đối với các DNVVN
a. Sự tác động của môi trường vĩ mô
* Sự tác động của môi trường kinh tế.
Ngân hàng là một chủ thể trong nền kinh tế. Đặc biệt, nó đóng vai trò là trung gian của nền kinh tế, là cầu nối giữa các khu vực khác nhau của nền kinh tế. Chính vì vậy, sự ổn định hay mất ổn định của nền kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngân hàng. Nếu môi trường kinh tế ổn định, nền kinh tế trong giai đoạn hưng thịnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DNVVN trong việc kinh doanh và đạt lợi nhuận cao, các doanh nghiệp này sẽ tăng cường vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Kết quả kinh doanh tốt sẽ giúp các DNVVN có khả năng thực hiện đúng các cam kết tín dụng với ngân hàng. Từ đó ngân hàng có điều kiện hơn trong việc mở rộng tín dụng để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tín dụng của các DNVVN.
Trong một môi trường chính trị ổn định, các DNVVN sẽ yên tâm sản xuất kinh doanh và có khả năng tăng cường mở rộng sản xuất, kết quả kinh doanh cao, cầu tín dụng tăng lên và cùng với đó khả năng mở rộng tín dụng với các DNVVN của ngân hàng cũng tăng lên.
* Sự tác động của môi trường pháp lý.
Một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động tín dụng ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng cho các DNVVN sẽ thực sự là kim chỉ nam giúp các ngân hàng có cơ sở để tiến hành hoạt động của mình một cách trôi chảy cũng như có điều kiện mở rộng tín dụng cho các DNVVN hơn. Ngoài ra, với chính sách pháp luật tạo ra được sân chơi bình đẳng cho các DNVVN với các thành phần kinh tế khác về mọi lĩnh vực sẽ là một trong những nhân tố giúp cho các DNVVN dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
* Sự tác động của môi trường tự nhiên.
Môi trường tự nhiên không thuận lợi như hạn hán, lũ lụt, động đất, hỏa hoạn…sẽ dẫn tới giảm đầu tư trong nền kinh tế, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các DNVVN nói riêng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc giảm doanh số cho vay của ngân hàng mà còn ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng. Từ đó, chất lượng tín dụng cũng như khả năng mở rộng tín dụng của ngân hàng giảm sút.
* Sự tác động của môi trường văn hóa - xã hội.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa được tạo lập từ những thói quen của người dân và nó ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực hoạt động, khả năng tiêu thụ hàng hóa của các DNVVN cũng như khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó nó ảnh hưởng ít nhiều đến việc mở rộng tín dụng ngân hàng đối với DNVVN. Ngoài ra, môi trường văn hóa - xã hội còn tác động tới tư cách đạo đức của người vay hay sự sẵn lòng trả nợ của người vay, mà đây lại chính là cơ sở cho ngân hàng tiếp tục mở rộng tín dụng đối với khách hàng.
Công nghệ phát triển với tốc độ cao giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội sử dụng công nghệ tiên tiến phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh, đem lại kết quả tốt làm tăng năng lực của các doanh nghiệp. Nhưng nó lại khiến các doanh nghiệp yếu kém, đặc biệt là các DNVVN với trình độ, năng lực hạn chế sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận cũng như ứng dụng công nghệ, bởi chi phí cho việc đổi mới công nghệ là rất lớn. Dẫn đến việc các DNVVN bị yếu thế trong cạnh tranh, khả năng trả nợ vay ngân hàng cũng như tiếp cận với cơ hội vay trong tương lai có thể gặp trở ngại, và điều đó làm cho khả năng mở rộng tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp này bị giảm đi.
b. Sự tác động của môi trường vi mô
Một thực tế hết sức bất cập hiện nay là trong khi nguồn vốn tín dụng của NHTM, vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài dành cho các DNVVN rất dồi dào thì việc tiếp cận, khai thác cơ hội từ các nguồn vốn này của các DNVVN lại rất hạn chế.
DNVVN ở nước ta chiếm 97% trong tổng số gần 300,000 doanh nghiệp, đóng góp khoảng 26% GDP, tạo ra khoảng 77% việc làm phi nông nghiệp. Có vai trò như vậy, nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn sản xuất - kinh doanh. Về lý thuyết, số lượng DNVVN đông đảo với đặc thù ít vốn chính là đối tượng khách hàng đầy tiềm năng của các ngân hàng. Bằng chứng là, ước tính có đến 80% lượng vốn cung ứng cho DNVVN là từ kênh ngân hàng, song theo một điều tra mới đây của Cục phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy chỉ có 32.38% DNVVN có khả năng tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng, 35.24% khó tiếp cận và 32.38% không tiếp cận được. Rõ ràng là, giữa DNVVN và các ngân hàng vẫn còn có khoảng cách mà không bên nào muốn. Nguyên nhân là do giữa ngân hàng với các DNVVN còn tồn tại rất nhiều rào cản dẫn tới cung và cầu chưa có tiếng nói chung.
* Những khó khăn từ phía các ngân hàng khi cho vay DNVVN
Thiếu thông tin tài chính tin cậy về DNVVN. Hiện nay, Trung tâm tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC) là tổ chức duy nhất thực hiện công tác thu thập thông tin của các khách hàng có quan hệ tín dụng với tất cả các tổ chức tín dụng. Trên thực tế, các thông tin hiện có của CIC có độ cập nhật không cao và các chỉ tiêu còn chung chung. Điều đó ảnh hưởng lớn tới khả năng đánh giá và thẩm định khách hàng của ngân hàng.
Các ngân hàng luôn gặp khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án cho vay đối với các DNVVN ở vấn đề lựa chọn công nghệ phù hợp. Các doanh nghiệp thường có quy mô nhỏ cả về mặt tài chính, mặt bằng sản xuất, trình độ nhân lực… nhưng khi lập dự án đều đưa vào các loại thiết bị, máy móc rất đắt tiền, trong khi họ có thể lựa chọn các loại máy móc với công nghệ tương tự, giá thành rẻ hơn để đảm bảo tính hiệu quả của dự án.
Tâm lý đặt an toàn cao hơn hiệu quả kinh doanh, do đó, phần lớn thủ tục cho vay dựa trên tài sản bảo đảm, trong khi đó hầu hết các DNVVN tài sản rất nhỏ, bình quân giá trị khoảng 1.8 tỷ đồng/ doanh nghiệp. Hơn nữa yêu cầu khắt khe của ngân hàng về tài sản đảm bảo, nhất là việc định giá tài sản bảo đảm dẫn đến tỷ lệ cho vay thấp.
Trình độ cán bộ tín dụng còn nhiều bất cập bởi các DNVVN hoạt động đa dạng phong phú trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong khi cán bộ tín dụng thiếu kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực, ngành nghề cho vay dẫn tới việc chưa đánh giá đúng DNVVN, chưa dám mạnh dạn cho vay với đối tượng khách hàng đa dạng và phức tạp này vì sợ rủi ro cao.
Thiếu sự hỗ trợ, thiện chí giúp đỡ từ chính quyền địa phương, bên bảo lãnh khi cán bộ tín dụng cần đánh giá, xác minh tài sản và cam kết của người vay.
Các thủ tục cho vay rườm rà, quá trình thẩm định và xét duyệt cho vay kéo dài, chậm trễ, làm tốn thời gian, công sức của DNVVN thậm chí có thể làm lỡ mất cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Một số ngân hàng còn thụ động trong việc tiếp cận, nắm bắt, phân tích hoạt động của DNVVN. Chính sách khách hàng chưa rõ, chưa sát, thể hiện trong quy định về xếp loại khách hàng; về cho vay, lãi suất, đều chưa có các quy định cụ thể theo từng thị trường. Thêm vào đó, sản phẩm trọn gói cho DNVVN còn đơn điệu, hạn chế, chưa đáp ứng được một cách tốt nhất nhu cầu của các DNVVN.
Bên cạnh các chính sách tài sản thế chấp khắt khe, các thủ tục hành chính phức tạp, thì bản thân các ngân hàng chưa thực sự có những chính sách ưu tiên cụ thể đối với các DNVVN hoặc nếu có, thì đó mới chỉ dừng lại trên giấy tờ, chính sách chung chung. Hiện nay mới chỉ có một số ngân hàng xây dựng chiến lược và giải pháp kinh doanh cụ thể nhằm vào nhóm đối tượng này.
Tâm lý các ngân hàng cũng không muốn cho vay những dự án nhỏ lẻ, phân tán, khó quản lý, đặc biệt là đối với các DNVVN mới thành lập, chưa có lịch sử tín dụng rõ ràng với ngân hàng vì sợ rủi ro cao.
* Những khó khăn của DNVVN khi vay vốn ngân hàng
Năng lực nội tại của các DNVVN yếu, các hệ số tài chính được tính toán qua loa, không đủ đảm bảo theo yêu cầu của ngân hàng, không xác định rõ được dòng tiền lưu chuyển bởi vậy không tính toán được đúng khả năng trả nợ trong tương lai. Một số lớn các DNVVN lập phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư còn mang nặng tính chủ quan, áp đặt của lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc dựa trên kinh nghiệm thuần túy.
Quy mô hoạt động nhỏ, năng suất lao động chưa cao do trình độ tay nghề của người lao động thấp, hoạt động kinh doanh chưa có hiệu quả dẫn tới lợi nhuận để lại thấp từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay ngân hàng.
Các DNVVN có thời gian hoạt động chưa lâu, hầu hết mới chỉ được thành lập trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp có tuổi đời dưới 2 năm chiếm khoảng 60% tổng số khách hàng bởi vậy chưa gây dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường cũng như đối với ngân hàng.
Chưa có chiến lược kinh doanh lâu dài, bài bản. Bản thân chủ những DNVVN mới thành lập cũng không chắc lắm về chiến lược kinh doanh của
chính mình. Nhiều doanh nghiệp hoạt động theo kiểu được đến đâu hay đến đấy. Chính vì vậy, xác suất để họ thực hiện thành công chiến lược kinh doanh của mình là khá thấp.
Nội dung của phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đôi khi được thiết lập sơ sài, bởi vậy thiếu thuyết phục ngân hàng khi xem xét thẩm định cho vay.
Báo cáo tài chính hầu hết không đủ độ tin cậy, không rõ ràng, minh bạch; nhiều DNVVN không thực hiện đúng chế độ thống kê kế toán, số liệu phản ánh không chính xác tình hình sản xuất kinh doanh tài chính của mình khiến ngân hàng không nắm được thực trạng kinh doanh của các doanh nghiệp này. Một thực tế phổ biến hiện nay là hiểu biết về kế toán, các chuẩn mực kế toán cũng như hiểu biết về lĩnh vực kiểm toán của các DNVVN còn rất hạn chế. Chủ doanh nghiệp chưa hiểu rằng, nếu áp dụng đúng chuẩn mực kế toán, kiểm toán vào báo cáo tài chính thì việc tiếp cận nguồn vốn sẽ đơn giản hơn, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.
Không có đủ TSĐB, hoặc không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp với TSĐB, không có người bảo lãnh. Nhiều DNVVN, nhất là các CT TNHH, tài sản pháp nhân và tài sản cá nhân lẫn lộn, thiếu minh bạch nên ngân hàng rất khó thẩm định, đánh giá về năng lực thực sự của khách hàng.
Chưa có tín nhiệm với ngân hàng trong việc sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Một trong những nguyên tắc cho vay của ngân hàng là doanh nghiệp vay vốn phải cam kết sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đúng hạn. Nhưng hiện nay tình trạng nhiều doanh nghiệp sau khi nhận tiền vay cố tình sử dụng vốn sai mục đích, lừa đảo, trốn tránh trách nhiệm trả nợ xuất hiện khá nhiều lại càng làm cho ngân hàng e ngại hơn, thận trọng hơn khi cho vay đối tượng khách hàng này.
Ở một số DNVVN, việc điều hành sản xuất kinh doanh của lãnh đạo thiếu bài bản, mang nặng tính gia đình. Trong quan hệ với ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm, việc bố trí cán bộ quan hệ giao dịch với ngân hàng không hợp lý, cán bộ
có tư tưởng e ngại, thiếu tự tin trong quan hệ, khả năng thuyết trình, đàm phán với ngân hàng.
Các DNVVN không hiểu rõ về cơ chế tín dụng của NHTM, có tâm lý sợ thủ tục vay vốn của ngân hàng rườm rà, phức tạp, việc giải quyết cho vay của ngân hàng khó khăn. Phần lớn các DNVVN thiết lập thủ tục vay vốn của ngân hàng không đúng quy định mà ngân hàng yêu cầu.
Như vậy, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng ngân hàng đối với các DNVVN. Vì vậy, để đạt được mục tiêu mở rộng tín dụng với những khách hàng tiềm năng - DNVVN, các ngân hàng cần phối hợp với DNVVN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm xóa bỏ những rào cản giữa ngân hàng với DNVVN.
CHƯƠNG 2