nhỏ tại Chi nhánh Techcombank Chương Dương
Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ là vô cùng lớn, bởi thực tế cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sản xuất nhiều loại hàng hóa đa dạng, phù hợp với quy mô và dung lượng thị trường phân tán, có khả năng giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, khai thác các nguồn nguyên liệu địa phương, đóng góp đáng kể vào nỗ lực cân đối phát triển phân bổ dân cư khác nhau, góp phần giảm
bớt khoảng cách chênh lệch khu vực, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa và đa dạng hóa ngành nghề. Vì thế, thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một thị trường rộng lớn và hứa hẹn nhiều cơ hội, nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Chính vì thế, việc tiến hành xâm nhập và phát triển thị trường này là một khó khăn, thử thách nhưng đây cũng là thị trường mà trong tương lai sẽ rất phát triển, bởi các cơ chế, chính sách hiện nay đang rất ưu tiên cho loại hình doanh nghiệp này. Vì thế, Chi nhánh cần có những biện pháp, phương án phù hợp với tình hình thực tiễn để có thể nâng cao chất lượng tín dụng và hơn nữa là phát triển thị trường này một cách tốt hơn. Dựa trên những ý kiến và đánh giá chủ quan, em xin đưa ra những giải pháp cơ bản sau:
2.1. Đa dạng hóa các hình thức tín dụng
Đặc thù hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ là tính đa dạng về ngành nghề kinh doanh và sự chênh lệch lớn về trình độ quản lý. Vì vậy, để có thể phục vụ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn đối với nhóm khách hàng này thì ngân hàng phải đưa ra từng loại hình tín dụng phù hợp với từng yêu cầu của khách hàng.
Ngoài phương thức cho vay truyền thống (mà chủ yếu là cho vay từng lần và cho vay với hạn mức tín dụng), ngân hàng nên tiến hành các hình thức cho vay mới, chẳng hạn như:
Hùn vốn đầu tư liên doanh, liên kết với khách hàng
Để mở rộng hoạt động tín dụng, Chi nhánh không nhất thiết chỉ cho khách hàng vay vốn của mình mà có thể lựa chọn những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có triển vọng phát triển lâu dài để ngân hàng có thể thỏa thuận ký hợp đồng liên doanh, liên kết, cùng sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ hạn chế bớt rủi ro cho Chi nhánh, đảm bảo vốn vay được thu hồi đầy đủ, đúng hạn và có lãi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng. Ưu điểm dễ nhận thấy của hình thức này là đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, ngân hàng có điều kiện đa dạng hóa danh mục đầu tư để hạn chế rủi ro, đảm bảo thu nhập cho Chi nhánh. Tuy nhiên, giải pháp này cần có sự ủng hộ từ phía pháp luật và cần thêm nhân viên tham gia (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào bộ máy của doanh nghiệp. Xét về lâu dài, đây là một giải pháp để nâng cao hiệu quả tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và
nhỏ và cũng là tạo thêm lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của Chi nhánh.
2.2. Hoàn thiện phương pháp thẩm định tín dụng
Thẩm định là một công đoạn không thể thiếu, là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới quyết định cho vay và xa hơn nữa là ảnh hưởng tới hiệu quả đồng vốn mà ngân hàng bỏ ra. Chất lượng thẩm định đầu vào chính là yếu tố quyết định chất lượng tín dụng đầu ra sau này. Chất lượng thẩm định tín dụng trước hết phụ thuộc vào phương pháp thẩm định tín dụng. Phương pháp thẩm định tín dụng hợp lý, theo một quy trình chặt chẽ sẽ làm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn trong quá trình thẩm định. Ngoài việc thẩm định theo cơ chờ tín dụng quy trình nghiệp vụ của ngành, cán bộ tín dụng nên tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm về các lĩnh vực khá như thẩm định về phương diện kỹ thuật, các thông số kỹ thuật máy móc, chất lượng máy móc… để từ đó có thể phát hiện những rủi ro tiềm ẩn.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện quy trình tín dụng, nhân viên ngân hàng cũng cần vận dụng hết sức linh hoạt, tránh cứng nhắc, khuôn phép gây cản trở, khó khăn cho khách hàng. Với những khách hàng quen thuộc, có uy tín, ngân hàng có thể thực hiện tắt các bước về đánh giá năng lực pháp lý để giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn nhanh chóng.
2.3. Đa dạng hóa các hình thức đảm bảo tiền vay
Để mở rộng tín dụng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cung cấp vốn, ngân hàng có thể áp dụng các hình thức cho vay đảm bảo bằng hàng hóa, dịch vụ; ngoài ra, có thể giải quyết cho vay căn cứ vào tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường. Tài sản đảm bảo tiền vay chỉ là phương tiện cuối cùng, là nguồn trả nợ khi rủi ro xảy ra; do vậy, ngân hàng cần linh hoạt áp dụng hình thức thế chấp, tín chấp, bảo lãnh (như hình thức bảo lãnh của bên thứ ba, tài sản hình thành từ vốn vay, nguyên vật liệu tồn kho…) sao cho phù hợp. Một trong những hình thức đảm bảo tỏ ra có hiệu quả là cho vay đảm bảo bằng các khoản phải thu. Cụ thể, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã bán được hàng nhưng lại chưa thu được tiền do nhiều lý do khác nhau; do đó, họ bị thiếu vốn lưu động để sản xuất kinh doanh. Khi đó, ngân hàng có thể giúp các doanh nghiệp này bằng cách cho họ vay theo một tỷ lệ nào đó trên khoản phải thu. Tỷ lệ này cao hay thấp phụ thuộc vào chất lượng của các khoản
nợ đó.
2.4. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và nhận biết dấu hiệu rủi ro
Do tỷ lệ nợ xấu của các khoản cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có xu hướng tăng lên làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động tín dụng chung của Ngân hàng, gây ra rủi ro rất lớn trong hoạt động kinh doanh của Chi nhánh, Ngân hàng Techcombank Chương Dương cần kiểm tra, kiểm soát tình hình thu nợ lãi và gốc sát sao hơn, đồng thời, sớm nhận biết những dấu hiểu rủi ro để ngăn ngừa và xử lý một cách nhanh nhất, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng đối với loại hình doanh nghiệp này và không làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của Chi nhánh. Cụ thể, nhân viên tín dụng nên kiểm tra, kiểm soát tài khoản, số lượng tiền mặt, khoản phải thu, phải trả… của khách hàng một cách liên tục, theo dõi quá trình trả nợ vay của doanh nghiệp, số lần thanh toán chậm, gia hạn nợ, nguyên nhân của việc chậm trễ và gia hạn này; có như vậy, dấu hiệu rủi ro mới được phát hiện và nhận biết sớm để có thể ngăn ngừa và xử lý kịp thời. Những rủi ro mang lại cho Chi nhánh bao gồm nhiều dấu hiệu khác nhau như: trì hoãn, chậm trả nợ gốc và lãi, chậm trả tiền lương cho nhân viên, giảm sút số dư tài khoản tiền gửi, lượng hàng tồn kho tăng lên một cách nhanh chóng và đáng kể, liên tục thay đổi cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp hoặc lãnh đạo doanh nghiệp cố tình né tránh nhân viên tín dụng… Sau đó, Chi nhánh nên chủ động rà soát lại và thẩm định lại các khoản nợ một cách chính xác, đồng thời, thành lập tổ thu nợ chuyên trách để giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của Chi nhánh.
Nhưng hơn hết, để có thể thực hiện tốt giải pháp này, Chi nhánh Chương Dương cũng như Ngân hàng Techcombank cần mở những khóa đào tạo, huấn luyện kỹ năng, bồi dưỡng và truyền kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phân tích, thẩm định và dự báo những biến động của nền kinh tế… cho nhân viên tín dụng để họ có thể hoàn thành tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và nhận biết rủi ro này.
2.5. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác thông tin tín dụng
Chi nhánh nên thành lập một bộ phận lưu trữ thông tin chung về doanh nghiệp để cung cấp cho công tác thẩm định tín dụng. Việc thành lập bộ phận này sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian hơn là mỗi nhân viên thẩm định tự tìm kiếm thông tin doanh nghiệp. Hơn hết, để có thể thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin được tốt, bộ phận này cần được trang bị thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, ứng dụng
tin học vào việc quản lý thông tin, đồng thời, đội ngũ nhân viên phải nhanh nhẹn, thông thạo cách sử dụng máy móc, phần mềm để có thể thao tác nhanh chóng, cung cấp thông tin cho cán bộ thẩm định một cách nhanh nhất.
2.6. Các giải pháp khác
Chi nhánh cũng có thể áp dụng các giải pháp khác như hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của hệ thống marketing sản phẩm tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật và hiện đại hóa công nghệ chung của ngân hàng… để từ đó có thể quản lý và phát triển một cách đồng bộ không chỉ hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn cả những hoạt động khác của Chi nhánh.