ: “Tôn trọng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, v.v… Giúp đỡ các dân tộc phát triển những phẩm chất tốt đẹp trong phong tục tập quán cũ và tự giác xóa bỏ dần những cái có hại, v.v… Phát triển những hình thức văn nghệ dân tộc, lồng nội dung mới vào để dùng vào việc tuyên truyền giáo dục, xây dựng con người mới” [33, tr. 275 - 276].
Chủ trương trên của Đảng và Nhà nước về xây dựng một nền giáo dục mới trong những năm kháng chiến là kim chỉ nam để ngành giáo dục cả nước nói chung, giáo dục miền núi nói riêng triển khai thực hiện nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, động viên mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần kiên trì kháng chiến của quân dân ta, dần đưa cuộc kháng chiến nhanh chóng đến thắng lợi.
1.3. Giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp thực dân Pháp
Như chúng ta đã biết, từ đầu năm 1947, toàn bộ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các cơ quan Trung ương đã di chuyển lên Việt Bắc. Việt Bắc mà cụ thể là sáu tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái
Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang trở thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với vị trí là căn cứ địa của cuộc kháng chiến nên các tỉnh miền núi có điều kiện để phát triển toàn diện các lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự đến văn hóa, xã hội, trong đó có giáo dục. Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng nền giáo dục mới, ngoài những khó khăn chung của cả nước, các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn khác do điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế, xã hội đem lại. Đó là, xuất phát điểm về trình độ kinh tế, dân trí của đồng bào thấp, thời tiết khắc nghiệt, sự khác nhau về ngôn ngữ giữa các dân tộc thiểu số với tiếng phổ thông, v.v… Mặc dù vậy, nhờ sự quan tâm và chăm lo thường xuyên của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp chính quyền địa phương, nhất là trong những năm kháng chiến, các cơ quan trung ương chuyển lên đây công tác, xây dựng nơi đây thành căn cứ địa cách mạng của cả nước nên giáo dục ở các tỉnh miền núi có điều kiện phát triển tốt hơn, đạt được những thành tựu lớn hơn so với thời thực dân Pháp cai trị.