NHỮNG YÊU CẦU CỦA VIỆC ĐỔI MỚ

Một phần của tài liệu đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường qua thực tiễn ở phường lam sơn (Trang 66)

Trong nhiều năm qua bộ máy nhà nước ở nước ta luôn được nghiên cứu cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Là một bộ phận quan trọng của thượng tầng kiến trúc, bộ máy nhà nước không thể không thích nghi với những biến đổi ở hạ tầng cơ sở. Một khi cơ sở hạ tầng về kinh tế -xã hội đã có sự thay đổi thì vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước tất yếu phải có sự thay đổi. Vì vậy, vấn đề hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung của chính quyền cấp cơ sở nói riêng (trong đó có chính quyền phường Lam Sơn) là một nhu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay, xuất phát từ những căn cứ và yêu cầu cơ bản sau:

* Yêu cầu của sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường

Khi chúng ta đã thừa nhận nền kinh tế thị trường là đồng nghĩa với việc chấp nhận những quy luật khách quan của nó, cùng với tính hai mặt của nền kinh tế đó. Kinh tế thị trường luôn thể hiện sự vận động và biến đổi không ngừng. Do vậy, để có thể quản lý được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bộ máy nhà nước nói chung, chính quyền cấp cơ sở nói riêng phải được đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, nhất là trong điều kiện phường Lam Sơn là phường trung tâm của thành phố, nền kinh tế chủ yếu là kinh doanh dịch vụ.

* Yêu cầu của sự chuyển tiếp từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại

Từ kinh tế tự cung, tự cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường là một bước ngoặt quan trọng trong đời sống xã hội. Nhiều vấn đề mới được đặt ra

chưa có tiền lệ trong lịch sử, nhiều việc vượt quá tầm với của từng hộ gia đình. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội theo đường lối của Đảng đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Có những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách phải được giải quyết ngay từ cấp vĩ mô, nhưng có nhiều vấn đề phải được giải quyết ngay từ cơ sở.

Quá trình công nghiệp hóa, nhất là trong bối cảnh hội nhập với thế giới, phát triển bền vững trở nên yêu cầu bức xúc, đòi hỏi bộ máy nhà nước dành ưu tiên cao cho việc chăm lo tới yêu cầu này, nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và tầng lớp dân cư, bảo vệ môi trường… Công nghiệp hóa theo hướng hiện đại cũng đặt ra yêu cầu đổi mới phong cách làm việc, phương tiện quản lý tương ứng. Song song với quá trình công nghiệp hóa là quá trình đô thị hóa tăng tốc. Điều đó đòi hỏi chính quyền cấp cơ sở không chỉ ở phường Lam Sơn, các phường, thị trấn, thị tứ mà thậm chí ở cả làng, xã cũng đang bị đô thị hóa làm quen với phương thức quản lý đô thị đang ngày càng trở nên phổ biến.

* Yêu cầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền

Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân không những chỉ đòi hỏi sự thay đổi của cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương, mà còn cả các cơ quan nhà nước ở địa phương, trong đó có chính quyền cấp cơ sở. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi các chủ thể của nó phải có quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng. Trên cơ sở đó các chủ thể phải chủ động và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Trước hết của sự đổi mới này là sự phân định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương, phân định giữa trung ương và địa phương và giữa địa phương với địa phương.

Trong nhà nước pháp quyền nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc chuyển từ hình thức dân chủ gián tiếp, dân chủ đại diện sang dân chủ trực tiếp. Người dân trực tiếp lựa chọn và bầu ra những người và

các cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Vai trò của các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Hơn thế nữa, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nhất là công nghệ thông tin, người dân có thể đối thoại trực tiếp với các cơ quan quản lý, có thể phản ánh mọi tâm tư nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của mình qua các phương tiện thông tin đại chúng, giao lưu trực tuyến… Trong điều kiện như vậy cần thiết phải nghiên cứu tổ chức hợp lý các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong đó có chính quyền cấp cơ sở để phù hợp với điều kiện mới.

* Yêu cầu xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường kỷ luật, trật tự kỷ cương xã hội ở cơ sở

Bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều đó thể hiện bản chất của chế độ dân chủ, tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Quan điểm trên phải được xây dựng và thể hiện trong mối quan hệ ứng xử giữa cơ quan công quyền với công dân ngay trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi mà người dân đang làm ăn sinh sống. Việc "thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng" [16, tr. 134] là đòi hỏi chính đáng của mỗi người dân và là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm cho khối đại đoàn kết toàn dân thực sự là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới của đất nước.

* Xuất phát từ chính những tồn tại, yếu kém của chính quyền phường Lam Sơn và hệ thống chính quyền cơ sở ở tỉnh Thanh Hóa nói chung

So với chính quyền nhà nước ở trung ương, việc nghiên cứu để cải tiến, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương nói chung và chính quyền cấp cơ sở nói riêng có phần ít được quan tâm bởi trong một thời gian dài đất nước có chiến tranh, vấn đề quốc gia dân tộc được ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở; năng lực trình độ

và phẩm chất đạo đức của cán bộ cơ sở vừa không đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, vừa không đáp ứng được đòi hỏi và lòng mong đợi của nhân dân. Tổ chức bộ máy cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động chồng chéo và nhất là sự suy thoái về đạo đức, tệ quan liêu, tham nhũng của không ít cán bộ cấp cơ sở đã đẩy chính quyền đối lập với nhân dân, nhân dân mất lòng tin đối với chính quyền, đồng nghĩa với việc nhân dân mất niềm tin vào Nhà nước, vào Đảng. Vì vậy, việc nghiên cứu cải cách chính quyền địa phương nói chung, chính quyền cấp cơ sở và đặc biệt là chính quyền phường Lam Sơn nói riêng là một vấn đề rất cấp thiết hiện nay và là một phần tất yếu, quan trọng của công cuộc cải cách hành chính.

* Chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta

Trước tiến trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy nhà nước ta luôn được nghiên cứu cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc nghiên cứu nhằm tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, tìm ra sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn để có cách quản lý hữu hiệu hơn, phát huy các chế định dân chủ trực tiếp ở cơ sở đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra từ lâu.

Tại Đại hội Đảng VII (tháng 6 năm 1991), Đảng xác định tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước và đề ra nhiệm vụ về sửa đổi Hiến pháp, cải tiến tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương.

Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa IX (tháng 2/2002) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã xác định:

Chính quyền phường không quản lý toàn diện các hoạt động sản xuất, đời sống dân cư trên địa bàn như chính quyền xã, thị trấn,

song có nhiệm vụ rất quan trọng trong quản lý đô thị. Cần phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm và tạo điều kiện để chính quyền phường thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong việc quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, hộ tịch, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị [17, tr. 172].

Tiếp tục xu hướng đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) sau khi nêu đánh giá "Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhất là tổ chức Hội đồng nhân dân, còn những điểm bất hợp lý" đã đề ra việc phải "điều chỉnh cơ cấu chính quyền địa phương phù hợp với những thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị để tổ chức bộ máy phù hợp" [18, tr. 64; 254].

Vấn đề tổ chức hợp lý chính quyền địa phương được đặt ra một cách thẳng thắn khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa X (năm 2007) đã chỉ rõ: "Đối với chính quyền nông thôn không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện; đối với chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận và ở phường" [20].

Đặc biệt tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII (tháng 11 năm 2008) đã thông qua Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 724/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 về danh sách huyện, quận, phường thực hiện thí điểm. Theo đó việc thí điểm bắt đầu từ ngày 25 tháng 4 năm 2009 tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây có thể coi là một bước tiến đổi mới rất căn bản về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương trong đó có chính quyền cơ sở (phường) ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Đây cũng là kết quả của sự tìm tòi nghiên cứu lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp với những thay đổi về vai trò, chức năng của bộ máy nhà nước nói chung, của từng cấp chính quyền địa phương nói riêng trong thời kỳ mới.

Các phường, xã của thành phố Thanh Hóa, cũng như phường Lam Sơn là đơn vị không nằm trong diện tổ chức thí điểm đợt này, xong những cải cách cho chính quyền địa phương nói chung, chính quyền cấp cơ sở nói riêng ở đây cũng không là ngoại lệ.

Một phần của tài liệu đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền phường qua thực tiễn ở phường lam sơn (Trang 66)