* Các yếu tố xã hội:
Theo các nhà sử học, vùng đất của phường Lam Sơn ngày nay trước đây là làng Phú Cốc, lỵ trấn Thanh Hoa. Đến thời thuộc pháp, nơi đây tập
trung nhiều cơ quan đầu não của chính quyền đô hộ như: Tòa sứ, dinh công sứ, dinh tổng đốc, mật thám, bang tá, lính khố xanh, nhà dây thép, chợ tỉnh v.v... do vậy nhiều người dân yêu nước, nhất là tầng lớp thanh niên đã tự tìm đường đi làm cách mạng, nhiều người học giỏi nhưng tự lập nghề riêng, không tham gia bộ máy chính quyền, nhiều thương gia kết hợp hoạt động buôn bán với ủng hộ phong trào chấn hưng hàng nội hóa, kết hợp hoạt động buôn bán với bảo vệ cán bộ và tổ chức cơ sở cách mạng bí mật ở các vùng sát cơ quan đầu não của Pháp thông qua các hoạt động như bồi bàn, kéo xe tay, thợ may…
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hun đúc cho người dân Thanh Hóa nói chung, người dân Lam Sơn nói riêng lòng yêu nước, yêu quê hương thiết tha, ý chí căm thù giặc sâu sắc, tinh thần đoàn kết sẵn sàng đứng lên để đánh đuổi các thế lực áp bức bạo tàn.
* Các yếu tố kinh tế:
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 21%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,2% (năm 2005) xuống còn 2,1% (năm 2010) và đang tiếp tục giảm xuống trong những năm tiếp theo để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 trên địa bàn phường không còn hộ nghèo.
Lam Sơn là phường có nền kinh tế chủ yếu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ, trong đó chủ yếu là buôn bán nhỏ, hiện tại trên địa bàn phường có hơn 2.300 hộ kinh doanh, dịch vụ và 216 doanh nghiệp đang hoạt động. Thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng bình quân khoảng 18 - 20%, năm 2010 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 32,5 tỷ đồng, trong đó thu thường xuyên đạt 14 tỷ đồng, nhìn chung việc thu ngân sách đã đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên và đầu tư phát triển trên địa bàn, ngoài ra còn thừa cân đối để đóng góp cho ngân sách nhà nước. Các mặt kinh tế - xã hội tuy đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng nhìn chung chưa khai thác, phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh, vì vậy, đây là yêu cầu cả hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước cần phải đổi mới về tổ chức và hoạt động để đáp ứng được các nhu cầu mà thực tiễn đòi hỏi.