1.3.2.1 Đối với các DNNVV
Vốn vay ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các DNNVV.
Trong cơ chế nền kinh tế đang chuyển đổi đòi hỏi các DNNVV phải mở rộng sản xuất và thay đổi trang thiết bị, nâng cấp công nghệ mới cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nước ngoài. Với qui mô nguồn vốn và khả năng huy động vốn của mình thì các DNNVV không đủ khả năng về vốn để mở rộng sản xuất. Với việc phát triển hoạt động cho vay của các NHTM sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay, nâng cao qui mô vốn của mình để phục vụ vào những nhu cầu trong điều kiện sản xuất mới, từ đó nâng cao được năng suất lao động, và năng lực cạnh tranh của mình.
Hình thành cơ cấu tối ưu cho các doanh nghiệp
Ngoài vốn chủ sở hữu thì các doanh nghiệp có thể sử dụng vốn từ các nguồn khác như: vốn vay từ ngân hàng, vốn từ tín dụng hàng hóa, phát hành
trái phiếu... Trong khi đó việc huy động vốn từ thị trường tài chính đối với các DNNVV là khó khăn, cộng với việc huy động từ các tổ chức tài chính phi ngân hàng có chi phí rất cao.Nguồn vốn vay là nguồn vốn thích hợp cho các doanh nghiệp, bởi vì nó tốn ít chi phí hơn so với việc sử dụng vốn tự có, không ảnh hưởng đến quyền sở hữu của doanh nghiệp, ngoài ra nó còn được hưởng khoản tiết kiệm từ thuế. Chính vì thể phát triển nguồn vốn vay sẽ thiết lập cho các DNNVV một cơ cấu vốn tối ưu, tối đa hóa được giá trị tài sản của chủ sở hữu.
Nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng các quan hệ kinh doanh cho các DNNVV
Có thể nói trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển như hiện nay thì khả năng cạnh tranh sẽ quyết định sự sống còn của các DNNVV. Để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh thì các doanh nghiệp phải có ưu thế về sản phẩm, có thị trường, khả năng đáp ứng những thay đổi của nhu cầu thị trường, các dịch vụ,… để làm điều đó thì phải có vốn. Mặt khác các sản phẩm dịch vụ của các NHTM không chỉ dừng lại ở nguồn vốn mà họ còn cung cấp cho các doanh nghiệp các dịch vụ như tư vấn , cung cấp thông tin về thị trường, khách hàng, tìm đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt hiện nay các DNNVV thực hiện các hoạt động xuất khẩu ngày càng tốt lên, tuy nhiên khi ra thị trường thế giới họ vẫn còn nhiều khó khăn vì khả năng tài chính còn bé, thiếu nguồn ngoại tệ, hay uy tín chưa cao. Quan hệ tín dụng với ngân hàng sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình xuất khẩu cho các DNNVV.
Nâng cao trình độ tay nghề của người lao động
Khi có nguồn vốn các doanh nghiệp có điều kiện tập trung vào đào tạo tay nghề cho người lao động, đáp ứng được những thay đổi trong qui trình sản xuất hiện đại, từ đó nâng cao được năng lực sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Qua đây ta có thể thấy việc phát triển hoạt động cho vay của các NHTM đã góp phấn rất quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của các DNNVV. Nó giúp cho các doanh nghiệp có thể doanh nghiệp có thể khắc phục các hạn chế còn tồn tại của mình trong điều kiện hiện nay như: khả năng tài chính; cơ sở, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu; khả năng nắm bắt thông tin yếu kém; trình độ tay nghề người lao động…
1.3.2.2 Đối với các NHTM
Hoạt động cho vay là hoạt động sử dụng vốn chủ yếu của các NHTM. Phát triển cho vay DNNVV giúp các ngân hàng tăng doanh thu và lợi nhuận từ lãi cho vay và phí phục vụ.
Khi ngân hàng phát triển hoạt động cho vay thì có nghĩa là qui mô về dư nợ, doanh số cho vay, số lượng khách hàng tăng lên từ đó có thể gia tăng lợi nhuận từ lãi cho vay và phí phục vụ. Bên cạnh đó khi quan hệ tín dụng với khách hàng doanh nghiệp thì ngân hàng thường cung cấp thêm các dịch vụ như thanh toán, tư vấn,…từ đó có thêm nguồn thu từ những dịch vụ này.
Nâng cao uy tín , hình ảnh của ngân hàng
Việc phát triển cho vay không những về số lượng mà còn cả về chất lượng . Do đó đòi hỏi ngân hàng phải có những sự phát triẻn toàn diện dịch vụ của mình để có thể “hiểu lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Điều đó sẽ làm nâng cao hình ảnh của khách hàng không chỉ trong khối DNNVV mà nó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động tín dụng ở các khối khách hàng khác như doanh nghiệp lớn, khối các nhân.
Giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tín dụng
Hoạt động cho vay của ngân hàng không những phải có lợi nhuận mà còn đảm bảo an toàn. Khi phát triển hoạt động cho vay của DNNVV các ngân hàng còn phải nâng cao chất lượng của các khoản nợ như giảm thiểu tỷ lệ nợ quá hạn, tỷ lệ nợ xấu, vì thế sẽ sàng lọc được những khoản tín dụng tốt, đảm
bảo an toàn, hạn chế khả năng mất vốn cho ngân hàng. Bên cạnh đó khi mở rộng về qui mô, mà đặc điểm của các DNNVV thì nhu cầu vốn không qua lớn, quay vòng nhanh, chính vì thế có thể phân tán được rủi ro.
1.3.2.3 Đối với nền kinh tế
Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động
Chúng ta đã thấy được vai trò quan trọng của DNNVV trong nền kinh tế. Khi doanh nghiệp giải quyết được khó khăn về vốn thì sẽ phát triển rộng lớn cả về qui mô lẫn chất lượng. Từ đó trở thành một khu vực thu hút một lượng lao động giải quyết nạn thất nghiệp cho nền kinh tế, đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam. Với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đất canh tác nông nghiệp giảm sút, số nông dân nhàn rỗi không ngừng tăng lên, và các DNNVV là những doanh nghiệp có qui mô nhỏ, sản xuất giản đơn, không yêu cầu tay nghề quá phức tạp sẽ là nơi thu hút số lao động dư thừa này. Mặt khác khi đã được đầu tư, năng lực sản xuất tăng, đời sống của người lao động cũng được quan tâm hơn, từ đó cải thiện mức sống của người dân.
Thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế
Vốn vay của các ngân hàng giúp cho các DNNVV phát triển từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giúp cân bằng giữa các vùng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nâng cao mức sống,…Bên cạnh đó nó còn thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, quan hệ thương mại quốc tế, đẩy nhanh quá trình hội nhập với kinh tế thế giới.