Những nhược điểm của mô hình tăng trưởng Solow

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA CÁC YẾU TỐ NGUỒN LỰC TRONG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ (Trang 31)

III. MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG SOLOW

4.Những nhược điểm của mô hình tăng trưởng Solow

Theo mô hình Solow, sự tăng trưởng bền vững của GDP/người phải bắt nguồn từ tiến bộ công nghệ. Nguồn gốc của tốc độ tăng trưởng thu nhập hay thu nhập bình quân đầu người trong dài hạn duy nhất là tốc độ tăng hiệu quả lao động và điều này do sự tiến bộ công nghệ kỹ thuật tạo nên.Tuy nhiên, mô hình này lại cho rằng tiến bộ công nghệ là yếu tố ngoại sinh và không giải thích được nó. Đây là cơ sở dẫn đến hai nhược điểm lớn trong mô hình Solow.

Thứ nhất là theo mô hình này, nếu không có cú sốc thay đổi công nghệ từ bên ngoài, thì tất cả các nền kinh tế sẽ dần đạt đến trạng thái ổn định không có tăng trưởng (do quy mô dân số cũng đã ổn định). Ngay cả khi tỷ lệ tiết kiệm tăng lên thì sự gia tăng GDP bình quân đầu người chỉ là hiện tượng tạm thời, diễn ra trong quá trình nền kinh tế chuyển từ trạng thái ổn định này sang trạng thái ổn định khác. Cũng theo ý nghĩa đó, các chính sách của nhà nước không có tác động gì tới tăng

trưởng dài hạn nếu như chúng không tạo ra tiến bộ công nghệ. Do đó, lý thuyết này không thể giải thích những bước tăng trưởng vượt bậc của nhiều nền kinh tế trên thế giới từ sau những năm 1950, cũng như sự chênh lệch lớn giữa nhiều nền kinh tế có cùng trình độ công nghệ.

Thứ hai, mọi sự gia tăng của GDP mà không thể quy cho những thay đổi của lao động và vốn đều được đưa về “số dư Solow” (số dư tiến bộ kỹ thuật). Và số dư này phải giải thích trên 50% tăng trưởng tại các quốc gia công nghiệp hoá. Vậy là Solow đã quy phần lớn tăng trưởng kinh tế cho một quá trình tiến bộ công nghệ ngoại sinh, hoàn toàn độc lập với các quyết định của các chủ thể kinh tế, và đương nhiên là không thể giải thích được trong mô hình.

Trên thực tế, hiệu quả lao động (hay số dư solow) không phải gì khác mà chính là đại diện cho tất cả các nhân tố tác động tới sản lượng ngoại trừ vốn và lao động. Trong quá trình phát triển của khoa học kinh tế, người ta đã tập trung vào cách định nghĩa hiệu quả lao động là gì và cái gì khiến nó thay đổi theo thời gian để có thể hiểu được nguyên nhân dẫn đến chênh lệch về tốc độ tăng chênh lệch thu nhập thực tế giữa các quốc gia. Một kết luận đã được mọi người công nhận, không phải là do yếu tố ngoại sinh từ bên ngoài đem đến, mà chính phải là yếu tố từ chính nội tại của nền kinh tế tổng hợp tạo thành. Điều này là nội dung của mô hình tăng trưởng nội sinh mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong phần tiếp sau.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA CÁC YẾU TỐ NGUỒN LỰC TRONG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ (Trang 31)