Vài nét chung về các tờ nhật báo dành cho giới trẻ tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Xu hướng Hiện đại hóa phương thức thông tin trên nhật báo dành cho giới trẻ tại Việt Nam (Khảo sát 3 tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ Tp.HCM và Tiền Phong trong th (Trang 35)

(Thanh Niên, Tuổi Trẻ Tp.HCM, Tiền Phong):

- Năm ra đời: Báo Tiền Phong (1953), Báo Tuổi Trẻ Tp.HCM (1975), Báo Thanh Niên (1986).

Chính thời điểm ra đời có nhiều nét khác biệt này đã tạo ra phong cách riêng cho từng tờ báo:

+ Báo Tiền Phong ra đời từ sớm nhất, ngay trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Trải qua hai cuộc kháng chiến, tờ báo đã có nhiều thành công, đóng góp cho việc xây dựng lý tưởng, lòng yêu nước thương nòi và sự nhiệt tình tham gia cách mạng, chiến đấu vì độc lập, tự do của nhiều thế hệ thanh niên.

Tiền Phong cũng đi đầu trong việc tạo ra những chuyên mục mang tính đột phá trên báo chí trước đây, như “Hộp thư kết bạn” (mở rộng tính tương tác giữa bạn đọc với tòa soạn, và giữa bạn đọc với nhau), hay mục “Sau lũy tre làng” với những mẩu chuyện nhỏ về pháp luật, hình sự, mang tính chất cảnh tỉnh độc giả… Tuy nhiên, về sau, do chậm đổi mới vì cả những yếu tố chủ quan lẫn khách quan, nên Tiền Phong đi sau so với các tờ báo thị trường.

Hiện tại ở miền Bắc, cùng với Lao Động, Tiền Phong vẫn là trong hai tờ nhật báo lớn nhất của miền Bắc. Tuy nhiên, cả hai tờ báo này hiện nay đều phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự chậm đổi mới về tư duy và nghệ thuật làm báo, bên cạnh đó là những thay đổi lớn về nhân sự, dẫn tới khó định hình phong cách.

Thanh Niên và Tuổi Trẻ tuy thời điểm ra đời khác nhau, nhưng cũng có một số điểm tương đồng. Điểm chung lớn nhất là đều hướng tới thị trường, phát triển trên cơ sở nghiên cứu mong muốn, nhu cầu của bạn đọc.

- Cơ quan chủ quản:

+ Báo Tiền Phong – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. + Báo Thanh Niên - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

+ Báo Tuổi Trẻ Tp.HCM – Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tp. Hồ Chí Minh.

- Đối tượng bạn đọc chủ yếu: giới trẻ (từ độ tuổi 18 – 35 tuổi), mở rộng ra cả các đối tượng bạn đọc lớn tuổi hơn.

- Thời điểm ra nhật báo:

+ Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng báo Thanh Niên ra nhật báo sớm nhất. Ngày 3/12/2001, Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép báo Thanh Niên tăng kỳ xuất bản. Báo Thanh Niên đã trở thành tờ báo phát hành hàng ngày (phát hành

thêm số Thanh Niên cuối tuần vào ngày Chủ Nhật, số trang thực hiện là 24 trang – số Thanh Niên thường là 20 trang).

+ Báo Tuổi Trẻ chính thức trở thành nhật báo vào ngày 2/4/2006 sau khi thêm tờ Tuổi Trẻ Chủ nhật.

+ Tiền Phong trở thành nhật báo ngày 1/7/2006 sau khi có những cải tiến và ra thêm số thứ bảy.

- Xu hướng cạnh tranh trên thị trường báo chí:

Nếu như Tiền Phong chủ yếu đi theo con đường phát hành theo ngành dọc, đến các cơ quan của Đoàn TNCS HCM thì Thanh Niên và Tuổi Trẻ hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ nào của cơ quan chủ quản về công tác phát hành. Cách phát hành qua kênh của Công ty Phát hành Báo chí Trung ương cũng dần trở nên lạc hậu, lỗi thời, không theo kịp nhu cầu của thị trường. Chính vì lý do đó, hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ đã tự xây dựng và nhân rộng hệ thống phát hành, đại lý của mình trên nhiều địa phương trên cả nước. Quá trình này có nhiều khó khăn nhưng là đường đi tất yếu của bất cứ tờ báo nào để giành lấy thị phần độc giả riêng của mình.

Bên cạnh đó, đây cũng là những tờ báo có khả năng tạo dựng các loạt bài có tiếng vang, có tên tuổi, có tác động tích cực đến đông đảo bạn đọc. Chính ưu điểm này đã tạo nên uy tín cho mỗi tờ báo.

Cả ba tờ đều có những hoạt động xã hội nổi tiếng và mang tầm vóc quốc gia:

- Báo Tiền Phong với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, giải Việt dã báo Tiền Phong…

- Báo Thanh Niên với chương trình Duyên dáng Việt Nam, Giải bóng đá U21 báo Thanh Niên, cuộc thi Hoa hậu Trái đất…

- Báo Tuổi Trẻ với các cuộc vận động như Mãi mãi tuổi 20, Ước mơ của Thúy, phong trào Chào cờ sáng thứ 2…

Thế nhưng, tận dụng những uy tín có được từ các hoạt động này như thế nào, nuôi hoạt động như thế nào để có được thành công thể hiện trên mặt báo lại là câu chuyện khác. Đó chính là một nội dung quan trọng sẽ được tìm hiểu trong khóa luận này.

Một phần của tài liệu Xu hướng Hiện đại hóa phương thức thông tin trên nhật báo dành cho giới trẻ tại Việt Nam (Khảo sát 3 tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ Tp.HCM và Tiền Phong trong th (Trang 35)