Trong quá trình phát triển kinh tế, việc phát triển của DNNVV là vấn đề được nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên mức độ đánh giá vai trò, vị trí của SMEs ở từng giai đoạn có khác nhau:
- Giai đoạn 1: Từ hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa IV (tháng 8 năm 1979) đến tháng 8 năm 1986
Tại hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa IV, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quan điểm phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thừa nhận nhiều thành phần kinh tế. Việc chấp hành những quan điểm mới thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực công nghiệp. Trong giai đoạn này, toàn bộ ngành công nghiệp được chia thành công nghiệp quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp. Chính sách đối xử với khu vực quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn này nhìn chung là không bình đẳng. Các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp không được đầu tư đúng mức, việc vay vốn ngân hàng bị hạn chế. Với quan điểm các doanh nghiệp khu vực tiểu thủ công nghiệp chỉ là sự tồn tại tạm thời, các đơn vị cá thể phải tiến lên thành các đơn vị tập thể, các đơn vị tập thể có mức độ tập thể hóa tư liệu sản xuất bậc thấp phải chuyển lên hợp tác xã bậc cao. Hợp tác xã bậc cao khi có đủ điều kiện sẽ chuyển thành xí nghiệp quốc doanh.
- Giai đoạn 2: Từ năm 1986 đến khi Luật Doanh Nghiệp ra đời và có hiệu lực (tháng 6/1999)
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, chương trình cải cách kinh tế cơ bản của Việt Nam mới được đưa ra thực hiện với tên gọi: “Đổi mới”.
Học viện Ngân hàng
Cùng với nghị quyết số 16/NQTW ngày 15/7/1988 do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành đã thừa nhận vai trò của các khu vực ngoài quốc doanh và sự phát triển của chúng được Nhà nước chính thức khuyến khích và hỗ trợ. Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới cả về số lượng doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tính đến cuối năm 1994, sau gần mười năm từ khi có chủ trương phát triển mọi thành phần kinh tế, ngoài 6.042 doanh nghiệp nhà nước, số doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 20.240 doanh nghiệp tăng rất nhiều so với năm 1993 là 13.144, tuy nhiên đây vẫn là con số quá nhỏ bé đối với một quốc gia 74 triệu dân.
- Giai đoạn 3: Từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực cho đến nay
Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo thuận lợi trong việc đăng ký và hoạt động sản xuất kinh doanh cho các DNNVV. Các chính sách phát triển DNNVV được cụ thể hóa bằng các văn bản luật và dưới luật, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này. Trong khi DNNVV khu vực dân doanh tăng lên nhanh chóng thì khu vực nhà nước lại giảm mạnh do chủ chương sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Do hiện nay vấn đề hỗ trợ phát triển các DNNVV đã được Nhà nước quan tâm nên số lượng SMEs có xu hướng ngày càng tăng.
Nhưng hiện nay lạm phát, lãi suất cao làm chi phí đầu vào tăng cao tác động trực diện đến sản xuất kinh doanh. Hơn thế, chi phí trung gian tăng cao, khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Không ít các kế hoạch khởi nghiệp, đầu tư mới buộc phải dừng lại. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2011 giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2010. Không chỉ giảm về số lượng, tổng số
Học viện Ngân hàng
vốn đăng ký mới cũng giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2011, có khoảng 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký khoảng 232 nghìn tỷ đồng. Đây là động thái ngược lại so với năm 2010. Lúc đó, cả nước có khoảng 42.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 250.600 tỷ đồng, tăng 0,25% về số doanh nghiệp nhưng số vốn đăng ký tăng tới 27,8 nghìn tỷ đồng.
2.2. Thực trạng tình hình huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển với xuất phát điểm thấp đi kèm theo đó là những bất ổn và hạn chế của nền kinh tế khiến cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp trở nên khó khăn. Mặt khác, với mỗi một điều kiện kinh tế khác nhau, những yếu tố vĩ mô cũng là những nhân tố quan trọng chi phối phương thức huy động vốn của DN ở từng thời kỳ.