Những lưu ý khi chuyển dịch câu hỏi KCD từ tiếng Ý sang tiếng Việt

Một phần của tài liệu Chức năng dụng học của câu hỏi không chính danh trong tiếng Ý (có liên hệ với tiếng Việt (Trang 95)

Dịch thuật là một lĩnh vực đã được không ít các học giả đề cập với những bộ tiêu chí, quan điểm, đánh giá khác nhau. Trong bài báo viết về Bản chất dịch thuật, Nguyễn Hồng Cổn cho rằng: “Dịch thuật, xét về bản chất, là một hoạt động giao tiếp liên ngữ và liên văn hoá, có liên quan chặt chẽ và chịu sự tác động đa chiều của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Vì vậy, để thực hành tốt hoạt động dịch thuật cũng như phân tích, đánh giá quá trình dịch thuật và sản phẩm dịch thuật, ngoài việc phải thông thạo ngữ đích và ngữ nguồn và có những tri thức văn hoá xã hội cần thiết, cần phải đặt quá trình dịch thuật và sản phẩm dịch thuật vào trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể làm nảy sinh một hoạt động dịch thuật nhất định.”.

Bởi rõ ràng mục đích cuối cùng của hoạt động dịch thuật là phải chuyển tải được dụng ý giao tiếp của tác giả văn bản nguồn đến người tiếp nhận văn bản đích. Một sản phẩm dịch có giá trị tương đương 4 với văn bản gốc về mặt giá trị giao tiếp như vậy đòi hỏi

__________________

4 Theo Nguyễn Hồng Cổn tương đương dịch thuật là sự trùng hợp hay tương ứng trên một hoặc nhiều bình diện (ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng) giữa đơn vị dịch thuật của văn bản nguồn và văn bản đích với tư cách vừa là sản phẩm vừa là phương tiện của dịch thuật như một quá trình giao tiếp.

96

người dịch phải biết cách xử lý trong quá trình dịch thuật, phải đặt yếu tố cần dịch trong mối quan hệ của nó với các thông số tình huống giao tiếp và bối cảnh văn hoá xã hội, hay nói chung là "cảnh huống" (context of situation) giao tiếp. Các nhà nghiên cứu và đào về dịch thuật ở Pháp D. Selékovitch và M. Lederer trong cuốn Interpreter pour traduire (1993) cũng khẳng định điều này. Do vậy khâu xử lý nội văn bản này sẽ giúp người dịch nắm bắt được đúng ý đồ của người nói và giá trị giao tiếp của đối tượng cần dịch trong tình huống giao tiếp cụ thể, để từ đó tìm các phương thức biểu đạt có giá trị tương đương trong ngôn ngữ đích.

Như đã phân tích ở Chương 1, hành động hỏi có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên câu hỏi là hình thức phổ biến và đặc trưng nhất. Và câu hỏi ngoài chức năng là công cụ để thực hiện hành động hỏi (giá trị tại ngôn trực tiếp), còn có thể thực hiện một số hành động khác thông qua các giá trị tại ngôn gián tiếp khác nhau. Rõ ràng, đối với câu hỏi dùng đúng nghĩa, đúng mục đích là để tìm kiếm thông tin và cần trả lời thông tin đó, chúng ta dễ dàng tìm được một sự tương ứng một – một giữa ngữ nguồn và ngữ đích. Vấn đề thường đặt ra và người dịch phải xử lý trong quá trình dịch thuật khi người nói đặt một câu hỏi không phải để yêu cầu thông tin mà để thực hiện một HĐNT nào khác. Ở trường hợp này, để có thể truyền tải được dụng ý của người nói cần phải có những khâu xử lý nội văn bản như đã trình bày ở trên. Bởi đối với nhóm câu hỏi này, việc nhận diện được đích ở lời không thể chỉ dựa vào câu chữ biểu thị chúng mà cần phải suy ý và dựa vào ngữ cảnh mà chúng được sử dụng. Do đó việc chuyển dịch nhóm câu hỏi này từ tiếng Ý sang tiếng Việt đòi hỏi phải có một sự đầu tư chuyên sâu cả về khả năng ngôn ngữ ở hai thứ tiếng và kiến thức văn hóa xã hội khác. Để có được một cơ sở thực tiễn nhằm đưa ra một số nhận xét sơ bộ về các vấn đề cần lưu ý trong quá trình dịch thuật, chúng tôi tiến hành khảo sát các bản dịch câu hỏi KCD từ tiếng Ý sang tiếng Việt. Ngữ liệu được chọn từ các tác phẩm tiếng Ý đương đại nổi tiếng như: Io non ho paura (Tôi không sợ hãi), La solitudine dei numeri primi (Nỗi cô đơn của các số nguyên tố), Oceano mare (Đại dương biển)

97

Chúng tôi chọn trong tác phẩm gốc những đoạn hội thoại có chứa câu hỏi yêu cầu hành động, câu hỏi tu từ và câu hỏi điều tiết và thực hiện khảo sát trên khoảng 100 sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 đang theo học dịch tại Khoa tiếng Ý (trường Đại học Hà Nội). Nhiệm vụ của chúng tôi là thống kê các bản dịch đạt đến mức độ tương đương ngữ nghĩa và các bản dịch tương đương ngữ dụng. Chúng tôi chỉ giới hạn thống kê hai loại hình dịch tương đương này vì quá trình xử lý văn bản của hai loại hình trên gần như tương ứng với hai thao tác quan yếu trong hoạt động dịch thuật:

 Giải mã các ký hiệu ngôn ngữ, tức là nhận diện ngữ nghĩa của các yếu tố từ vựng, ngữ pháp hiện diện trong câu (Tương đương ngữ nghĩa)

 Căn cứ vào ngữ cảnh và bối cảnh tình huống và các yếu tố ngoài ngôn ngữ (nếu có) để lựa chọn một yếu tố thích đáng nhất trong số các ý nghĩa ngôn ngữ tiềm ẩn, loại trừ các nét nghĩa không phù hợp trong văn cảnh (Tương đương ngữ dụng).

Từ đó chúng tôi có thể dễ dàng phân tích và nhận diện những điểm cần lưu ý để từ đó có thể chuyển tải một cách tự nhiên nhất ý đồ giao tiếp của tác giả từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích.

Tỉ lệ tương quan giữa tương đương ngữ nghĩa và tương đương ngữ dụng trong bản dịch của sinh viên được chúng tôi thể hiện ở biểu đồ sau:

98 0 20 40 60 80 100

CH YCHĐ CH tu từ CH điều tiết

Tương đương ngữ nghĩa Tương đương ngữ dụng

Biểu đồ 3.1: Sự tương quan giữa TĐNN và TĐND

Quan sát biểu đồ trên, có thể thấy rằng câu hỏi điều tiết có tỉ lệ bản dịch đạt TĐND rất khả quan, điều đó chứng tỏ người học gần như không gặp khó khăn trong khâu chuyển dịch nhóm câu hỏi này. Tiếp theo đó là nhóm câu hỏi yêu cầu hành động. Tổng số bản dịch thỏa mãn tiêu chí lựa chọn (phải đáp ứng hoặc về ngữ nghĩa hoặc về ngữ dụng) chiếm 86%, trong đó bản dịch đạt TĐNN là 45%, và 41% là tỉ lệ bản dịch TĐND. Lỗi mà sinh viên thường mắc phải khi dịch nhóm câu hỏi này là dịch bám từ, lệ thuộc vào cấu trúc ngữ pháp và không chú ý đến ngữ cảnh của câu. Sau đây là một trong số những ví dụ:

(1) – Lo vuoi? È delizioso questo piatto!

Và giải pháp dịch của sinh viên đã tham gia vào chương trình khảo sát của chúng tôi:

(1.1) – Cậu muốn không? (1.2) – Cậu muốn chứ? (1.3) – Cậu muốn hả?

99

Rõ ràng, ba phương án trên đây mới chỉ dừng lại ở việc nhận diện ngữ nghĩa của các yếu tố từ vựng ngữ pháp hiện diện trong câu chứ chưa đạt đến tương đương về giá trị ngữ dụng. Nếu kết nối với yếu tố ngữ cảnh È delizioso questo piatto(Món này ngon lắm!) thì cần phải dịch rõ ràng, cụ thể câu hỏi (1):

(1.4) - Cậu có muốn ăn món này không?

Hay:

(1.5) – Cậu thử món này nhé?

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là phương án dịch nhóm câu hỏi tu từ. Tổng số bản dịch đạt chiếm 69%, trong đó 42% là TĐNN, 27% TĐND. Tỉ lệ chung của nhóm câu hỏi này thấp hơn so với các nhóm khác, có thể là do câu hỏi tu từ khó hơn và phức tạp hơn trong sử dụng và nhận diện. Một khi sinh viên chưa làm chủ được hệ thống ngôn ngữ và chưa tích lũy đủ kỹ năng thực hành thì việc nhận diện ngữ nghĩa và ngôn nghĩa của câu vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt làm thế nào để chuyển tải đúng sắc thái tu từ từ tiếng Ý sang tiếng Việt. Chúng ta cùng quan sát một ví dụ sau:

(2) Piangi? Pensa a quello che hai fatto!

Có các phương án dịch là:

(2.1) Mày khóc à?

(2.2) Mày đang khóc phải không? (2.3) Mày lại còn khóc được cơ à? (2.4) Khóc đi? (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(2.5) Còn khóc lóc cái nỗi gì? (2.6) Mày khóc cơ à?

Ví dụ trên đây khá đơn giản về mặt cấu trúc ngữ nghĩa, tuy nhiên chuyển tải được giá trị ngữ dụng của nó lại không phải là công việc dễ dàng. Nếu tách câu hỏi

Piangi? ra khỏi ngữ cảnh thì chúng ta dễ nhầm tưởng đó là câu hỏi yêu cầu xác nhận như phương án (2.1) và (2.2) nhưng khi kết hợp với yếu tố ngữ cảnh Pensa a quello

100

che hai fatto! (Mày thử nghĩ xem mày đã làm gì!) thì (2) trở thành câu hỏi tu từ - quở trách. Trong khi phương án (2.4) được chuyển dịch thành câu hỏi - thách thức, phương án này không phù hợp với ngữ cảnh mà câu được sử dụng. Phương án (2.6) cũng đã chuyển tải một phần nội hàm của câu hỏi tuy nhiên vẫn chưa thể hiện được rõ sắc thái tu từ. Như vậy chỉ có (2.3) và (2.5) là hai phương án hoàn toàn thỏa mãn với điều kiện ngữ cảnh đã nêu, đặc biệt sắc thái tu từ đã được chuyển tải phù hợp với văn phong của tiếng Việt.

Một ví dụ khác về sự biến đổi cấu trúc câu trong tiếng Việt làm thay đổi sắc thái tu từ của câu:

(3) - Mi dai la penna

- Ma te l’ho già restituita ieri? Dopo la lezione, ti ricordi?

- Ah sì, scusa, che testa che ho!

(3.1) Nhưng tớ chẳng đã trả cậu hôm qua rồi còn gì? (3.2) Chẳng phải mình đã trả nó cho cậu hôm qua rồi sao? (3.3) Tớ đã trả cậu hôm qua rồi chứ nhỉ?

Quan sát các phương án trên, chúng ta nhận thấy, do sự khác biệt về loại hình giữa hai ngôn ngữ, một phát ngôn trong tiếng Ý có thể có hơn một tương đương ngữ pháp – ngữ nghĩa trong tiếng Việt. Bằng cách sử dụng các khuôn hỏi, tiểu từ tình thái khác nhau, sắc thái câu hỏi tu từ trong tiếng Việt vì thế cũng ít nhiều thay đổi. Nếu xét bản dịch ngoài ngữ cảnh, cả ba phương án trên đều thỏa mãn về mặt ngữ nghĩa, tuy nhiên nếu đặt chúng trong ngữ cảnh: Dopo la lezione, ti ricordi? Sau buổi học ấy, cậu có nhớ không?Ah sì, scusa, che testa che ho! À ừ đúng rồi, xin lỗi cậu, đầu với cả óc!

thì chỉ có phương án (3.1) là thỏa mãn vì đây là lời khẳng định chắc chắn 100% là đã trả bút rồi vì sau câu hỏi là minh chứng để cho người bạn nhớ lại, còn phương án (3.2) - có ý nghĩa khẳng định và khá chắc chắn nội dung mình nói đến và (3.3) - không dám khẳng định hoàn toàn nhưng nhớ mang máng là đã trả rồi, tuy nhiên vẫn cần xác định

101

lại thông tin, không phù hợp với ngữ cảnh. Vì vậy trong quá trình dịch chúng ta cần lưu ý đến vấn đề này, đặc biệt đối với các yếu tố tình thái hóa trong tiếng Việt.

Lỗi xác định vai giao tiếp cũng là một vấn đề cần lưu ý. Như đã phân tích trong phần đầu của Chương 3, đại từ chỉ ngôi (hay đại từ nhân xưng) trong tiếng Việt khá phức tạp, ngoài những đại từ chỉ ngôi chuyên dùng, thì tiếng Việt còn sử dụng đại từ chỉ ngôi lâm thời (thường là các danh từ chỉ quan hệ thân thuộc: cụ, ông, bà, bố, mẹ, chú, bác, thím, cô, cậu, mợ, dì, anh, chị, em, con, cháu,…). Trong khi trong tiếng Ý, dù ở hoàn cảnh giao tiếp nào, người ta cũng chỉ sử dụng đại từ IO ở ngôi thứ nhất và ngôi TU ở ngôi thứ hai đối với hoàn cảnh giao tiếp thân mật và LEI đối với hoàn cảnh giao tiếp trang trọng. Vì vậy trong quá trình chuyển dịch từ tiếng Ý sang tiếng Việt, cần phải xác định rõ các vai giao tiếp và mối quan hệ giữa các bên tham thoại thì mới có thể tìm được các đại từ nhân xưng tương ứng trong tiếng Việt. Dưới đây là một ví dụ:

(4) “Sol, accidenti, hai di nuovo messo la panna nel sugo” si lamentò sua madre con la governante “Quante volte te lo devo ripetere che non la digerisco?” La madre di Alice spinse in avanti il piatto con disgusto.

Bản dịch của sinh viên:

(4.1) Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần là mẹ không tiêu hóa nổi cái thứ này cơ mà?

(4.2) Tôi phải nhắc bạn bao nhiêu lần rằng tôi không tiêu hóa được cái thứ này cơ mà?

(4.3) Con phải nói bao nhiêu lần nữa rằng con không tiêu hóa được thứ này mà?

Cả ba phương án trên đều mắc lỗi xác định vai giao tiếp. Người dịch đã không hiểu hoặc không chú ý đến yếu tố ngữ cảnh là: “Sol, accidenti, hai di nuovo messo la panna nel sugo” si lamentò sua madre con la governante …. La madre di Alice spinse in avanti il piatto con disgusto. “Ôi trời, Sol, chị lại cho kem vào nước sốt rồi” Mẹ của Alice nhăn nhó phàn nàn với người giúp việc, tay đẩy đĩa mì ra xa. Có ba đối tượng

102

được nhắc đến trong ngữ cảnh: người mẹ, cô con gái Alice và chị giúp việc Sol. Tuy nhiên câu hỏi tu từ - quở trách mà người mẹ nói hướng đến chị giúp việc. Vì vậy phương án dịch đúng cho tình huống này phải là:

(4.4) Tôi đã bảo chị bao nhiêu lần là tôi không tiêu hóa được cái thứ này cơ mà?”

Trên đây chỉ là một số điểm cần lưu ý trong quá trình chuyển dịch câu hỏi KCD từ tiếng Ý sang tiếng Việt được rút ra trên cơ sở phân tích và đánh giá các bản dịch của sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 tại khoa tiếng Ý (trường Đại học Hà Nội). Để giải quyết được những vấn đề trên ngoài việc phải thông thạo hai thứ tiếng, cần phải trang bị đầy đủ cho mình những kiến thức về văn hóa – xã hội và đặc biệt là phải đặt đối tượng cần dịch trong ngữ cảnh giao tiếp cụ thể thì sản phẩm dịch mới có thể đạt tới tiêu chí TÍN – ĐẠT – NHÃ.

103

Tiểu kết 3:

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc so sánh đối chiếu trong nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy ngoại ngữ, trong khuôn khổ chương này chúng tôi chỉ có thể trình bày một số nhận xét về sự tương đồng và khác biệt về giá trị ngữ dụng của câu hỏi KCD qua hình thức thể hiện trong tiếng Ý và tiếng Việt, trong ngữ cảnh mà chúng xuất hiện cũng như văn hóa giao tiếp của người Việt và người Ý đối với nhóm câu hỏi KCD. Thao tác này sẽ giúp chúng tôi hiểu và nắm rõ hơn các quy tắc chi phối hoạt động của câu hỏi KCD trên bình diện của mặt hình thức và mặt nội dung trong mối liên hệ có tính chức năng trong các tình huống giao tiếp xã hội. Trên cơ sở đó, việc ứng dụng trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ cũng như dịch thuật sẽ trở nên thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ, do đặc thù là một nhóm câu hỏi khó và chưa được đưa vào giảng dạy một cách hệ thống và có trọng tâm nên việc nghiên cứu hành vi hỏi và câu hỏi KCD sẽ cho phép chúng ta không chỉ dừng ở việc dạy cho người học biết cách đặt câu hỏi đúng mà còn giúp cho người học biết cách sử dụng câu hỏi như một công cụ giao tiếp. Mặt khác với tư cách là người được hỏi, người học, nhờ vào hiểu biết các giá trị khác nhau của câu hỏi, sẽ tiếp nhận câu hỏi đúng với giá trị của nó, và vì thế sẽ đưa ra lời đáp phù hợp với ý đồ giao tiếp của người hỏi. Để đạt được điều đó cần phải:

 Cung cấp cơ sở lý thuyết về giá trị ngữ nghĩa – ngữ dụng chính là tạo ra tiền đề cơ bản giúp người học có thể có những thao tác nghiên cứu và phân tích giá trị của câu hỏi, trước hết là phục vụ cho bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và trên cơ sở đó, người học dễ dàng tiếp cận và chuyển tải ý đồ giao tiếp của văn bản nguồn sang văn bản đích trong quá trình dịch thuật. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

 Thiết kế đưa nhóm câu hỏi KCD vào giảng dạy một cách có hệ thống dựa vào sự tương đồng và khác biệt về giá trị trong hai ngôn ngữ và trong hai nền văn hóa, giúp

104

người học tiếp thu và sử dụng câu hỏi như một công cụ giao tiếp, phù hợp với các chuẩn mực ngôn ngữ và văn hóa.

Một phần của tài liệu Chức năng dụng học của câu hỏi không chính danh trong tiếng Ý (có liên hệ với tiếng Việt (Trang 95)