Miễn dịch là khả năng nhận diện và loại bỏ các vật lạ. Hệ thống miễn dịch được chia thành hai loại: miễn dịch không đặc hiệu (miễn dịch tự nhiên) và miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thu được).
4.1. Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu
Miễn dịch tự nhiên là khả năng tự bảo vệ sẵn có, xuất hiện ngay từ lúc mới sinh ra và không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với các kháng nguyên của vật lạ. Hệ thống miễn dịch tự nhiên bao gồm:
- Hàng rào vật lý: da, niêm mạc ngăn cách nội môi và ngoại môi. - Hàng rào hóa học:
+ Trên da và niêm mạc: acid lactic, acid béo của da; lysozym của dịch tiết niêm mạc ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn.
+ Trong cơ thể là huyết thanh có chứa: lysozym, protein phản ứng C (C reactive protein), bổ thể, interferon… Bổ thể với bản chất là protein, là một hệ thống gồm nhiều thành phần, được hoạt hóa theo một trình tự nhất định. Khi
được hoạt hóa, bổ thể sẽ được cắt thành nhiều phần khác nhau, mỗi phần sẽ có vai trò riêng, ví dụ C3a, C5a có tác dụng hóa ứng động bạch cầu, gây giãn mạch, giải phóng các hóa chất trung gian từ bạch cầu hạt ưa base. Interferon cũng có bản chất là protein được sản xuất bởi nhiều loại tế bào, có vai trò chống sự lây lan của virus ở các tế bào cùng loại một cách không đặc hiệu. Khi virus xâm nhập vào tế bào, tế bào bị nhiễm virus sẽ sản sinh ra interferon thấm vào các tế bào xung quanh, giúp chúng không bị virus xâm nhập tiếp.
- Hàng rào tế bào: các tế bào có khả năng thực bào mà quan trọng nhất là bạch cầu hạt trung tính và mono - đại thực bào được di chuyển từ máu ra mô, đây là hàng rào quan trọng và phức tạp nhất. Hoạt động của hàng rào này sẽ tạo ra phản ứng viêm không đặc hiệu. Ngoài ra, hàng rào tế bào còn có sự tham gia của tế bào diệt tự nhiên (NK: natural killer), một biến thể của bạch cầu lympho hiện diện ở lách, hạch, tuỷ đỏ và máu, chúng thường tấn công và tiêu diệt không đặc hiệu các tế bào khối u tiên phát và tế bào chứa virus bằng chất tiết perforin của chúng.
- Hàng rào thể chất: đặc điểm về hình thái và chức năng sẽ quyết định tính phản ứng của từng cơ thể đối với các yếu tố xâm nhập khác nhau.
4.2. Hệ thống miễn dịch đặc hiệu
Miễn dịch đặc hiệu là trạng thái miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã được tiếp xúc với kháng nguyên, bao gồm: miễn dịch dịch thể với vai trò của lympho B và miễn dịch qua trung gian tế bào với vai trò của lympho T. Trong đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, cơ thể có nhiều cách tương tác với kháng nguyên khác nhau thông qua phản ứng viêm đặc hiệu để đạt mục đích cuối cùng là vô hiệu hóa kháng nguyên và loại kháng nguyên ra khỏi cơ thể.