3. CHỨC NĂNG CỦA TIỂU CẦU
4.1.3.2. Các giai đoạn đông máu
Đông máu xảy ra qua 3 giai đoạn liên tiếp nhau.
* Giai đoạn 1: thành lập phức hợp men prothrombinase
Đây là giai đoạn phức tạp và kéo dài nhất trong dây chuyền phản ứng gây đông máu. Prothrombinase được thành lập theo hai đường: nội sinh và ngoại sinh.
- Đường ngoại sinh: khi mạch máu bị tổn thương, máu sẽ tiếp xúc với nơi bị tổn thương. Mô tổn thương giải phóng ra yếu tố III, là một yếu tố được tổng hợp từ phospholipid của màng tế bào kết hợp với phức hợp lipoprotein có chức năng như một enzym phân giải protein. Yếu tố III sẽ hoạt hóa yếu tố VII. Yếu tố III cùng với yếu tố VII hoạt hóa, với sự có mặt của ion Ca++ làm hoạt hoá yếu tố X. Yếu tố X hoạt hoá cùng với phospholipid, ion Ca++ và yếu tố V hoạt hoá (được hoạt hóa bởi thrombin và hình thành từ rất sớm) tạo ra phức hợp prothrombinase ngoại sinh.
- Đường nội sinh: được kích hoạt bằng nhóm các yếu tố đông máu tiếp xúc (yếu tố XII, kininogen cao phân tử và prekallicrein), yếu tố XI. Yếu tố Fitzerald tiếp xúc trực tiếp vào thành mạch, tiếp nhận thông tin về “tình trạng bề mặt thành mạch”, nếu có sự “khác bình thường” thì kích hoạt yếu tố XII tạo yếu tố XII hoạt hóa (XIIa). Yếu tố XIIa kích hoạt prekallicrein thành kallicrein và chất này có khả năng kích hoạt ngược lại yếu tố XII (hiện tượng tự khuếch đại). Yếu tố XIIa sẽ hoạt hóa yếu tố XI. Yếu tố XI hoạt hoá cùng với Ca++ hoạt hóa yếu tố IX. Yếu tố IX hoạt hóa cùng với yếu tố VIII hoạt hóa (do thrombin hoạt hóa) và phospholipid của tiểu cầu, Ca++ hoạt hoá yếu tố X. Yếu tố X hoạt hóa cùng với yếu tố V hoạt hóa (bởi thrombin), Ca++ và phospholipid tiểu cầu tạo ra phức hợp men prothrombinase nội sinh.
* Giai đoạn 2: thành lập thrombin
Phức hợp men prothrombinase tạo thành sẽ xúc tác cho phản ứng chuyển prothrombin thành thrombin. Phản ứng này xảy ra trong vài giây. Thrombin đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng của quá trình đông máu:
- Thành lập fibrin: thrombin co vai trò chuyển fibrinogen thành fibrin, đồng thời hoạt hóa yếu tố XIII để ổn định sợi huyết.
- Làm tăng tốc độ hình thành của bản thân (tự khuếch đại): thrombin gây hoạt hóa yếu tố VIII dẫn đến gia tăng sự hình thành yếu tố Xa bằng cả hai con đường nội sinh và ngoại sinh. Nó cũng hoạt hóa yếu tố V.
* Giai đoạn 3: thành lập fibrin
Thrombin thủy phân phân tử fibrinogen để tạo thành các monomer của fibrin và các fibrinopeptid (A và B). Các monomer của fibrin tự trùng hợp tạo thành phân tử fibrin S (fibrin hòa tan). Cuối cùng, yếu tố XIII hoạt hoá sẽ polymer hóa các fibrin S thành fibrin I ổn định (fibrin không hòa tan) hay còn gọi là sợi huyết. Các sợi huyết giam giữ hồng cầu bên trong tạo thành cục máu đông.
Hình 4.8. Quá trình đông máu
Trong một số trường hợp bệnh lý, cục máu đông sẽ tạo thành huyết khối hồng cầu hay cục máu đỏ làm nghẽn tắc mạch máu.
* Tiêu sợi huyết
Fibrin tạo ra có vai trò hạn chế máu chảy qua chỗ tổn thương, tuy nhiên mạng fibrin cần được tháo dỡ “đúng lúc” để tái lập lưu thông trong lòng
mạch. Do đó cần có sự hiện diện của hệ tiêu sợi huyết, có tác dụng dọn sạch các cục máu đông nhỏ ly ti trong lòng mạch máu, ngăn ngừa sự hình thành huyết khối hồng cầu gây tắc mạch.
Hiện tượng tiêu sợi huyết làm cục máu đông tan dần do các sợi fibrin bị phân ly dưới tác dụng của plasmin – một enzym tiêu protein rất mạnh, mà tiền chất của nó là plasminogen. Plasminogen một protein lưu hành trong máu gồm 810 acid amin chủ yếu do gan tổng hợp. Plasminogen được hoạt hóa thành plasmin bởi các chất sau:
- Thrombin.
- Yếu tố XII hoạt hoá.
- Các enzym của lysosom từ các mô tổn thương.
- Những yếu tố hoạt hóa do tế bào nội mô thành mạch bài tiết. - Men urokinase của tổ chức thận.
- Độc tố của vi khuẩn: streptokinase của liên cầu khuẩn.