Chính sách về giáo dục

Một phần của tài liệu Thực trạng đói nghèo và hướng tác động của chính sách tới xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí mới ở Việt Nam (Trang 57)

II. CHÍNH SÁCH TÁC ĐỘNG CỤ THỂ

3.Chính sách về giáo dục

Mục đích:

Hỗ trợ con em hộ nghèo được tới trường học bình đẳng như các trẻ em khác, góp phần năng cao trình độ văn hóa của người nghèo, giảm nghèo bền vững.

Đối tượng phạm vi:

Con hộ nghèo và các thành viên khác của hộ nghèo trong độ tuổi đi học; trong đó ưu tiên con các hộ nghèo là dân tộc thiểu số và trẻ em tàn tật. Chính sách này thực hiện trên phạm vi cả nước, cả trường công lập và ngoài công lập.

Các nội dung:

- Miễn toàn bộ học phí (đối với các cấp học và bậc học phải đóng góp học phí) và các khoản đóng góp xây dựng trường cho học sinh là con các hộ nghèo là dân tộc thiểu số, trẻ em tàn tật.

- Giảm 50% học phí (đối với cấp học và bậc học phải đóng học phí) và 50% các khoản đóng góp xây dựng trường học cho học sinh là con các hộ nghèo khác.

- Giảm 50% học phí cho sinh viên là con các hộ nghèo ở các trường trung học dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.

- Hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho học sinh các cấp học phổ thông là con hộ nghèo dân tộc thiểu số sống ở xã khu vực III và các trường dân tộc nội trú.

Cơ chế thực hiện:

- Chính sách trên được thực hiện theo cơ chế hiện hành của Luật Giáo dục; Luật phổ cấp giáo dục tiểu học; Luật phổ cập giáo dục trung học và Quyết định 70/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ; Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 của Chính phủ về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- Bộ giáo dục và đào tạo hướng dẫn nội dung chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo vào năm 2006 và chỉ đạo thực hiện các khoản đóng góp xây dựng trường lớp, đối với nhóm học sinh nghèo. Phối hợp với Bộ tài chính xây dựng cơ chế và hướng dẫn thực hiện việc cấp bù ngân sách cho các trường khi thực hiện việc cấp vở viết, sách giáo khoa cho học sinh nghèo và thực hiện luật phổ cập giáo dục tiểu học.

- Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ tài chính xây dựng cơ chế Nhà nước trực tiếp chi trả học phí cho học sinh nghèo hoặc trả thay cho học sinh nghèo đối với cơ sở đào tạo kể cả công lập và ngoài công lập từ trung học cơ sở trở lên.

Kết quả dự kiến:

10 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí trong đó có 3 triệu lượt học sinh trung học phổ thông, 7 triệu lượt học sinh cơ sở (không tính 9 triệu lượt học sinh tiểu học).

Nhu cầu vốn:

Tổng nguồn vốn là 2.073 tỷ đồng (Ngân sách TW), bình quân một năm là 414,6 tỷ đồng.

Một phần của tài liệu Thực trạng đói nghèo và hướng tác động của chính sách tới xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí mới ở Việt Nam (Trang 57)