Sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp luôn gắn liền và chịu tác động to lớn của môi trường xung quanh. Khả năng cải tạo môi trường theo hướng có lợi cho doanh nghiệp là rất khó khăn, chính vì thế mà khả năng thích nghi với môi trường để tồn tại và phát triển, phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của môi trường là điều mà mỗi doanh
nghiệp cần phải làm. Chúng ta xem xét các nhân tố ảnh hưởng khách quan đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp.
- Môi trường kinh tế: mỗi doanh nghiệp đều là một thành viên của một nền kinh tế nhất định nên nó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế mà trước hết là các chính sách vĩ mô của Chính phủ như chính sách tài khoá, chính sách lãi suất, chính sách hối đoái… tác động tới giá trị và số lượng các khoản mục trong tài sản lưu động hết sức rõ rệt. Ngoài ra còn các tác động khác như cung cầu thị trường về vốn sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp, về nguyên vật liệu… Tình hình lạm phát lãi suất hiện tại cũng ảnh hưởng đến đến việc sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. Nếu nền kinh tế có xu hướng ổn định tăng trưởng thì chính sách tín dụng thương mại có thể được nới lỏng, việc giữ tiền có thể giảm đi, và ngược lại.
- Chiến lược sản xuất kinh doanh, các chính sách của các đối thủ cạnh tranh và các doanh nghiệp khác cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay việc thu hút khách hàng là điều quan trọng sống còn đối với doanh nghiệp vì thế doanh nghiệp cần có các chính sách khuyến khích xúc tiến để tạo lợi thế so với đối thủ thông qua chính sách tín dụng thương mại, đồng thời xác định mức dữ trữ hợp lý tránh thiếu hụt duy trì sản xuất kinh doanh khi mà nguyên liệu đầu vào khan hiếm, điều này phải dựa trên cơ sở các phân tích dự đoán của doanh nghiệp về xu hướng của thị trường.
Đối với những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thì vai trò môi trường kinh tế còn có tác động lớn hơn nữa. Những hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách kinh tế của chính phủ, ví dụ như những doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà được ưu đãi của chính phủ thì sẽ rất thuận lợi và hàng hoá sẽ có tính cạnh tranh cao hơn.
- Môi trường chính trị - xã hội: môi trường này trước hết tác động đến tác động đến hành vi tiêu dùng của khách hàng, ngoài ra nó còn có tác động
lớn đến các DN có mặt hàng xuất khẩu. Các bạn hàng nước ngoài thường e dè nếu làm ăn với các doanh nghiệp mà tình hình chính trị xã hội ở đó không ổn định. Nếu môi trường chính trị xã hội ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và thu hút được nhiều bạn hàng quốc tế hơn.
- Môi trường pháp lý: là hệ thống các chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật của Nhà nước tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở pháp luật kinh tế và các biện pháp kinh tế, Nhà nước tạo môi trường cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và hướng các hoạt động đó theo kế hoạch vĩ mô. Với bất kỳ thay đổi nào trong chế độ chính sách hiện hành đều chi phối các mảng hoạt động của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật về tài chính, về quy chế đầu tư như các quy định về trích khấu hao, về tỷ lệ trích lập các quỹ, các văn bản về thuế và đều ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
1.4.2Các nhân tố chủ quan
Hiệu quả sử dụng vốn lưu động chịu ảnh hưởng của các nhân tố sau:
- Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp nói chung hay là chính sách sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp nói riêng : đây là một nhân tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng vốn lưu động có hiệu quả cao hay không phụ thuộc nhiều vào chiến lược,chính sách sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp như: các chính sách về tiền mặt, chính sách về dự trữ, chính sách về tín dụng thương mại…
- Trình độ quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp: quản lý vốn lưu động tốt sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng vốn lưu động, việc này đòi hỏi phải có các nhà quản lý có trình độ, được đào tạo, có khả năng phân tích đánh giá, dự báo để xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh.
- Cơ cấu tổ chức lao động cuả DN: việc bố trí lực lượng lao động phù hợp với chức năng nhiệm vụ sẽ giúp họ phát huy năng lực của mình và hoàn
thành tốt nhiệm vụ. Chẳng hạn ở khâu thu mua nguyên vật liệu doanh nghiệp cần có nhân viên hiểu biết thị trường, có nhân viên kỹ thuật, giám định hàng hoá… Trong khâu tiêu thụ cần những nhân viên có năng lực, kinh nghiệm để có thể đưa sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh nhất…
- Vấn đề con người luôn là then chốt quyết định các vấn đề khác. Con người là chủ thể của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, họ là người ra các quyết định quản lý, là người vận hành máy móc tạo ra sản phẩm, lại là người tiêu dùng sản phẩm. Chính vì thế yếu tố tác động của con người là không thể tránh khỏi trong mọi trường hợp. Và trong công tác quản lý sử dụng vốn lưu động, con người cũng đóng vai trò nhân tố ảnh hưởng quan trọng.
Trên đây là một số nhân tố cơ bản tác động đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. Tuy nhiên để đưa ra các biện pháp hợp lý thì sự cần thiết là phải nghiên cứu các nhân tố này trong mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau.
CHƯƠNG II