5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.5.1.1 Các trường phái thiết kế kết cấu áo đường mềm
Trong khâu thiết kế kết cấu áo đường, nhìn chung có 2 trường phái:
- Dựa theo các quy luật cơ học - phương pháp lý thuyết (chủ yếu có tính đến mỏi); ví dụ như: phương pháp của Jeuffroy Bachelez, Alize (Pháp), Ivanop (Liên Xô trước đây),... [5].
- Dựa theo kinh nghiệm - phương pháp thực nghiệm; ví dụ như: phương pháp của AASHTO, Shook & Finn, Liddle, Shell, CBR,... [5].
Ngoài ra còn có một số phương pháp thiết kế kết hợp cả hai kiểu này.
Phương pháp AASHTO là tiêu biểu cho phương pháp kinh nghiệm, thường được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ và Canada. Phương pháp này chỉ cần tính đến khả năng chịu tải cho kết cấu áo đường.
Đối với các phương pháp thiết kế kết cấu mới (kết hợp cơ học - thực nghiệm) thì độ bền mỏi luôn được tính đến. Mỹ đã có một chiến lược phát triển lâu dài. Các thí nghiệm AASHO đã được thực hiện từ những năm 1950. Đến nay, Mỹ đã đưa ra
một phương pháp tổng hợp gần như đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến kết cấu áo đường. Phương pháp ME-Darwin (ME PDG) [25] mới nhất của Mỹ là dạng như vậy. Nó có tính đến hầu hết các tính chất của bê tông asphalt cũng như các dạng phá hoại.
Phương pháp thiết kế áo đường của Viện Asphalt (AI) được xem là phương pháp “bán thực nghiệm” với các thông số cơ học liên quan đến mỏi và biến dạng vĩnh cửu luôn được sử dụng [23].
Ở Pháp, Đức chủ yếu vẫn theo phương pháp kết hợp cơ học - thực nghiệm. Phương pháp thiết kế mặt đường của Pháp (French Pavement Design method - FPD) là điển hình trong số đó. Yếu tố cơ học đều có tính đến độ bền mỏi của bê tông asphalt. Ở Thụy Sĩ vẫn áp dụng phương pháp AASHTO, trong khâu thiết kế kết cấu chỉ tính đến khả năng chịu tải của từng lớp kết cấu áo đường. Tuy nhiên độ bền mỏi được kiểm tra trong bước thiết kế hỗn hợp bê tông asphalt.
Hiện nay, khâu thiết kế hỗn hợp bê tông asphalt ở các nước như Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Đức,... đều áp dụng một quy trình kiểm tra các tính chất của hỗn hợp bê tông asphalt tùy theo mức độ yêu cầu (mức cấp độ 1, 2,...). Trong đó độ bền mỏi thường được xác định nếu con đường sử dụng loại bê tông asphalt đó có tầm quan trọng lớn. Về khâu thiết kế hỗn hợp bê tông asphalt nói riêng, độ bền mỏi được coi như một trong những đặc tính quan trọng cuối cùng cần phải xác định trước khi xác định các đặc tính khác (độ chặt, độ chống lún, mô đun,...). RILEM TC-MCD là nhóm nghiên cứu quốc tế làm nhiều thí nghiệm khác nhau về mỏi bê tông asphalt tại nhiều nơi trên thế giới, sau đó cùng so sánh kết quả. Họ đang triển khai một chương trình nghiên cứu quy mô lớn, thực hiện từ năm 2011 ÷ 2016 với các tổ chức tham gia chủ yếu đến từ các nước châu Âu và Mỹ.