vốn kinh doanh
Như đã phân tích ở trên, Công ty hoạt động chính chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp với tư cách là nhà thầu. So với các ngành sản xuất khác, ngành xây lắp có những đặc điểm kinh tế - kỹ thuật riêng biệt, điều này thể hiện rõ nét ở sản phẩm xây lắp, và quá trình tạo ra sản phẩm của ngành. Điều này đã chi phối đến hiệu quả sử dụng vốn của DN.
- Sản phẩm xây lắp có tính chất cố định: Sản phẩm xây dựng sau khi hoàn thành thì không thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, mà nơi sản xuất đồng thời là nơi sử dụng công trình sau này. Do đó, các điều kiện địa chất, khí hậu, thủy văn, cơ sở hạ tầng ở nơi địa điểm xây dựng công trình được lựa chọn có ảnh hưởng rất
lớn đến quá trình xây dựng và khai thác công trình, vì thế trong quản lý kinh tế xây dựng phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, điều tra, khảo sát để lựa chọn địa bàn xây dựng.
Mặt khác, do sản phẩm xây dựng cố định nên lực lượng lao động, máy móc thiết bị của ngành xây dựng thường xuyên phải di chuyển từ công trình này sang công trình khác. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của người lao động, chi phí cho khâu di chuyển máy móc rất tốn kém đòi hỏi công tác quản lý VCĐ trong ngành xây dựng phải có những biện pháp thích ứng như thuê MMTB thay vì mua khi chi phí di chuyển quá lớn, ...
- Sản phẩm xây dựng có thời gian sử dụng lâu dài: Sản phẩm của xây dựng cơ bản thường tồn tại và hoạt động trong nhiều năm, có thể tồn tại vĩnh viễn. Đặc điểm này đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng tới công tác quản lý chất lượng sản phẩm trong tất cả các khâu từ điều tra, khảo sát, thiết kế cho đến thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình.
- Sản phẩm xây dựng có quy mô lớn, kết cấu phức tạp: Quy mô của sản phẩm xây dựng được thể hiện về mặt hiện vật là khối vật chất lớn, về mặt giá trị là vốn nhiều. Kết cấu sản phẩm phức tạp, một công trình gồm các hạng mục công trình, một hạng mục công trình có thể có nhiều đơn vị công trình, một đơn vị công trình gồm nhiều bộ phận, bộ phận công trình lại có yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Điều này đòi hỏi khối lượng vốn đầu tư, vật tư, máy móc, thi công nhiều và đòi hỏi phải có nhiều giải pháp thi công khác nhau. Do vậy, trong quản lý xây dựng phải chú trọng kế hoạch khối lượng, kế hoạch vốn đầu tư, lập định mức kinh tế kỹ thuật và quản lý.
- Thời gian xây dựng công trình dài: Điều này dẫn đến vốn đầu tư xây dựng của chủ đầu tư và VKD của tổ chức xây dựng bị ứ đọng lâu. Các tổ chức xây dựng dễ gặp phải các rủi ro ngẫu nhiên theo thời gian như thời tiết, sự thay đổi của tỷ giá hồi đoái, giá cả thị trường… Công trình xây dựng dễ bị hao mòn ngay khi hoàn thành, do sự phát triển của khoa học công nghệ nếu thời gian thiết kế và thi công xây dựng dài. Điều này đòi hỏi các bên tham gia phải chú trọng về mặt thời gian,
phương thức thanh toán, lựa chọn phương án, tiến độ thi công phù hợp cho từng hạng mục công trình, toàn bộ công trình.
- Sản phẩm xây dựng mang tính đơn chiếc: Không bao giờ có hai công trình xây dựng giống hệt nhau, bởi lẽ sản phẩm xây dựng được sản xuất theo đơn đặt hàng, ngay sau khi hoàn thành sẽ được tiêu thụ ngay theo giá cả đã thỏa thuận giữa các bên tham gia. Điều này dẫn đến năng suất lao động không cao, gây khó khăn trong việc tính toán chi phí sản xuất, so sánh giá thành, mức hạ giá thành của sản phẩm xây lắp.
- Hoạt động xây dựng chủ yếu ngoài trời nên chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng này thường xuyên làm gián đoạn quá trình thi công, ảnh hưởng đến sản phẩm dở dang, vật tư thiết bị thi công …Đặc điểm này yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phải lập tiến độ thi công, tổ chức lao động hợp lý để tránh thời tiết xấu, giảm thiểu tổn thất do thời tiết gây ra,…
Bên cạnh các đặc điểm của sản phẩm xây lắp, thì quy định đối với hợp đồng xây dựng cũng có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sử dụng vốn của DN xây dựng, như quy định về tạm ứng đã góp phần giúp DN có thêm vốn để sử dụng trong hoạt động SXKD. Nhưng mặt khác, khi thực hiện hợp đồng DN xây dựng cần có 4 loại bảo lãnh sau:
- Bảo lãnh dự thầu. Trong khoản 2, Điều 27, Luật đấu thầu có quy định: “Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu theo một mức xác định căn cứ tính chất của từng gói thầu cụ thể nhưng không vượt quá 3% giá gói thầu được duyệt”.
- Bảo lãnh tạm ứng. Ngày 07/05/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2010/NĐ-CP hướng dẫn về một số nội dung của hợp đồng trong hoạt động xây dựng có quy định: “Trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, thì bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng” nếu các bên thỏa thuận phải có bảo lãnh tiền tạm ứng.
- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Nghị định 48/2010/NĐ-CP cũng quy định “Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu và tối đa bằng 10% giá hợp đồng; trường hợp để phòng ngừa rủi ro cao thì giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng có thể cao hơn nhưng không quá 30% giá hợp đồng và phải được Người quyết định đầu tư chấp thuận”
- Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tại khoản 2, Điều 29, Nghị định 209/2004/NĐ-CP ban hành ngày 16/12/2004 có quy định mức tiền bảo hành công trình:
“- 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng hoặc hạng mục công trình xây dựng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
- 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng hoặc hạng mục công trình xây dựng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”
Điều này cho thấy, DN xây dựng cần bảo lãnh với giá trị lớn. Vì vậy, các DN thường sử dụng các hình thức bảo lãnh của Ngân hàng. Các Ngân hàng trước khi bảo lãnh thường căn cứ đặc điểm tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính và uy tín của khách hàng, ngân hàng và khách hàng thoả thuận áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh. Các hình thức bảo đảm cho bảo lãnh bao gồm: Ký quỹ, cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh tài sản của bên thứ ba và các biện pháp thế chấp khác theo quy định của pháp luật.
Nếu DN có uy tín thấp trên thị trường, thì DN đó cần một lượng lớn TS để cầm cố, thế chấp cho các khoản bảo lãnh nêu trên, khoản vốn trong các khoản bảo lãnh này bị “đóng băng” trong thời gian thực hiện bảo lãnh sẽ làm vốn ứ đọng, chậm luân chuyển, đôi khi mất thời cơ kinh doanh. Đây là những khó khăn đáng kể cho nhà thầu.
Những đặc điểm nêu trên có ảnh hưởng rất lớn và cũng là những thách thức trong công tác quản lý vốn và tài sản trong kinh doanh của nhà thầu trong sản xuất thi công.