1.1.4.1. Vai trò của việc sử dụng phiếu học tập trong dạy học Lịch sử
Theo GS. Trần Bá Hoành: “Trong cách dạy học tích cực khi sử dụng phiếu học tập có sự giao tiếp thường xuyên giữa thầy và trò,giữa trò với trò, bài học được xây dựng từ những đóng góp của học sinh thông qua các hoạt động tập thể do thầy tổ chức”.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành: “Phiếu học tập có ưu thế hơn câu hỏi, bài tập ở chỗ muốn xác định một vài nội dung kiến thức nào đó thỏa mãn nhiều tiêu chí hoặc xác định nhiều nội dung từ các tiêu chí khác nhau, nếu diễn đạt bằng câu hỏi thì dài dòng. Ta có thể thay một bảng có các tiêu chí thuộc các hàng, các cột khác nhau. Học sinh căn cứ vào các tiêu chí ở hàng và cột để tìm ý điền vào ô trống cho phù hợp. Như vậy giá trị lớn nhất của phiếu học tập với nhiệm vụ học tập phức tạp được định hướng rõ ràng, diễn đạt ngắn gọn bằng một bảng gồm có các hàng, cột ghi rõ các tiêu chí cụ thể”.
Trong dạy học truyền thống, giáo viên là trung tâm của hoạt động, trong một giờ học thì hoạt động của giáo viên chiếm phần lớn, giáo viên trình bày, giảng giải, biểu diễn thí nghiệm, phân tích, tổng hợp, minh họa...v.v. còn học sinh thì ngồi ghi chép, nhìn quan sát một cách thụ động. Khi giáo viên nêu những câu hỏi thì học sinh trả lời nhưng chỉ một vài em hoạt động còn hầu hết các học sinh còn lại ngồi nghe câu trả lời của các bạn. Vì vậy, học sinh ít được hoạt động, kĩ năng của các em ít được rèn luyện và khả năng tư duy, khả năng nhận thức của học sinh ít được phát triển. Mặc khác, giáo viên chỉ có thể đánh giá học sinh thông qua gọi kiểm tra và ở một số học sinh hay trả lời câu hỏi.
Bằng việc sử dụng các phiếu học tập, chuyển hoạt động của giáo viên từ trình bày, giảng giải, thuyết minh sang hoạt động hướng dẫn, chỉ đạo. Như vậy, mọi
31
học sinh được tham gia hoạt động tích cực, không còn hiện tượng thụ động nghe giảng.
Như vậy, bằng việc hoàn thành phiếu học tập, học sinh tự đánh giá được hoạt động tích cực, tạo được hứng thú trong giờ học, kích thích tư duy của học sinh. Đặc biệt, khi dùng phiếu học tập giáo viên có thể kiểm soát đánh giá được trình độ của học sinh và từ đó có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với từng đối tượng học sinh và từ đó nâng cao chất lượng.
Tóm lại, phiếu học tập có vai trò rất quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng:
Phiếu học tập là phương tiện để khám phá, xây dựng kiến thức Lịch sử
Hoạt động chính là phương thức để chiếm lĩnh kiến thức. Phiếu học tập đề ra nhiệm vụ học tập cụ thể buộc học sinh phải thực hiện trong tiến trình bài học, thông qua đó giáo viên và học sinh sẽ có công cụ để khai thác, khám phá và xây dựng kiến thức mới. Người ta có thể có rất nhiều cách thức khám phá kiến thức nhưng sẽ gặp va vấp nếu như không có người chỉ đường cho công cuộc tìm kiếm đó. Nhất là đối với môn Lịch sử, khối lượng kiến thức tương đối lớn và khó cho học sinh khi tìm hiểu. Chính vì thế, phiếu học tập là công cụ giáo viên định hướng cho học sinh trên con đường khám phá kiến thức Lịch sử . Mặt khác, phiếu học tập cũng cung cấp thêm những kiến thức bổ sung, cần thiết cho học sinh. Nó giống như một công cụ hỗ trợ của giáo viên đối với học sinh khi gặp những bài học Lich sử cần nguồn tài liệu tham khảo bên ngoài.
Phiếu học tập là phương tiện kích thích tư duy của học sinh trong môn Lịch sử
Trong dạy học Lịch sử, phiếu học tập đặt ra nhiệm vụ học tập và cụ thể hóa thành các vấn đề, các bài tập, các câu hỏi cùng với sự gợi ý về cách thức thực hiện của giáo viên. Thông qua những nhiệm vụ trực tiếp đó học sinh sẽ tích cực tìm hiểu nội dung bài học vì ai cũng ý thức được đây là nhiệm vụ cần phải làm. Khi giáo viên thường xuyên sử dụng phiếu học tập sẽ giúp học sinh có thói quen tự giác, chủ động học tập. không ỷ vào thầy cô giáo và các bạn khác nhất là đối với môn Lịch
32
sử, một môn học xã hội chứ không phải tính toán như những môn tự nhiên. Phiếu học tập đặt ra cơ hội cho từng cá nhân, do đó đây là một điều kiện tốt cho học sinh thể hiện khả năng của mình. Qua quá trình làm việc với phiếu học tập, học sinh sẽ phát huy được năng lực tư duy, quan sát, phân tích, quy nạp, khái quát hóa, suy luận, đề xuất giải thuyết.
Phiếu học tập là công cụ để đánh giá kết quả dạy học trong môn Lịch sử
Phiếu học tập là một trong những công cụ cho phép cá thể hóa hoạt động của học sinh, tiết kiệm thời gian đồng thời vì thế mà nó sẽ là một công cụ hữu hiệu cho việc xử lí thông tin ngược. Phiếu học tập là một trong những cơ sở để giáo viên theo dõi và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bởi vì khi hoạt động học tập của học sinh được cá thể hóa thì sự đánh giá khả năng, trình độ của học sinh sẽ chuẩn xác hơn. Qua phiếu học tập, giáo viên sẽ thấy được sự tiến bộ hoặc điểm yếu kém của học sinh, từ đó có cơ sở uốn nắn, điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học một cách kịp thời.
Chúng ta có thể thấy, vai trò của phiếu học tập thể hiện rõ trong khâu kiểm tra bài cũ vào đầu giờ học và bài tập củng cố ở cuối giờ học. Thông qua những phiếu bài tập được thiết kế sẵn trên giấy rời, học sinh độc lập thực hiện thì khả năng nắm bắt, vận dụng và thông hiểu kiến thức của các em sẽ được bộc lộ một cách chân thực và rõ nét nhất.
1.1.4.2. Ý nghĩa của việc sử dụng phiếu học tập trong dạy học Lịch sử
Phiếu học tập là một trong những công cụ cho phép cá thể hóa hoạt động của học sinh, tiết kiệm thời gian, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong việc thu thập, xử lí thông tin ngược của giáo viên và học sinh. Trong dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng, phiếu học tập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ là công cụ hỗ trợ học sinh trong việc khai thác kiến thức mới mà còn hỗ trợ học sinh trong việc rèn luyện kĩ năng và góp phần bồi dưỡng thái độ, ý thức của học sinh qua mỗi bài học.
33
Về kiến thức
Như chúng ta đã nói ở trên, kiến thức môn Lịch sử vô cùng phong phú, đó là những gì thuộc về quá khứ, nhiệm vụ của người giáo viên là hướng dẫn học sinh của mình khơi dậy quá khứ đó. Đây là một điều không đơn giản với giáo viên môn Lịch sử. Chính vì vậy, phiếu học tập trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
Phiếu học tập chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị kiến thức mà học sinh phải nắm được. Dựa vào nội dung và nhiệm vụ được nêu ra trong phiếu học tập mà học sinh biết mình nên làm gì và làm như thế nào để chiếm lĩnh được kiến thức của bài học.
Phiếu học tập như một công cụ giúp học sinh ôn tập, kiểm tra lại kiến thức của mình, ngược lại nó có thể giúp giáo viên kiểm tra mức độ đạt mục tiêu của bài học.
Về kĩ năng
Ngoài việc hỗ trợ học sinh trong quá trình khai thác kiến thức bài học, phiếu học tập còn giúp học sinh rèn luyện các kĩ năng trong học tập. Những kĩ năng được rèn luyện trong từng loại phiếu phụ thuộc vào mục đích của giáo viên khi thiết kế. Nếu giáo viên muốn hướng đến những kĩ năng như lập bảng thống kê, bảng niên biểu thì nhiệm vụ của phiếu học tập sẽ tương ứng như vậy; nếu phiếu học tập muốn hướng đến kĩ năng rèn luyện các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, đánh giá…thì nhiệm vụ và nội dung cũng tương ứng với mục đích đó. Phiếu học tập tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh rèn kĩ năng đọc sách và tư liệu giáo khoa, phát triển tư duy logic, tư duy tượng hình… trên cơ sở đó phát triển năng lực nhận thức và năng lực hành động chủ động, năng động và sáng tạo. Rèn cho học sinh phương pháp tư duy khái quát, có khả năng chuyển tải thông tin cao, chúng được hình thành trên cơ sở một môn học, nếu học sinh nắm vững chúng thì các em có thể sử dụng sang các môn học khác, thậm chí vượt ra ngoài cả phạm vi học tập trong nhà trường.
34
Về thái độ
Thông qua những nhiệm vụ trong phiếu học tập sẽ góp phần vào việc phát triển các thao tác của tư duy của học sinh. Môn học lịch sử ở trường phổ thông cung cấp cho học sinh hệ thống kiến thức các sự vật và hiện tượng của hiện thực lịch sử trong mối quan hệ tuân theo logic của thời gian. Hoạt động tư duy là cơ sở lý luận để thu nhận tri thức về vô số những sự vật, những hiện tượng mới riêng lẻ của thế giới, đồng thời để giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn mới muôn màu muôn vẻ. Tư duy không chỉ là hoạt động nhận thức mà còn là hoạt động sáng tạo, nhờ đó con người tạo ra những sự vật, hiện tượng mới của nền văn hóa tinh thần và vật chất, dự kiến và vạch ra con đường của đời sống cá nhân và xã hội. Hơn nữa, chính tri thức về những thành tựu và phát minh mới này lại là cơ sở để hình thành các khái niệm, quy luật và quy tắc mới. Để có thể hiểu được nội dung kiến thức, học sinh cần phải vận dụng các thao tác của tư duy phân tích, tổng hợp, so sánh – đối chiếu, khái quát hóa – trừu tượng hóa, hệ thống hóa, diễn dịch, quy nạp, cụ thể hóa kiến thức… khi thực hiện nhiệm vụ trong phiếu học tập.
Như vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ trong phiếu học tập chính là rèn luyện các em tinh thần lao động cần cù, tạo hứng thú trong quá trình học môn lịch sử. Giờ học lịch sử giờ đây không chỉ đơn điệu với hoạt động thầy đọc - trò chép mà dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể tiếp nhận kiến thức theo ý hiểu của mình. Giáo viên khuyến khích học sinh làm những công việc mà mình yêu thích, như thế sẽ tạo cho các em tâm lý thoải mái, hứng thú, giờ học lịch sử sẽ trở nên sinh động và gần gũi hơn. Đặc biệt, khi liên hệ lịch sử với cuộc sống hiện tại thì trong suy nghĩ của học sinh, lịch sử không còn là sự “khô cứng”, “xưa cũ” mà nó gắn với thực tại, là sự phát triển liên tục từ quá khứ đến hiện tại và dự đoán tương lai.
Nhìn chung, phiếu học tập có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng. Song thực tiễn dạy và học ở các trường phổ thông chưa đặt đúng vị trí của việc sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học trong đó có phiếu học tập. Chính vì vậy, phiếu học tập chưa phát huy hết vai trò của mình trong quá trình dạy học.
35