a) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua tuyên truyền miệng
Tuyên truyền miệng về pháp luật là một hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với HSSV về lĩnh vực pháp luật trong đó chủ yếu là các văn bản pháp luật đó nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, niềm tin vào pháp luật và ý thức pháp luật cho HSSV và kích thích người nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật.
Tuyên truyền miệng về pháp luật có nhiều ưu thế thể hiện ở tính linh hoạt, có thể tiến hành ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào và số lượng HSSV nghe; người nói có điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích, làm sang tỏ nội dung cần tuyên truyền, hai bên có thể hỏi đáp trực tiếp để đáp ứng yêu cầu của nhau.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật từ trước đến nay, hình thức giáo dục ý thức pháp luật thông qua tuyên truyền miệng được sử dụng phổ biến, rộng rãi và có mối quan hệ chặt chẽ với các hình thức giáo dục
ý thức pháp luật khác. Vì vậy, việc xác định và nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền miệng trong giáo dục ý thức pháp luật được thể hiện nhiều trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật thông qua tuyên truyền miệng đối với HSSV có những hạn chế nhất định như không thể áp dụng đối với các đối tượng không cùng ngôn ngữ, lời nói chỉ tác động vào thính giác, đòi hỏi người nghe sự theo dõi, tập trung…, đặc biệt với các tiện ích của phương tiện, thông tin, đại chúng và công nghệ thông tin đang tác động đáng kể đến vai trò của tuyên truyền miệng. Vì vậy, để tạo cơ sở mang tính định hướng trong tổ chức thực hiện giáo dục ý thức pháp luật, việc thể chế hoá bằng quy phạm pháp luật đối với hình thức tuyên truyền miệng là cần thiết.
b) Giáo dục ý thức pháp luật cho HSSV thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, báo in, báo hình
- Báo in
- Báo hình
- Loa truyền thanh tại các trường học
c) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua việc biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật
Đây là hình thức giáo dục ý thức pháp luật được áp dụng rộng rãi, gần gũi với HSSV và đóng một vai trò lớn trong hoạt động giáo dục ý thức pháp luật cho HSSV, là cẩm nang, phương tiện hoạt động của những người làm công tác giáo dục ý thức pháp luật.
Tài liệu giáo dục ý thức pháp luật gồm nhiều loại như đề cương tuyên truyền, văn bản pháp luật, sách hướng dẫn, giải thích pháp luật, sách pháp luật bỏ túi, sách hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, bản tin, tranh áp phích, lịch… Trong tuyên truyền miệng, trong các hoạt động hoà giải, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, công tác giảng dạy và học tập pháp luật trong nhà trường… đều sử dụng tài liệu pháp luật để thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật.
Hiệu quả của công tác giáo dục ý thức pháp luật chịu sự tác động nhất định của chất lượng các tài liệu pháp luật, vì vậy, việc biên soạn, phát hành các tài liệu này cũng được chú trọng cả hình thức và nội dung.
d) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường
Giáo dục pháp luật là sự tác động có định hướng có tổ chức nhằm hình thành tri thức, tình cảm và hành vi phù hợp với quy định của pháp luật, làm cho công dân tự giác tuân thủ, thi hành pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của công dân.
Đó là một trong các hình thức giáo dục ý thức pháp luật được thực hiện thông qua việc dạy và học pháp luật trong các nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần hình thành và bồi dưỡng ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
đ) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua tủ sách pháp luật
Tủ sách pháp luật là công cụ hữu hiệu để đưa pháp luật vào hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, đặc biệt là trong các trường học góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, đọc các sách, tài
liệu pháp luật của tủ sách, người đọc tập hợp nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách đầy đủ, có hệ thống, chính xác và thống nhất.
Tuy nhiên, việc tìm hiểu pháp luật qua khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật cũng có những hạn chế nhất định, chịu sự tác động của nhiều yếu tố về cơ chế quản lý, thái độ phục vụ, sự đầu tư nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật, mức độ đáp ứng yêu cầu của đối tượng…
e) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật
Câu lạc bộ pháp luật là một tổ chức sinh hoạt pháp lý tự nguyện của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, có tinh thần tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Đó là hình thức giáo dục ý thức pháp luật qua sinh hoạt của hội viên, khách mời để giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức pháp luật cần thiết, tạo điều kiện để họ đề đạt và kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật.
f) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật
Thi tìm hiểu pháp luật là một trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống, là hình thức sinh hoạt văn hoá pháp lý có sức hấp dẫn và hiệu quả. Đây là một trong những hình thức giáo dục ý thức pháp luật hấp dẫn, có hiệu quả cao và được sử dụng nhiều. Những nội dung pháp luật được chuyển tải đến HSSV thông qua cuộc thi một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô cứng. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật của người tổ chức cũng được trau dồi, gọt dũa.
Kết quả tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật thông qua hình thức thi tìm hiểu pháp luật tác động trực tiếp đến ý thức pháp luật của người dự thi, qua đó là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật và kỹ năng giáo dục ý thức pháp luật của cả người tổ chức cuộc thi và người theo dõi, tìm hiểu cuộc thi.
g) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý
Giáo dục ý thức pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý sẽ giúp HSSV nắm bắt được các thông tin pháp lý, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn phương pháp xử sự các hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi, hướng dẫn HSSV, tổ chức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
h) Giáo dục ý thức pháp luật thông qua các loại hình văn hoá, văn nghệ
Giáo dục ý thức pháp luật thông qua các loại hình văn hoá, văn nghệ là đưa tinh thần một quy phạm pháp luật, một văn bản pháp luật vào đời sống xã hội bằng “ngôn ngữ” của một loại hình văn hoá, văn nghệ nào đó như kịch, lễ hội, áp phích,…
Đối với hoạt động này, đòi hỏi một số kỹ năng bảo đảm cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả như biết thâm nhập vào đời sống xã hội, nắm được tình hình thực hiện pháp luật trong cuộc sống, phát hiện được vai trò định hướng phát triển xã hội của pháp luật, những tính chất ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa, chuyển được tư duy pháp luật thành tư duy nghệ thuật.
Như vậy, các hình thức giáo dục ý thức pháp luật đang được sử dụng trong thực tiễn công tác giáo dục ý thức pháp luật trong trường học là rất đa
dạng, phong phú đang được vận dụng ngày càng rộng rãi, phổ biến trong công tác giáo dục ý thức pháp luật, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của HSSV.
Kết luận chương 1
Ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội độc lập tương đối với các hình thái ý thức xã hội khác, phản ánh một cách trực tiếp đời sống pháp luật, hình thành những khái niệm, quan điểm, tư tưởng, tình cảm của con người đối với pháp luật, thể hiện sự hiểu biết, thái độ của họ đối với pháp luật hiện hành, pháp luật trong quá khứ và pháp luật trong tương lai, về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể pháp luật, về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi của các cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.
Ý thức pháp luật là một trong các hình thái ý thức xã hội, cùng tồn tại khách quan với các hình thái ý thức xã hội khác như đạo đức, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học. Ý thức pháp luật tồn tại phổ biến trong ý thức mọi cá nhân và toàn xã hội. Bản chất của nó là phản ánh đời sống pháp luật của xã hội. Ý thức pháp luật có tác động qua lại với các hình thức xã hội khác. Ý thức pháp luật vừa phản ánh các điều kiện xã hội, vừa có tính độc lập tương đối với tồn tại xã hội.
Giáo dục ý thức pháp luật cho HSSV có vai trò quan trọng trong việc góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cụ thể là đối với sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Bên cạnh đó giáo dục ý thức pháp luật cho HSSV còn góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách, lối sống của các em hiện tại và khi trưởng thành, điều này sẽ góp phần làm giảm các tệ nạn trong xã hội để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Chƣơng 2
THỰC TRẠNG Ý THỨC PHÁP LUẬT VÀ GIÁO DỤC Ý THỨC PHÁP LUẬT CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN Ở TỈNH PHÚ THỌ