Hình 3.3: Biểu đồ so sánh hàm lượng SO2, NOX, bụi tổng số giữa các vị trí quan trắc trong hồ chứa Quan Sơn
Đồ thị trên thể hiện sự so sánh chất lượng môi trường không khí xung quanh giữa các khu vực trong hồ chứa Quan Sơn. Kết quả cho thấy cả 5 vị trí quan trắc chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm và tương đối đồng nhất về chất lượng. Hàm lượng SO2, NOX, bụi tổng số có chiều hướng tăng dần từ hồ Tuy Lai đến đập tràn Vĩnh An và khu vực cầu Dậm hồ Quan Sơn. Chất lượng môi trường không khí xung quanh có xu hướng tốt hơn từ hồ Quan Sơn đến đập Vĩnh An và hồ Tuy Lai.
3.1.3.4. Hiện trạng các hệ sinh thái khu vực
i). Hệ sinh thái hồ;
Sinh cảnh chính vùng hồ Quan Sơn là diện tích mặt nước hồ lên tới 959ha chạy dọc 4 xã Hợp Tiến, Hồng Sơn, Tuy Lai, Thượng Lâm. Hình dạng hồ là một dải từ Bắc đến Nam, mực nước hồ khá sâu vào mùa nước đầy cùng với hàm lượng chất dinh dưỡng thích hợp, thuận lợi cho nhiều loài thủy sinh vật sinh sống.
Hồ được chia thành nhiều hồ nhỏ do người dân đắp đập phân chia các vùng nuôi cá và chỉ được thông với nhâu qua các cửa cống. Tính đa dạng các loài cá giảm dần từ hồ Dưới Đăng, hồ Sông Ngoài, hồ Giang Nội, hồ Ngái đến hồ Tuy Lai.
Ngoài cá, động vật phổ biến nhất thường hay xuất hiện ở khu vực hồ là một số loài chim như bồng chanh và cò bợ…. thường xuyên bay liệng sát mặt hồ để kiếm ăn.
Thực vật vào mùa nước lên ngoài những bãi lau sậy, cây sống ngập nước còn có một số loài cây rất phổ biến ở hồ là cây hoa trang trắng, hoa súng và hoa sen. Khu vực hồ Ngái Lạng gần hồ Tuy Lai còn xuất hiện cây củ ấu mọc nhiều trên diện tích bề mặt hồ tương tự như cây sen, cây súng.
ii.) Hệ sinh thái núi đá vôi
Khu vực hồ Quan Sơn bao gồm trên dưới 100 ngọn núi đá vôi nằm bao quanh phía Tây và trong lòng hồ, với độ cao trung bình từ 100 – 200m. Dãy núi đá vôi cùng với hồ còn tạo nên các thung nhỏ như: Thung Voi Nước, Thung Cống…. xen kẽ là các đồi đất do sự phong hóa của núi đá vôi tạo thành.
Diện tích che phủ thực vật trên các núi đá vôi này là tương đối lớn và trải đều ở các khu vực, không thấy có tình trạng đồi núi trọc. Thảm thực vật ở đây không có sự phân tầng nhiều. Động vật của vùng núi đá vôi không đa dạng và cũng không xuất hiện nhiều, chủ yếu là do sự tác động và xâm nhập quá sâu của con người.
iii.) Hệ sinh thái nông nghiệp
Hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm những ruộng lúa, ruộng ngô, ruộng sắn, vườn cây ăn quả trong khu vực quanh hồ. Phần lớn các diện tích trồng lúa nước nằm ở phía Đông của hồ Quan Sơn. Đây là khu vực địa hình đồng bằng do sông Đáy bồi đắp phù sa, có đặc điểm thổ nhưỡng thích hợp với hoạt động trồng lúa nước. Vào mùa khô ruộng được cung cấp bởi nguồn nước tưới tiêu lấy từ hệ thống hồ Quan Sơn. Ruộng lúa nước còn phân bố ở một số thung – khu vực thấp trũng giáp ranh với phần hồ.
Các loài động vật sinh sống ở hệ sinh thái nông nghiệp không đa dạng, có mối quan hệ dinh dưỡng đơn giản. Một số loài thường gặp là chuột đồng, rắn, cua, cá, ốc, ếch ……. và các loài gia súc, gia cầm do người dân chăn nuôi như ngan, vịt, trâu, bò ….
Như đã trình bày phần trên vùng hồ Quan Sơn trải dài trên địa phận 4 xã là; Hợp Tiến, Hồng Sơn, Tuy Lai và Thượng Lâm. Trong đó xã Hợp Tiến là xã có mật độ dân cư đông nhất với 847 người/km2, xã Hồng Sơn là xã có mật độ dân cư thấp nhất với 414 người/km2
, xã Tuy Lai là xã có diện tích rộng nhất và cũng có mật độ dân cư khá thưa thớt với 485 người/km2. Điều này góp phần củng cố lý giải về thảm thực vật mọc tương đối dày trên hệ sinh thái ao hồ vùng này.
Quần xã sinh vật ở đây là quần xã sinh vật nhân tạo. Thực vật ở khu vực dân cư cũng tương đối đa dạng phong phú với các loại cây trồng có mục đích khác nhau bao gồm; Cây ăn quả như ổi, cam, bưởi, nhãn... cây lấy bóng mát như bàng, cây gạo, phượng vỹ, cây làm cảnh như xanh, si, vạn tuế, cau lùn …